Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Niềm tin trên đảo tiền tiêu

Thứ Hai 09/04/2018 | 10:11 GMT+7

VH-Nước ta ba mặt giáp biển, ngư dân ngày đêm vật lộn với những cơn sóng để đấu tranh trong cuộc sống còn của mình. Mỗi lần trở lại Lý Sơn, chúng tôi luôn thấy ngậm ngùi vị mặn của biển trên từng khuôn mặt, trong từng giọng nói. Và ở đó, bất chấp sóng gió, bất chấp những biến động cả về thời tiết khí hậu, ngư dân vẫn miệt mài bám biển vươn khơi khẳng định sức sống và chủ quyền đất nước nơi mênh mông ấy…

Tượng đài Đội thủy binh Hoàng Sa vẫn sừng sững một góc trời

Trên hòn đảo tiền tiêu

Hằng năm, vào ngày 16.3 âm lịch, nhân dân trên đảo lại long trọng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao những người lính Hoàng Sa năm xưa đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại với biển cả, nhân dân trên khắp huyện đảo đã đắp nên các nấm mộ gió và lập đền “Âm Linh Tự và Mộ lính đội Hoàng Sa” là nơi phối thờ các chiến sĩ và binh phu Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là “nhân chứng sống”, là cứ liệu lịch sử quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Mỗi chuyến giong thuyền ra khơi để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ bờ cõi thiêng liêng với từng “tấc đất tất vàng” của Tổ quốc, những hùng binh năm xưa đã ký thác tâm niệm, kỳ vọng, ý chí và cả ý thức trách nhiệm của người con “đất Lạc cháu Hùng” với quê hương xứ sở. Nhiều người xem Hoàng Sa thời ấy như “địa ngục trần gian” mà một đi không có ngày về. Nếu “cao su đi dễ khó về” thì “Hoàng Sa một đi không ngày về”. Đặc biệt hơn, trong số binh phu dũng mãnh được tuyển lựa đi lính Hoàng Sa thì hầu hết là thanh niên trai trẻ, chưa có gia đình. Còn những binh phu may mắn có gia đình thì ra đi để lại những “hòn vọng phu” mòn mỏi trên đất đảo.

Lý Sơn nằm cách đất liền 15 hải lý, diện tích chưa đầy 10km2 nhưng dân số đến hơn 2 vạn người, bao gồm các đảo Lớn, đảo Bé và hòn Mù Cu. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết văn hóa Sa Huỳnh khoảng 200 năm trước Công nguyên ở đây. Ở đất đảo Lý Sơn, người ta vẫn thường ru con bằng những câu hát như thế: “Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về” hay buồn hơn nữa là: “Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn. Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Đấy là nói đến cuộc bôn ba của những người tìm đến Hoàng Sa ngày xưa mà bây giờ mình vẫn tự hào gọi họ là những hùng binh...

 Bàn thờ Chánh đội thủy binh Phạm Hữu Nhật, người mất trong chuyến ra Hoàng Sa năm 1836

Bây giờ, chẳng mấy khó khăn, nhiều người con đất đảo mang niềm tự hào muôn thủa dẫn chúng tôi vào thăm Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải nằm ngay giữa trung tâm huyện lỵ. Ở đó, nơi vẫn còn nhiều hiện vật còn lại của những đoàn binh phu từng vượt gió đạp sóng ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những vật dụng rất đỗi gần gũi được trưng bày trang trọng trong tủ kính. Cùng với đó là rất nhiều tư liệu khẳng định bờ cõi của đất Việt trên biển, như ảnh biển chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa chụp năm 1930; bản đồ “Phía đông Ấn Độ và những vùng lân cận” xác định rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, xuất bản tại Luân Đôn (Anh) năm 1969... Tôi đã thoáng rùng mình khi ngẩng lên, nhận thấy vẻ hào hùng, bi tráng từ Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải sừng sững giữa đất trời. Niềm xúc cảm ấy càng dâng cao khi chúng tôi đến Đình làng An Vĩnh (thôn Đông, xã An Vĩnh) - nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm vào tháng 3 âm lịch, Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa với những ngôi mộ gió của những người đi mãi không về. Cách Đình làng An Vĩnh không xa là nhà thờ Phạm Quang Ảnh, người được ngư dân Lý Sơn thờ cúng như một Thành hoàng.

Nhà thờ hiện nay do ông Phạm Quang Tỉnh, hậu duệ đời thứ 5 trông coi. Bên chén trà buổi sáng, ông Phạm Quang Tỉnh và người anh Phạm Quang Xã bồi hồi kể về lịch sử, về những kỷ vật của tổ tiên chỉ được giở ra mỗi năm một lần vào dịp “tế xuân” của dòng tộc với niềm tự hào khôn tả.

Niềm tin đầu ngọn sóng

Ở Lý Sơn không chỉ đang lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng của đội hùng binh, một thời tay không chèo thuyền ra khơi giữ gìn biên giới quốc gia. Mà ở đó, ngày ngày thuyền vẫn ra khơi, vừa tìm nguồn sống, vừa giữ gìn niềm tin về sự toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ tàu QNg 96149 Nguyễn Văn Hội bảo đôi khi trong suốt hành trình đánh bắt cá, tàu của ông phải mang theo hàng chục lá cờ Tổ quốc và cần thiết là thay ngay khi cờ bị bạc màu, để đảm bảo quốc kỳ trên nóc tàu luôn đỏ thắm, tươi rói. “Tổ quốc là linh thiêng, cờ Tổ quốc là nơi chúng tôi gửi gắm niềm tin và mơ ước của mình. Dẫu có bao sóng gió và cả những hiểm nguy, nhưng với chúng tôi, Tổ quốc vẫn là mãi mãi!”. Ông Hội khẳng định chắc nịch, giọng át cả những con sóng ầm ào vỗ vào mạn thuyền. 

 Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra ngày 16.3 âm lịch hằng năm

Hơn 300 năm đã qua đi, người dân huyện đảo Lý Sơn - vùng đất tiền tiêu phên giậu của Tổ quốc Việt Nam anh hùng - vẫn không thể nào quên được những ngày tháng oai hùng của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã giong thuyền, cưỡi sóng vượt biển khơi muôn trùng xây khát vọng lớn, gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ Hoàng Sa thiêng liêng và để lại nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi cho người ở lại với những nấm mồ, ngôi mộ gió không tên.

Trên hành trình của mình, chúng tôi không khỏi ám ảnh với bạt ngàn những ngôi mộ. Trên mảnh đất vỏn vẹn chưa đầy 10 cây số vuông ấy, chẳng ai đếm nổi những ngôi mộ nơi rải rác, nơi dày đặc. Mộ ken dày dưới chân núi, gần bên hiên nhà, hay ẩn hiện giữa những đám tỏi mơn mởn xanh. Và, chẳng thể nào biết được, bao nhiêu trong số đó là những ngôi mộ gió của những người trong Hải đội Hoàng Sa đã hòa mình vào sóng biển.

Ông Nguyễn Khoa, một người dân Lý Sơn, luôn tự hào khi nói đến sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân xứ đảo: “Có thể qua thời gian, những ngôi mộ gió bằng cát này có thể bị vùi lấp nhưng những ngôi mộ gió mãi mãi trường tồn trong tâm trí và trái tim mỗi một con người Lý Sơn”.

Dù những ngôi mộ gió ở Lý Sơn vẫn không ngừng tăng lên. Dù ngoài kia tàu của ngư dân Lý Sơn vẫn bị rượt đuổi. Nhưng có hề gì, mỗi một chiếc tàu cá của ngư dân ra khơi là một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo. Những chuyến tàu vẫn trực chỉ Hoàng Sa, với niềm tin trọn vẹn, sắt son.

Minh Ngọc

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top