Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội: Liệu có khả thi?

VH- TP Hà Nội vừa công bố thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội, thực hiện đến hết năm 2018.

Mới nghe thì đề án quả là có ý nghĩa vì các mặt hàng trái cây được bày bán trong cửa hàng sẽ được quản lý, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn về chất lượng...
Đề án hướng tới mục tiêu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định; nâng cao trách nhiệm, nhận thức pháp luật trong kinh doanh trái cây của các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như đội ngũ công chức thực thi nhiệm vụ. Phấn đấu trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại các quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng... tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn thành phố...
Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ hơn, nội dung mà người dân quan tâm nhất ở đề án là vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn hoa quả thì được đặt ở mục tiêu cuối cùng sau các mục tiêu tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không chấp hành quy định của pháp luật và TP trong hoạt động kinh doanh trái cây và xóa bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, trật tự đô thị. Và trong bốn nhóm điều kiện mà đề án đặt ra cho các cửa hàng thì điều kiện về nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây cũng bị đặt ở sau cùng, sau ba nhóm khác.
Có thể thấy, không phải chờ đến khi có đề án này thì Hà Nội mới có cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh trái cây, đảm bảo an toàn thực phẩm mà hiện nay đã có nhiều hệ thống bán thực phẩm “sạch” tại các siêu thị, các chuỗi cửa hàng... Nhưng đến nay, các cơ quan quản lý hầu như vẫn chưa quản lý được chất lượng các loại sản phẩm tại các chuỗi cửa hàng này. Vẫn có hiện tượng hàng hóa tuồn vào từ chợ đầu mối, sau đó được “thay tên, đổi họ”, dán nhãn mác biến thành thực phẩm “sạch”.
Một cửa hàng có biển hiệu, nhân viên được đào tạo, có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là điều cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng trái cây được bày bán trong các cửa hàng đó như thế nào? Đồng thời làm sao “quản” được cả quả bán ở những chợ đầu mối, chợ “cóc”, hàng rong để có những mặt hàng đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân? Nếu không trả lời được những câu hỏi này thì đề án này cũng chỉ là hình thức, chỉ kiểm soát về mặt thủ tục hành chính chứ khó có thể kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm như người dân đang mong đợi.


N.K

Ý kiến bạn đọc