“Giữ hồn” Việt qua âm nhạc dân tộc

VHO- Nghệ thuật âm nhạc truyền thống của Việt Nam với sự đa dạng, phong phú và đặc sắc là tài sản vô giá của dân tộc; tuy nhiên, cũng như nhiều giá trị văn hóa dân gian khác, âm nhạc dân gian đang đứng trước nhiều thách thức của thời đại. Với sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP), chúng ta đã có những cơ hội tuyệt vời giúp di sản phi vật thể của cha ông trở nên giàu sắc thái, thấm đẫm hồn cốt và có sức sống mãnh liệt hơn.

“Giữ hồn” Việt qua âm nhạc dân tộc - Anh 1

 Bo tn Di sn hát Then ca dân tc Tày

 Bảo tồn di sản vô giá

Bà Kate Bartlett, Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Việc bảo tồn di sản văn hóa không phải là công việc dễ dàng nhưng có ý nghĩa quan trọng và lâu dài dành cho các thế hệ tương lai. Năm 2001, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khởi động một chương trình mới, nhằm tạo điều kiện cho các Đại sứ quán trên khắp thế giới hỗ trợ các quốc gia và cộng đồng bảo tồn di sản văn hóa thông qua những dự án đặc biệt. Chương trình nhanh chóng trở thành cầu nối hợp tác mới quan trọng giữa Hoa Kỳ và 133 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. “Mục tiêu của chúng tôi là mong muốn hỗ trợ văn hóa Việt Nam. Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ bao hàm là những ngôi nhà to, công trình lớn mà cả giá trị văn hóa phi vật thể như những bài dân ca, làn điệu, diễn xướng cổ truyền của các dân tộc…”, bà Kate Bartlett nhấn mạnh.

May mắn được tham gia quá trình hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong một số dự án về bảo tồn di sản văn hóa, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ, năm 2002, trong khi UNESCO và các quốc gia thành viên đang thảo luận khái niệm, những thuật ngữ cho dự thảo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thì dự án bảo tồn âm nhạc Then của người Tày ở Cao Bằng được Quỹ AFCP lựa chọn để hỗ trợ. Xuất hiện từ thời nhà Mạc (1527-1592) và được truyền miệng qua nhiều thế hệ, hát Then được coi là một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy cấp bách.

Một minh chứng sinh động khác về tính hiệu quả và thiết thực của Quỹ AFCP trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là vào đầu năm 2022 (sau đại dịch), Quỹ đã hỗ trợ thực hiện việc tư liệu hóa quy mô hơn về các bài hát lễ của người Chăm. Dân ca Chăm được chia thành bốn loại chính: Hát lễ, thánh ca thường được biểu diễn trong các lễ tục để kể tiểu sử và ca ngợi công trạng của các vị thần được cầu khấn; Hát giao duyên, đối đáp dành cho các cặp nam nữ để diễn tả tình yêu đôi lứa; Hát vãi chài miêu tả hoạt động lao động sản xuất, thường được hát trong lễ Raja Proang; Hát ngâm truyện thơ tương tự như ngâm thơ của người Việt và hát kể sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên và cao nguyên Trường Sơn Nam... Tuy nhiên, hiện nay các bài hát lễ Chăm ngày càng ít được phổ biến và ít có sự quan tâm của cộng đồng, từ đó dần dần mất đi vai trò trong đời sống văn hóa. Đây là hiện trạng đáng báo động, cần có những chính sách, giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy trong thực tiễn.

“Giữ hồn” Việt qua âm nhạc dân tộc - Anh 2

 Tư liệu hóa các bài hát lễ Chăm

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo tồn âm nhạc truyền thống

Nhà nghiên cứu Đống Thành Danh, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm cho biết, xuất phát từ hiện thực âm nhạc Chăm, từ hàng chục năm nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện hàng loạt chương trình, dự án nhằm bảo tồn và phát huy các bài hát lễ Chăm. Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận đã từng nhiều lần mở lớp đào tạo nhạc cụ truyền thống Chăm từ những năm 1990; cán bộ của Trung tâm cũng tiến hành sưu tầm các bài hát lễ Chăm để lưu trữ dưới dạng bài viết, ký âm, ghi âm. Mặt khác, nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Hải Liên, Trượng Tốn, Lâm Tấn Bình, Đàng Quang Dũng, Trương Văn Món, Đàng Năng Hòa… cũng công bố nhiều bài viết, công trình khoa học về âm nhạc Chăm nói chung, các bài hát lễ người Chăm nói riêng.

Tại Ninh Thuận, để phát huy và lan tỏa âm nhạc dân gian, Đoàn ca múa nhạc dân tộc đã ra đời để phục dựng, trình diễn, tái hiện các bài hát lễ Chăm trên sân khấu; thành lập các câu lạc bộ, hội nhóm chơi nhạc cụ, múa lễ để phục vụ các nghi lễ hay khách tham quan. Đặc biệt, tại các sự kiện, ngày hội văn hóa hay lưu diễn, bài hát lễ tiêu biểu của người Chăm cũng được sân khấu hóa và tái hiện để quảng bá, giới thiệu rộng rãi ra cộng đồng.

“Từ năm 2019, chúng tôi bắt đầu thực hiện công tác tư liệu hóa các bài hát lễ bằng cả hai hình thức ghi âm và ghi hình. Sau đó, từ năm 2022, được sự hỗ trợ của Quỹ AFCP, chúng tôi bắt đầu thực hiện việc tư liệu hóa quy mô hơn các bài hát lễ của người Chăm với tham vọng là sẽ ghi âm, ghi hình 100 bài hát lễ trong 10 nghi lễ lớn nhất và tiêu biểu nhất của người Chăm. Mục đích của chương trình là tư liệu hóa (quay phim, ghi âm) các chức sắc, nghệ nhân đang hát các bài hát lễ hoặc tái hiện nghi lễ để nhằm ghi lại một cách chân thực, đầy đủ và nguyên vẹn nhất nội dung, âm thanh, hình ảnh. Bên cạnh đó, các bài hát lễ này sau khi được chỉnh sửa, biên tập sẽ được công bố trên nền tảng mở (YouTube, Facebook) với các dòng tóm tắt nội dung bằng tiếng Anh, chạy phụ đề tiếng Việt. Việc xây dựng một kho lưu trữ online là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các bài hát lễ Chăm nói riêng và di sản văn hóa Chăm nói chung”, nhà nghiên cứu Đống Thành Danh cho biết.

Còn với hát Then, Quỹ AFCP đã tài trợ 8.500 USD để thu thập, chuyển soạn, biểu diễn và bảo tồn dòng nhạc này cho các thế hệ tương lai thưởng thức. “Dự án đã góp phần giữ gìn đa dạng văn hóa và sự bình đẳng của các dân tộc thiểu số. Sau đó, với các chương trình mục tiêu và nhiều dự án khác của chính phủ Việt Nam dành cho nghiên cứu bảo vệ loại hình di sản này mà Then đã có một sức sống mạnh mẽ, lan tỏa trong đời sống đương đại. Năm 2019, Then của các dân tộc Tày Nùng ở Việt Nam đã được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, TS Lê Thị Minh Lý cho biết. 

 THANH NGỌC; ảnh: THƯ NGUYỄN

Ý kiến bạn đọc