Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Tình yêu từ những vần thơ

Thứ Sáu 23/06/2017 | 10:50 GMT+7

VH- “Mỗi trang thơ, bài văn viết cho thiếu nhi là một sáng tạo nghệ thuật, ẩn chứa trong đó những câu chuyện dí dỏm, hồn nhiên như một món ăn tinh thần bồi đắp tâm hồn trẻ”, đó là những chia sẻ của các nhà văn, nhà thơ tại cuộc tọa đàm gần đây nhất với chủ đề “Chúng tôi viết cho thiếu nhi”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, trong đó nổi tiếng là tập thơ Góc sân và khoảng trời, được tái bản hơn 30 lần, cho biết, để có được gia tài đồ sộ trên 50 năm của mình, thơ và các tác phẩm văn học chính là người bạn đồng hành sóng bước cùng ông trên đường đời.
Theo ông, mỗi bài thơ không chỉ là một sáng tạo nghệ thuật, ẩn chứa trong đó những câu chuyện dí dỏm, hồn nhiên của tuổi thơ mà tác giả luôn muốn chia sẻ với các độc giả nhí. “Người ta vẫn nói với tôi, đọc thơ Khoa thấy hồi hộp và cảm thấy mình trẻ lại, khi cùng “đánh thức trầu”, khi ra bờ rào bắt bướm, rồi tìm về với luống khoai, luống cà…

 Các sáng tác cho thiếu nhi của nhiều thế hệ tác giả đã giúp hình thành nên nhân cách của bao nhiêu lớp người. Tôi tin những cuốn sách viết cho thiếu nhi là hành trang tinh thần không chỉ theo tuổi thơ các em mà còn theo cả cuộc đời. Mỗi trang sách nhỏ mở ra tri thức, tâm hồn, trí tưởng tượng và những giấc mơ trong trẻo. Từ những trang sách nhỏ đấy, các em sẽ trưởng thành mạnh mẽ, đầy khát vọng, lòng nhân ái cho hôm nay và mai sau. (Giám đốc NXB Kim Đồng Phạm Quang Vinh)

Để viết được những vần thơ đầy cảm xúc như thế chỉ đơn giản là yêu sách, tìm đọc nhiều sách”. Ông kể, “anh ruột của tôi - nhà thơ Trần Nhuận Minh đã từng sống theo thơ, theo tinh thần của thơ. Cũng chính anh ấy chứ không ai khác, đã khai sáng cho tôi về thơ. Cả một tủ sách, ước chừng 1.000 cuốn đã được tôi lén đọc đến say mê và miên man ngay từ những năm tiểu học. Tôi như lạc, như mê sảng trong thế giới sách ấy”. Song duyên cớ khiến Trần Đăng Khoa làm thơ lại nhờ một sự tình cờ thú vị. Ấy là khi ông được đọc tập thơ Tấm lòng chúng em in năm 1964. Đây là một tập thơ của thiếu nhi, do thiếu nhi viết. Và từ đó những bài thơ đầu tiên của ông đã ra đời, từ Con bướm vàng, Cái sân, Trông trăng, đến Ảnh Bác, Góc sân và khoảng trời… Tất cả đều tự nhiên, mộc mạc, hồn hậu, đằm lắng, xuất phát từ những cảm xúc đầu tiên văn học mang đến cho ông.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho rằng, không bài giảng nào hay hơn là một cuốn truyện hay. Cảm xúc đến với mỗi người nhiều khi chỉ từ những cây na, quả mít, từ hoa cỏ chim muông... mà những vần thơ như tiếng đàn muôn điệu cho đứa trẻ thơ ngó nghiêng cảnh sắc quê hương đất nước. Phan Thị Thanh Nhàn thân thiết với thiếu nhi từ bài thơ Làm anh, cùng nhiều cuốn sách: Xóm đê ngày ấy, Tuổi trăng rằm, Bỏ trốn và gần đây là Học trò lớp chín. Nhà thơ cho biết, bà nhiệt tình tham gia viết cho thiếu nhi bởi “muốn giãi bày, muốn tìm đến một sự chia sẻ ấm áp trong lành giữa cảnh đời còn nhiều nỗi khổ đau”.
Tự nhận mình là người nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn, Phan Thị Thanh Nhàn đau đớn và xót xa khi chứng kiến biết bao nghịch lý xảy ra trong đời sống. Vì thế, trong những trang viết hóa thân vào nhân vật trẻ thơ, Thanh Nhàn có những góc chiếu, ánh nhìn đa dạng hơn là chỉ riêng một ánh mắt của trẻ. Với bài Xóm đê, bà dường như đã dành nhiều tình cảm sâu sắc và chân thành cho những số phận bất hạnh, vất vưởng nghèo khó cùng cực mà lại tồn tại cận kề ngay thủ đô Hà Nội văn minh. Truyện Bỏ trốn chính là một thành công của nhà thơ trong mảng đề tài ấy và là một đóng góp đáng kể cho văn xuôi dành cho thiếu nhi. Nhà thơ từng nói: “Tôi yêu thích sách, tìm thấy nhiều giá trị nhân văn từ sách, vì thế cũng muốn qua tác phẩm của mình gửi đến sự đồng điệu về tình yêu thương người trong tâm hồn trẻ”. Giống như suy nghĩ của nhà văn trẻ Ngọc Linh: “Làm thơ hay viết văn cho các em là phải luôn giúp cho các em lớn lên về tâm hồn. Tôi viết cho các em về tất cả những gì tôi đã từng trải nghiệm và yêu thương. Đó không phải là những con chữ bình thường, mà đó là rung động của tâm hồn. Cái chất xanh tươi, trong sáng trong các tác phẩm, theo tôi nó như là món ăn tinh thần rất quý, bồi bổ tâm hồn của mỗi người ngay từ thời thơ ấu”.
Có lẽ thế mà nhà thơ Trần Đăng Khoa từng bông đùa, ai chơi được với trẻ nhỏ người ấy bất tử.


Hà Nguyễn

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top