Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Vụ Youtuber Thơ Nguyễn bị chỉ trích vì clip cho búp bê uống nước ngọt “xin vía học giỏi”: Cảnh báo văn hóa ứng xử lệch chuẩn trên mạng xã hội

Thứ Năm 11/03/2021 | 15:14 GMT+7

VHO- Mạng xã hội bức xúc chia sẻ đoạn clip Youtuber Thơ Nguyễn cho búp bê giống Kumanthong uống nước ngọt để “xin vía học giỏi”. Gặp sự phản ứng dữ dội, Thơ Nguyễn đã đóng Facebook và đăng clip khóc sụt sùi lên TikTok. Tuy nhiên, từ vụ việc này đã tiếp tục đặt ra nhiều cảnh báo, đặc biệt về câu chuyện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Youtuber đăng clip khóc lóc trên mạng xã hội

Ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội

Youtuber Thơ Nguyễn, một hot Youtuber thu hút nhiều em nhỏ theo dõi, đã đăng tải clip trên tay ôm một con búp bê, tay kia cầm chiếc vòng để trước mặt búp bê và giới thiệu có nhiều bạn nhỏ nhờ xin vía học giỏi. Dân mạng phản ứng dữ dội, đặc biệt các vị phụ huynh cho rằng Thơ Nguyễn đăng clip như vậy là không phù hợp với trẻ em, trong khi kênh Youtuber này có tới gần 9 triệu người theo dõi, gồm nhiều khán giả nhỏ tuổi. Trước phản ứng này, Thơ Nguyễn đã đóng Facebook, đồng thời đăng 2 đoạn clip khác sụt sùi khóc lên TikTok.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho rằng, việc Youtuber Thơ Nguyễn bị chỉ trích vì xin vía học giỏi từ búp bê cho thấy nhiều vấn đề. Ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội đến trẻ em nói riêng, cả xã hội nói chung ngày càng mạnh mẽ. Giờ đây, không chỉ gia đình, nhà trường, mà ngay chính các trang mạng xã hội đã chi phối nhận thức, và từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người.

“Vì thế, những thông tin đến từ mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía xã hội. Giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng phải chú ý nhiều hơn đến các trang mạng xã hội. Đây có lẽ là thời điểm để chúng ta phải nói kỹ hơn về văn hoá số trong bối cảnh của một xã hội số, nền kinh tế số và công dân số”, theo ông Bùi Hoài Sơn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích, sử dụng các trang mạng xã hội hiện nay có nhiều mục đích khác nhau. Các trang mạng xã hội, về bản chất, mang tính chất trung tính, là phương tiện để tạo điều kiện cho con người thuận lợi hơn trong giao tiếp. Chính vì thế, lợi ích hay tác hại của các trang mạng xã hội đến từ người sử dụng. Người sử dụng mạng xã hội thông thái sẽ tận dụng được lợi thế của công nghệ từ mạng xã hội để phát triển năng lực bản thân, và ngược lại.

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Theo ông Sơn, chúng ta chưa thực sự hình thành văn hoá ứng xử trên mạng xã hội. Vì lý do đó, những hành động, hình ảnh nào là phù hợp, không phù hợp cũng như những tranh luận trên mạng xã hội nên dừng ở mức độ như thế nào là vừa đủ vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng.

Một phần vì các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội đang quá mới, khiến chúng ta chưa hoàn toàn đúc kết được kinh nghiệm. Chúng ta không thể đúc kết kinh nghiệm từ những gì chưa được trải nghiệm. Một phần vì bối cảnh xã hội hiện tại cũng rất khác bối cảnh xã hội trước đây, đặc biệt là khi các phương tiện truyền thông mới cho phép các thảo luận được diễn ra một cách tương đối tự do, thiếu sự kiểm soát, nhiều khi lại ẩn danh khiến người tranh luận có thể trốn tránh trách nhiệm của mình, cũng như tự cho phép mình có những bình luận ảnh hưởng tiêu cực đến người khác – điều ít xảy ra nếu đó là giao tiếp trực tiếp. Tất cả khiến cho môi trường mạng xã hội đang khá hỗn loạn, thiếu định hướng, dẫn đến nhiều tranh cãi khác nhau, trái chiều mà nếu người sử dụng không có một kiến thức và bản lĩnh tốt sẽ không thể có đánh giá khách quan, thấu đáo về những hiện tượng trên mạng xã hội.

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, lợi ích kinh tế là một yếu tố quan trọng chi phối hành vi sản xuất thông tin trên mạng xã hội. Chính việc cổ vũ các nội dung không phù hợp qua lượt share, view, like tạo điều kiện cho các chủ trang kiếm được nhiều tiền, khiến cho xu hướng tạo ra các nội dung không lành mạnh, nhưng lại kích thích được sự tò mò từ người xem, đã tạo ra những xu hướng sản xuất nội dung không phù hợp trong thời gian vừa qua. Không chỉ là sai sót của Thơ Nguyễn mà còn rất nhiều trang thông tin tương tự chính là biểu hiện cụ thể của việc chạy theo lợi ích kinh tế để tạo ra các nội dung không phù hợp này. Hiểu bản chất sự việc như vậy để chúng ta tránh vào việc hết phê phán hiện tượng này, chủ trang kia đến hiện tượng khác, chủ trang khác.

Để hạn chế những hiện tượng tiêu cực trên các trang mạng xã hội, hãy trở thành những người sử dụng mạng xã hội thông minh để biến những lợi ích của mạng xã hội thành lợi ích cho bản thân, hạn chế những tiêu cực trên mạng xã hội. Mặt khác, cần hình thành nên bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, là định hướng cho việc tạo nội dung cũng như là cơ sở để đánh giá, bình luận về những hoạt động trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, cần tăng cường chế tài xử phạt những hoạt động không phù hợp để tạo ra những bài học làm gương cho những hành vi không phù hợp trên môi trường này, trả lại sự trong sạch, những điều tích cực và lợi ích của các trang mạng xã hội.

MINH NGỌC

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top