Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Ba lối vào tâm cảnh người dịch L’art à Hue

Thứ Ba 01/02/2022 | 09:00 GMT+7

VHO- Ngẫm lại, tôi vẫn mừng vì đã quen Nguyễn Thanh Hằng trước khi cô với tư cách dịch giả và Nhã Nam nhận tin vui Nghệ thuật Huế (L’art à Hue) được trao giải B, Giải thưởng Sách quốc gia 2021. L’art à Hue của Léopold Michel Cadière từng được chuyển ngữ trước đó. Nhưng bản do Nguyễn Thanh Hằng dịch trong 3 tháng 13 ngày đã luôn lọt danh sách best-seller từ khi phát hành cả năm qua.

Nguyễn Thanh Hằng chụp cùng cô chủ siêu thị Việt Nam Thanh Bình Jeune nhân dịp đưa sách Nghệ thuật Huế sang Pháp năm 2020

Duyên hạnh ngộ “L’art à Hue”

Giữa năm 2021, tôi đọc được bài Nguyễn Thanh Hằng viết cảm nhận về bộ 2 cuốn Thông điệp của nướcBí mật của nước (tác giả, tiến sĩ Masaru Emoto). Khi ấy, Covid-19 đang bao trùm không khí căng thẳng lần thứ ba lên đời sống châu Âu. Đọc những dòng tự chữa lành cơ thể sau cơn sốt kéo dài của Hằng, chính tôi thấy như mình vừa khỏi bệnh.

Sau này, Hằng kể: “Tôi tin thế giới đa chiều, hay tâm cảnh, là có thật. Một niềm tin không dễ gì giải thích rõ ràng được. Khi ta tìm kiếm giá trị tinh thần, lập tức tinh thần của ta đã trở nên sống động và đa chiều hơn hẳn. Đó là một trong những đặc điểm nổi bật của văn minh phương Đông.”

Thế thì, cũng dễ hiểu thôi, Hằng đã ngồi ở Pháp và dịch L’art à Hue với niềm tin ấy. Không biết và chưa có điều kiện đọc những bản dịch trước đó nên không áp lực. Nhưng khó khăn ở chỗ chương đầu Léopold Michel Cadière lại viết về những điểm hạn chế của nghệ thuật Huế trước, sau đó mới đến phần khen ngợi. Rồi làm sao tìm cách thể hiện dễ nhất cho tác giả và độc giả “làm quen” qua hai ngôn ngữ Pháp-Việt. Tình cờ, lúc đó Hằng tìm được cuốn tiếng Pháp Nghệ thuật Huế bản giả cổ, niềm tin rằng mình và cuốn sách đã được kết nối theo cách  nào đó, có thể gọi duyên hạnh ngộ, khiến Hằng hết do dự, tìm được lối vào tác phẩm. Và Nguyễn Thanh Hằng, thạc sĩ ngành Lịch sử đã cho ra một bản dịch đúng như tiến sĩ luật Lê Thiên Hương tại Pháp nhận xét: “Những người thích vẻ đẹp tinh tế và kín đáo, không phô trương chắc hẳn sẽ bị mê hoặc bởi những đường nét chạm trổ cầu kì, điêu luyện mà tao nhã, thể hiện tín ngưỡng, tư tưởng An Nam. Một sự khâm phục không nhỏ xin dành cho dịch giả đã chuyển thể rất thành công văn phong tinh tế bặt thiệp thời đầu thế kỉ XX, cũng như các thuật ngữ chuyên ngành. Một bản dịch xuất sắc cho một quyển sách rất khó.”

Paris và những cuộc gặp gỡ

Từng đoạt giải Nhất kì thi Lịch sử quốc gia năm 1999, năm 22 tuổi Hằng sang Pháp học thạc sĩ ngành Lịch sử trường EHESS. Paris cho Hằng vô vàn những bỡ ngỡ và sửng sốt đầu tiên. Cũng sống xa xứ như Hằng nên tôi thấu cảm cách Hằng tả “Ta như một đứa trẻ học lại mọi kỹ năng sinh tồn, và như một người lớn để chịu trách nhiệm về tất cả việc mình làm nơi xa nhà.”

Nhưng mỗi người chọn một cách đối diện. Hằng chịu đọc, chịu đi và chịu gặp. Paris là nơi cho Hằng hạnh ngộ thầy Nguyễn Phú Phong - người thành lập ngành Việt Nam học thuộc khoa Đông phương học của ĐH Paris 7, cô Công Thị Nghĩa - hoa hậu đầu tiên của Việt Nam (1955) cũng là tiến sĩ Sử học tại Pháp, cùng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo viết bài cho tờ Đoàn kết, hợp tác một số dự án văn hóa với nhà nghiên cứu văn hóa, TS Trần Thu Dung, gần đây tham gia dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho Hội Philotechnique - một trong những hội đoàn Pháp lâu đời, uy tín nhất về giáo dục... Hằng bảo cô thường ít khi từ chối những hoạt động, dự án văn hóa và luôn thực hiện với năng lực tốt nhất có thể. Vì cô ý thức rằng, trải nghiệm này, cũng như những địa danh, nơi chốn đã đi qua, có thể mãi mãi không quay lại lần nữa. Rồi cũng rất tự nhiên, các hoạt động, dự án đến với Hằng qua con người, nhân vật, sự kiện đặc biệt không ngờ đến. Cô cảm thấy may mắn và biết ơn cuộc đời cho được thỏa nguyện theo một cách riêng mang tính rất Pháp mà cũng rất châu Á.

Nhìn thấy “Trời may áo mới”

Tôi hoàn toàn đồng ý với Hằng ở quan điểm phải vượt qua giới hạn vùng an toàn của chính mình. Cái ngưỡng cửa ấy, bước qua còn dễ hơn vượt thoát những ý nghĩ đã đóng khung trong đầu. May mắn mời được Hằng tham gia sản xuất podcast cho Kênh Việt happiness station phục vụ người Việt xa xứ, tôi “va chạm” với Hằng cũng nhiều. Sự va chạm này thú vị đến nỗi tôi phải lục tìm Hằng trong những góc đọc, góc viết, góc diễn đàn chung. Tìm ra Nguyễn Thanh Hằng hồi 1995 có bài thơ Trời may áo mới in trên Báo Khăn quàng đỏ. Mới học lớp 8 Hằng đã vẽ cảnh thu: Mây đen giặt vải/Sấm chớp làm kim/Mưa rơi làm chỉ/Mẹ Trời đang may... Từ chiếc áo “thêu vài cánh chim, mây bồng viền cổ” lại liên tưởng đến thứ văn phong tinh tế bặt thiệp Hằng chuyển tải thành công trong Nghệ thuật Huế.

Rồi cũng hiểu ra tại sao Hằng, từng làm Tổng Biên tập tờ Đoàn kết tại Pháp (tiền thân chính là tờ Người cùng khổ) lại quyết liệt muốn thay đổi, muốn phải làm gì hơn thế để đạt nhận thức rằng hạnh phúc và sống có ý nghĩa là lựa chọn và đấu tranh không ngừng nghỉ, chứ không phải điều may rủi. Thay vì ngồi tổng kết năm Covid-19 thứ hai với biết bao hoang mang cùng tổn thương mất mát, Hằng chọn hành động. Cô bảo tôi: “Khó nhưng mình vẫn chịu nghĩ, dám làm thì sau này nhìn lại, dư vị sẽ rất ngọt ngào và cảm giác vô cùng sung sướng”. Cuối năm, nhìn lịch làm việc của Hằng khá chóng mặt. Vừa dạy học, viết bài, vừa tham gia gây dựng Diễn đàn giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài, tổ chức cuộc thi “Nói món Việt cùng con”, lo khâu trao giải cuộc thi "Nước Pháp-Hành trình và cảm nhận" sau bao khó khăn nào biểu tình Áo vàng, dịch bệnh ập đến, rồi phong tỏa nước Pháp...

Gần đây, Hằng thêm một ước mơ tham gia dự án sách song ngữ về văn hóa Việt Nam để “Không chỉ trẻ em-thiếu niên, thậm chí người lớn ở Pháp nói riêng, ở nước ngoài nói chung có thể tiếp cận. Ví dụ, quyển Nghệ thuật Huế có thể làm artbook với nhiều chủ đề dành cho trẻ em. Hiện nay, đầu sách này khá ít, chỉ mới ở những câu chuyện cổ tích hoặc truyện thiếu nhi được dịch lẻ tẻ. Nếu có dự án chuyên làm những bộ sách giải thích, minh họa một cách đáng yêu, đẹp đẽ về văn hóa Việt Nam sẽ rất giá trị. Như vậy, thế hệ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có thêm cách thức gắn kết hơn với nguồn cội”.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top