Ra mắt bộ học liệu “Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ”

VHO - Ngày 25.3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tổ chức Lễ công bố công trình nghiên cứu bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ. Bộ học liệu là công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn công phu, là nguồn học liệu quý báu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập trong các trường học.

Ra mắt bộ học liệu “Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ” - Anh 1

Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM được Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ biên soạn bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ theo Quyết định số 2018/QĐ-BVHTTDL ngày 17.7.2020. Trên cơ sở đó, Nhà trường đã mời được các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa tham gia biên soạn 14 tập trong bộ học liệu này. Đến tháng 11.2021, bộ học liệu đã được các Hội đồng nghiệm thu thông qua, các chủ biên đã nghiêm túc chỉnh sửa và hoàn chỉnh. 

Thông tin quá trình biên soạn bộ học liệu, GS.TS Nguyễn Chí Bền, Trưởng ban nội dung của Tổng tập chia sẻ, dù có nhiều cách phân vùng văn hóa Việt Nam, nhưng tất cả các tác giả khi phân vùng văn hóa Việt Nam đều thống nhất Nam Bộ là một vùng văn hóa. Nam Bộ trên lát cắt đương đại gồm các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ là Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM; các tỉnh thuộc Tây Nam Bộ là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, TP.Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang. "Có thể còn tranh luận, nhưng chúng tôi cho rằng, mỗi vùng văn hóa đều có một kho tàng văn hóa dân gian gồm các thành tố khác nhau. Với văn hóa dân gian Nam Bộ, nếu tính từ những ghi chép bằng chữ Hán của các nhà nho như Trịnh Hoài Đức (trong Gia Định thành thông chí), các viên quan trong Quốc sử quán nhà Nguyễn (Đại Nam nhất thống chí) viết đầu thế kỷ XIX, nếu tính từ những cuốn sách của Trương Vĩnh Ký (Chuyện đời xưa), Huỳnh Tịnh Của (Chuyện giải buồn) xuất bản cuối thế kỷ XIX bằng chữ quốc ngữ, đến nay đã có nhiều công trình sưu tầm, sưu tập về từng thành tố của văn hóa dân gian Nam Bộ được xuất bản. Song chưa có một công trình tổng thể về văn hóa dân gian Nam Bộ, dưới tên gọi Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ. Nhận thấy tính cấp thiết về khoa học và thực tiễn của bộ Tổng tập, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thực hiện công việc này...", GS Bền cho biết. Theo GS Bền, quan niệm văn hóa dân gian (folklore) theo nghĩa rộng, Hội đồng biên tập đã xây dựng bộ học liệu thành 14 tập, mời các nhà khoa học trong và ngoài nhà trường làm chủ biên từng tập. Các chủ biên đều là những tác giả am hiểu, có kinh nghiệm nghiên cứu về từng thành tố văn hóa dân gian Nam Bộ. 

Ra mắt bộ học liệu “Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ” - Anh 2

GS.TS Nguyễn Chí Bền chia sẻ quá trình biên soạn

"Chẳng hạn, PGS.TS Phạm Lan Oanh đã là đồng tác giả tập 8 và 9 của trong Tổng tập Văn học dân gian người Việt gồm 19 tập mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, đã xuất bản từ năm 2005, tái bản 3 lần trong các năm qua; Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang là hai chuyên gia về Dân ca Nam Bộ; PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm là chuyên gia nghiên cứu về Đờn ca tài tử, nhạc lễ Nam Bộ; PGS.TS Phan Thị Yến Tuyết - chuyên gia hàng đầu về ẩm thực và trang phục dân gian Nam Bộ; PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng đã nghiên cứu nhiều năm về lễ hội dân gian Nam Bộ, còn PGS.TS Lâm Nhân là chuyên nghiên cứu về làng nghề và tri thức dân gian…", GS.TS Nguyễn Chí Bền nói thêm.

Cấu trúc của Bộ học liệu gồm: Câu đố và Vè Nam Bộ (tập 1); Truyện kể dân gian Nam Bộ (tập 2); Truyện cười, truyện trạng dân gian Nam Bộ (tập 3); Ca dao, tục ngữ Nam Bộ (tập 4); Dân ca Nam Bộ (tập 5); Đờn ca tài tử Nam Bộ (tập 6); Nhạc lễ dân gian Nam Bộ (tập 7); Lễ hội dân gian Nam Bộ (tập 8); Tín ngưỡng và phong tục tập quán Nam Bộ (tập 9); Kiến trúc dân gian Nam Bộ (tập 10); Trang phục và ẩm thực dân gian Nam Bộ (tập 11); Làng nghề dân gian Nam Bộ (tập 12); Tri thức dân gian Nam Bộ (tập 13); Nghệ nhân dân gian Nam Bộ (tập 14). Từng tập theo một cấu trúc thống nhất gồm các phần: Khải luận, Sưu tập, Tài liệu biên soạn, Phàm lệ, Tài liệu tham khảo, Trích những ý kiến của các nhà khoa học và Phụ lục. 

Ra mắt bộ học liệu “Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ” - Anh 3

Các nhà nghiên cứu là thành viên biên soạn bộ học liệu 

Chịu trách nhiệm tổng thể của Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ là Hội đồng biên tập do GS.TS Nguyễn Chí Bền làm chủ tịch, nói cách khác là Tổng chủ biên. Những năm qua, ông đã là Tổng chủ biên Bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam, 9 tập (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018, 2019), Tổng chủ biên bộ sách Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam, 4 tập (NXB Quân đội nhân dân, 2020, 2021). 

Về mặt hình thức, bộ học liệu 14 tập (mỗi tập dày từ 500 trang đến hơn 1.000 trang A4) về 14 thành tố của văn hóa dân gian Nam Bộ đã hoàn chỉnh cả về tập hợp tư liệu, nghiên cứu, đánh giá và biên soạn, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh, giảng viên, các nhà nghiên cứu sử dụng thuận lợi. Về mặt khoa học, Bộ học liệu tạo ra một cái nhìn tổng thể về văn hóa dân gian Nam Bộ từ nhận định cơ bản về quan niệm thể loại, tình hình sưu tầm nghiên cứu, giá trị của  từng thành tố đến tư liệu được tập hợp hoàn chỉnh.

Ra mắt bộ học liệu “Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ” - Anh 4

Bộ học liệu góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống Nam Bộ

Đây là lần đầu tiên, ngành VHTTDL có Bộ học liệu Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ chi tiết, đầy đủ và khoa học; góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống Nam Bộ, góp phần thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 (Khóa XI) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Công trình sẽ hỗ trợ công tác truyền dạy, bảo tồn văn hóa truyền thống trong và ngoài nhà trường có tư liệu một cách hệ thống, khoa học. 

Dịp này, Nhà trường cũng đã chính thức công bố công trình Lịch sử Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (1976-2022), việc biên soạn tài liệu nhằm chuẩn bị cho việc chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Trường vào năm 2025. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc