Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Khi các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới mang đến… “bộn tiền”

Thứ Sáu 24/03/2023 | 21:42 GMT+7

VHO- “Từ khi các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được ghi vào danh mục di sản thế giới, số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng. Đó là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cươnng phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Phát huy vai trò của di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam”, diễn ra chiều 24.3 tại Hà Nội.

Di sản đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế

Dự hội thảo, về phía quốc tế có ngài Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; ngài Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Về phía Việt Nam có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; đại diện UBND các địa phương sở hữu di sản, các BQL di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn bảo tàng, di sản…

Hội thảo quốc tế về “Phát huy vai trò của di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với  Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức  nhân kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới (1987-2023). Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm đánh giá tổng quan công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam; khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước  và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO (Công ước 1972) là Công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, bảo đảm mối quan hệ cân bằng hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Hơn 50 năm qua, Công ước 1972 đã khẳng định là một trong những Công ước quốc tế có dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội thảo

Tại Việt Nam, từ khi phê chuẩn Công ước 1972 đến nay, có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được ghi danh, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An. Các di sản đã và đang đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội; nâng cao đời sống của cộng đồng, phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, từ khi các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được ghi vào Danh mục di sản thế giới, số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng mạnh mẽ. Đó là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo Thứ trưởng, các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong thời gian qua đã được tu bổ, phục hồi và cơ bản thoát khỏi nguy cơ xuống cấp, đồng thời bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn theo hướng bền vững; bộ máy, nguồn nhân lực quản lý di sản thế giới từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, kiện toàn; các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, những di sản này không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn là của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, những di sản này không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn là của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hội thảo đánh dấu quá trình hơn 35 năm Việt Nam tham gia Công ước 1972, đồng thời là dịp cùng nhau trao đổi, định hướng giải pháp nâng tầm, đẩy mạnh vai trò, giá trị của các di sản trong giai đoạn mới.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cho rằng, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam giống như 8 chòm sao biểu tượng, mang dấu ấn tâm linh hết sức thiêng liêng cho quốc gia, dân tộc. Ông lưu ý: “Tự hào với di sản, chúng ta cần có những cam kết hiệu quả trong bảo tồn di sản, làm sao để các khu di sản có thể kiên cường hơn, chống trả tốt hơn trước những tác động cực đoan của từ thiên nhiên và con người; tối ưu hóa phúc lợi của người dân địa phương thông qua sự tham gia nhiều hơn của các cộng đồng. Đặc biệt, phải có giải pháp hài hòa nhu cầu về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống mà không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo tồn di sản”.

Di sản “vượt qua” thách thức

Hội thảo diễn ra với hai chủ đề: Phát huy vai trò của Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững của Việt Nam và Phát huy giá trị di sản - thực tiễn và kinh nghiệm. Các ý kiến tập trung thảo luận, phân tích những đặc thù của từng di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam; nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; những thách thức để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, mệnh danh là Thành phố di sản”, Hà Nội có quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, mệnh danh là Thành phố di sản”, Hà Nội có quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ… Tất cả di sản văn hóa trên chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo của đất Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử.

Cũng theo lãnh đạo TP Hà Nội, kể từ năm 2010, sau khi UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, Chính phủ, UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan đã tập trung cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, kỹ - mỹ thuật, phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di sản. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, học tập; các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khu di sản… Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, tươi đẹp và đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, khu di sản đón tiếp hơn 210.000 lượt khách tham quan (trong đó có 20% là khách quốc tế) và hơn 21.000 lượt học sinh tham gia học tập, tìm hiểu về di sản.

Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ TP được mệnh danh là nơi “dưỡng già”, sau 20 năm, Hội An đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng. Năm 2019, Hội An đón 5,5 triệu lượt du khách, trong đó có trên 3 triệu lượt quốc tế. “Du lịch thay đổi diện mạo và cuộc sống Hội An. Chỉ những chiếc xích lô thôi cũng kiếm bộn tiền. Thu nhập cao, đảm bảo sinh kế của người dân, từ đó, người dân ủng hộ Nhà nước trong bảo tồn, phát huy, giữ gìn di sản” , ông Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cho rằng, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam giống như 8 chòm sao biểu tượng, mang dấu ấn tâm linh hết sức thiêng liêng cho quốc gia, dân tộc

Cùng với đó là nhiều thách thức đặt ra. Phó Giám đốc BQL Quần thể danh thắng Tràng An cho biết, tương tự nhiều di sản khác, Quần thể danh thắng Tràng An cũng phải đối mặt với bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Với diện tích vùng lõi hơn 6 nghìn ha, bao trùm trên 12 xã với trên 20 nghìn cư dân sinh sống, Quần thể danh thắng đứng trước nhiều thách thức, không chỉ từ việc phải bảo đảm sinh kế cho cộng đồng dân cư, mà còn ở nhu cầu nhà ở, hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, cảnh quan làng xóm mà không ảnh hưởng tới các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.

Trong khi đó, những thách thức ở di sản Vịnh Hạ Long lại được BQL di sản này chỉ ra rằng, đó là sự tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi các tác động của thiên tai, khí hậu, trong khi nhận thức về bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống xanh chưa có chuyển biến tích cực; một bộ phận nhân lực chưa theo kịp với yêu cầu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ hội nhập.

Ngay ở Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di sản dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học phải nghiên cứu, tìm hiểu đưa ra các hướng giải quyết thận trọng và khoa học từ nhiều góc độ khác nhau.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản

Nhiều kiến nghị, đề xuất được nêu đối với công tác quản lý di sản trong thời gian tới như cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng- chủ sở hữu di sản; bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, để phát triển di sản văn hoá bền vững, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm phát triển cân bằng với bảo tồn, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa của di sản, từ đó có hướng khai thác, phát huy hiệu quả.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam chỉ ra, hiện nay việc quản lý, phát huy các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam  rất bất cập, không có sự thống nhất, nơi thì thuộc UBND tỉnh, thành phố, nơi thuộc Sở, nơi lại do quận, huyện quản lý. Như vậy  rất khó để bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán trong triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản. Theo ông Tín, cách thức quản lý này cần sớm được thống nhất, bảo đảm thông suốt trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhận định, quá trình tham gia Công ước 1972 đã giúp Việt Nam đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản thế giới nói riêng. Hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, tạo nên khuôn khổ pháp lý thích hợp cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21.9.2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được xây dựng theo hướng tiệm cận với tinh thần của Công ước di sản thế giới và mục tiêu Phát triển bền vững của UNESCO, góp phần quan trọng cụ thể hóa mục tiêu của quốc gia trong việc bảo vệ các di sản thế giới theo hướng bền vững, là bài học kinh nghiệm để các quốc gia thành viên tham khảo trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

Theo Thứ trưởng, những ý kiến tại hội thảo đã tham góp nhiều góc nhìn, đề xuất thiết thực. Kết quả từ hội thảo sẽ đóng góp nội dung cho Hội nghị quốc tế bảo tồn và phát huy các danh hiệu của UNESCO phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương sẽ diễn ra vào thời gian tới.

BẢO NGÂN; ảnh: LẠI TẤN

Print
Tags: Di sản

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top