Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

“Dọn” phim xuyên tạc, sai lệch lịch sử

Thứ Sáu 07/10/2022 | 09:20 GMT+7

VHO- Nghị định số 71/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 được xem là một bước tiến lớn, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động của các dịch vụ giải trí trên mạng Internet - bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu người xem - cũng đã nảy sinh không ít bất cập.

Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử đã yêu cầu Netflix gỡ bộ phim "Ba chị em" khỏi kho nội dung dịch vụ tại Việt Nam

Những quy định sửa đổi đặc biệt cần thiết trước thực trạng một số bộ phim xuyên tạc, sai lệch lịch sử, vi phạm điều cấm theo quy định của Việt Nam được chiếu trên các nền tảng xuyên biên giới, như trường hợp phim Ba chị em (Little Women) của Hàn Quốc vừa bị Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) yêu cầu Netflix gỡ bỏ.

Yêu cầu gỡ phim vì xuyên tạc lịch sử

Ngày 3.10, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử có văn bản gửi Công ty Netflix yêu cầu tuân thủ pháp luật khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam. Văn bản nêu rõ, qua hoạt động theo dõi, giám sát nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng Internet và phối hợp xử lý vi phạm với Cục Điện ảnh, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phát hiện nội dung phim Ba chị em (Little Women) đang cung cấp trên dịch vụ của Netflix vi phạm các điều cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, phim này đã vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 9 Luật Báo chí: Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc…; Vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh: Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân... Trong văn bản này, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã nêu rõ những phân đoạn Little Women vi phạm khi nhắc về chiến tranh Việt Nam, phim truyền tải nội dung đối thoại giữa các nhân vật ca ngợi tội ác của lính đánh thuê Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam giai đoạn năm 1967 (tập 3 từ phút 58:01 - 58:22 và tập 8 từ phút thứ 5:41 - 7:01).

Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu Neflix gỡ bỏ phim Little Women khỏi kho nội dung dịch vụ tại Việt Nam, đảm bảo không phổ biến bộ phim này tới người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam trước ngày 5.10.2022. Văn bản cũng chỉ rõ, trong trường hợp Netflix tiếp tục duy trì bộ phim này trên dịch vụ sau thời hạn nêu trên, Cục sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước liên quan xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam.

Trên các diễn đàn phim, nhiều người kêu gọi tẩy chay Little Women. Các ý kiến chỉ rõ, dù phim hay đến thế nào nhưng có yếu tố xuyên tạc và xúc phạm lịch sử Việt Nam thì vĩnh viễn không nên phát sóng trên bất cứ nền tảng nào ở lãnh thổ Việt Nam. Điều đáng nói, trước đó Netflix từng bị phản ứng vì một số bộ phim công chiếu trên nền tảng này xuất hiện hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông như Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put Your Head On My Shoulder), Pine Gap; Bà ngoại trưởng (Madam Secretary). Những phim này cũng bị yêu cầu rà soát, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam.

Đưa dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet xuyên biên giới vào khuôn khổ

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP đã có nhiều quy định mới nhằm siết chặt quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó có nhiều điều khoản quy định chặt chẽ nhằm đưa dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet vào khuôn khổ.

Các quy định sửa đổi, bổ sung tập trung cụ thể hóa các quy định quản lý dịch vụ, đặc biệt đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chỉ cung cấp gói dịch vụ theo yêu cầu (OTT TV VOD), không cung cấp kênh chương trình; quản lý nội dung cung cấp trên dịch vụ (gồm nội dung theo yêu cầu, chương trình, kênh chương trình). Nội dung căn bản nhất của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam. Nghị định nêu rõ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép.

Đối với loại hình dịch vụ OTT TV, doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 mô hình: OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến, nội dung theo yêu cầu (VOD) và OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD). Đối với dịch vụ OTT TV VOD, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ TT&TT, thay vì phải lập đề án. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước có điều kiện về kỹ thuật tương đương doanh nghiệp nước ngoài được tham gia cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường cũng phải thực hiện thủ tục như doanh nghiệp trong nước.

Nghị định mới cũng quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD. Theo đó, nội dung VOD được phân thành 3 nhóm để thực hiện. Đối với các chương trình tin tức, thời sự; chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.

Đối với nhóm phim, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ VHTTDL quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị Bộ VHTTDL hoặc cơ quan được Bộ VHTTDL ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.

Đối với chương trình thể thao, giải trí, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ TT&T và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP cũng chỉ rõ không bắt buộc biên dịch các phim, chương trình nước ngoài. Trong trường hợp thực hiện biên dịch, phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam…

Có thể nói, sự ra đời của Nghị định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý, bảo đảm sự công bằng, đồng thời không bổ sung thêm thủ tục hành chính. Nghị định số 71/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023, được cho là một bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để đưa hoạt động của các dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet xuyên biên giới vào khuôn khổ; không có chỗ cho những sản phẩm xuyên tạc, sai lệch lịch sử xuất hiện như vừa qua. 

PHƯƠNG ANH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top