Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phim nhà nước đặt hàng: Đề tài đã “sung” hơn

Thứ Sáu 24/03/2023 | 11:12 GMT+7

VHO- Thời gian qua, những bộ phim về đề tài chống tham nhũng, phòng chống tội phạm hình sự gây được hiệu ứng tích cực khi không còn khô cứng, giáo điều mà đầy ắp chất liệu đời sống, đáp ứng được sự mong đợi của công chúng.

 Cục trưởng Vi Kiến Thành tại buổi gặp gỡ với ê kíp đoàn phim “Phơi sáng”

Cũng từ đó, bộ phim Phơi sáng về đề tài chống tham nhũng đã được Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đặt hàng Hãng phim Giải phóng sản xuất.

Ngày càng cởi mở

Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ khi cơ chế, chính sách dành cho điện ảnh cũng dần hoàn thiện. Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua vào năm 2022 chính là hành lang pháp lý quan trọng để điện ảnh Việt Nam có cơ hội phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian qua, phim Nhà nước đặt hàng được giới chuyên môn đánh giá là đang gặp khó trong việc tìm kịch bản hay, nội dung phim không được rộng mở dẫn đến khó tiếp cận người xem. Việc dung hòa giữa nhiệm vụ chính trị, xã hội của điện ảnh đồng thời đảm bảo về doanh thu là rất khó khăn, vì thế “buộc cổ” phim đặt hàng phải có doanh thu lớn như phim thương mại là bài toán nan giải.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định: Phim phục vụ chính trị khó làm cũng như khó thu hút được người xem, nhưng Cục vẫn đặt hàng vì nếu “không làm thì ai sẽ làm?”. Chính vì thế, mặc dù kinh phí eo hẹp, nhưng Nhà nước vẫn đảm bảo đầu tư 2-3 phim/năm và những phim này đều phải đảm bảo đề tài phục vụ chính trị. Cụ thể, trong năm nay sẽ có 3 phim được đầu tư là: Đào, phở và piano - bộ phim nói về cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946-1947 tại Hà Nội; Hồng Hà nữ sĩ nói về lịch sử danh nhân văn hóa Đoàn Thị Điểm; Phơi sáng của Hãng phim Giải phóng nói về đề tài phòng chống tham nhũng, một vấn đề rất “nóng” và được quan tâm nhất hiện nay.

“Chúng ta phải nhìn nhận khách quan, đừng đặt nặng yếu tố kinh doanh với những phim làm về đề tài lịch sử, chiến tranh, chính trị. Nhiều năm qua, mọi người cứ đặt vấn đề phim Nhà nước đặt hàng doanh thu thấp, thế nhưng đây là thể loại có tiêu chí chọn lựa riêng, phục vụ cho nhiều mục đích. Chính vì thế, việc ưu tiên cho các bộ phim về đề tài chính trị, lịch sử, chiến tranh là hiển nhiên. Không thể lấy tiêu chí của phim Nhà nước áp đặt lên phim tư nhân và ngược lại. Còn với phim giải trí thì Nhà nước sẽ đưa ra cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhà sản xuất tư nhân làm nhiệm vụ này”, ông Vi Kiến Thành nói.

Việc đầu tư vào bộ phim Phơi sáng sẽ là một “bước đệm” mạnh mẽ cho phim Nhà nước đặt hàng. Bởi lẽ, bộ phim chọn mảng đề tài tham nhũng, một vấn đề đang rất thời sự, có nhiều khía cạnh khai thác, đặc biệt là dễ tiếp cận khán giả nhưng vẫn đảm bảo với nhiệm vụ được đề ra. Hãng phim Giải phóng là nơi tạo nên nhiều bộ phim mang dấu ấn đậm nét của điện ảnh Việt Nam và in đậm trong tâm trí của khán giả trong nước và quốc tế như: Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến); Ván bài lật ngửa, Vĩnh biệt mùa hè (đạo diễn Lê Hoàng Hoa)… Hãng luôn hoàn thành trách nhiệm của một đơn vị điện ảnh của Bộ VHTTDL ở phía Nam, cũng đã vượt qua nhiều khó khăn để làm tốt nhiệm vụ chính trị, thì bộ phim Phơi sáng càng có thêm nhiều hy vọng hơn.

 Một cảnh truy bắt tội phạm trong phim

Lấy lại niềm tin của khán giả

Phơi sáng kể về hành trình đấu tranh của người trẻ với thế lực “ngầm” đã được bộ máy cầm quyền “chống lưng” với những chiêu trò, thủ đoạn đầy mưu mô và vô cùng tàn ác. Bên cạnh việc dành thời gian để nghiên cứu, thay đổi kịch bản sao cho thời sự, “đời” và chạm đến thị hiếu của đông đảo công chúng thì với Phơi sáng, đạo diễn Xuân Cường cũng đã quyết định “chọn mặt gửi vàng” vào dàn diễn viên gạo cội như: Đức Sơn, Công Ninh, Ngân Quỳnh, Trịnh Kim Chi…, cùng với đó là những gương mặt trẻ tài năng như Minh Luân, Tăng Huỳnh Như...

Dẫu biết rằng, làm phim về những đề tài khó nhằn như tham nhũng là khá tốn kém, đầu tư của Nhà nước lại có hạn, nhưng đạo diễn Xuân Cường và ê kíp sáng tạo vẫn luôn làm việc hết mình để Phơi sáng đi đúng tiến độ. “Khi được giao thực hiện dự án này, không chỉ cá nhân tôi mà cả đoàn phim đều cảm thấy vinh dự và nỗ lực hết mình để mang đến cho khán giả một bộ phim chất lượng nhất có thể. Bên cạnh đó, ê kíp cũng đặt hết tâm huyết để bộ phim có thể phản ánh chân thật nhất những vấn đề đang nhức nhối trong xã hội hiện nay, đạo diễn Xuân Cường chia sẻ.

Tại buổi gặp gỡ với ê kíp đoàn phim Phơi sáng, Cục trưởng Vi Kiến Thành bày tỏ: “Cục Điện ảnh hy vọng Hãng phim Giải phóng sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu thế hiện nay để có thêm nhiều tác phẩm điện ảnh hấp dẫn. Mong rằng đoàn phim sẽ nỗ lực hơn nữa và làm đúng tiến độ để Phơi sáng hoàn thành trước tháng 10 và tham dự LHP Việt Nam lần thứ 23”.

Đạo diễn Xuân Cường cho biết thêm: “Với tính chất của dòng phim chính luận, phim sẽ có những cảnh rượt đuổi tội phạm trên sông nước, những địa điểm quay khá đặc thù... thì mới phác họa được rõ nhất sự manh động của tội phạm. Nhưng thật vui khi những tháng ghi hình qua, đoàn phim đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các đơn vị và nhân dân tại địa phương, nếu không có sự hỗ trợ đó, thì thật sự là phim khó tái hiện được những cảnh quay đắt giá”.

Thị trường điện ảnh trong nước luôn cần sự song hành của cả phim Nhà nước và tư nhân, bởi dù ở hình thức nào thì đó cũng đều là phim do Việt Nam sản xuất. Còn phim có thuyết phục hay không, có tỏa sáng hay không… thì cần phải được đặt đúng chỗ và đúng mục đích. 

 HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top