Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Xây dựng khu du lịch hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2025

Thứ Bảy 04/06/2022 | 15:57 GMT+7

VHO- Trong khuôn khổ Tuần Du lịch- di sản văn hóa Ba Bể năm 2022, ngày 4.6, UBND huyện Ba Bể đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch Ba Bể năm 2022.

Ba Bể cần tìm ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật nhất và tập trung quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng, lãnh đạo các Sở VHTTDL, các sở ngành liên quan; các địa phương tỉnh Bắc Kạn, Bí thư huyện ủy Ba Bể Nguyễn Ngọc Sơn; đại diện các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch Bắc Kạn và một số địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch... đã tham dự Hội nghị.

Mở rộng cửa mời gọi các nhà đầu tư du lịch

Với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch cả về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển du lịch là một trong 2 nhiệm vụ trọng tâm, then chốt cho cả nhiệm kỳ. Tại Kỳ họp thứ năm, HĐND huyện Ba Bể khóa XX đã quyết nghị thông qua Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả nội dung của Đề án. Qua đó, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết: “Ba Bể phấn đấu đến năm 2025, xây dựng khu du lịch hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chủ tịch huyện Lưu Quốc Trung cho biết, huyện Ba Bể đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm khai thác và phát huy tài nguyên du lịch bao gồm: Hoàn thiện quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt- danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; quy hoạch các khu, điểm du lịch, tập trung nguồn lực từ đầu nhiệm kỳ. Cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch như: lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh du lịch hồ Ba Bể, khôi phục những ngành, nghề truyền thống, xây dựng sản phẩm văn hóa bản địa, làng du lịch cộng đồng...”.

Khách du lịch tham quan trên hồ Ba Bể

Mặc dù Ba Bể đang hết sức cố gắng để đẩy mạnh phát triển du lịch nhưng so với các địa phương khác trong khu vực nhưng Ba Bể vẫn còn đang gặp nhiều  khó khăn về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực... “Chúng tôi chủ trương tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, cùng lãnh đạo tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh trong nước cùng đến với Ba Bể nghiên cứu, đầu tư, khai thác phát huy các tiềm năng du lịch”, ông Lưu Quốc Trung nói.

Hiện tại, trên địa bàn huyện, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chấp thuận cho một số nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát đầu tư các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có chất lượng cao trên địa bàn như: Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Group, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji.... Mỗi nhà đầu tư đều có định hướng phát triển riêng phù hợp với quy hoạch tỉnh, huyện. Các đề xuất đầu tư hiện nay đã và đang góp phần hình thành một hệ sinh thái kết nối chặt chẽ với các huyện, tỉnh trong khu vực. Lãnh đạo huyện này cho biết rất mong có thêm nhiều doanh nghiệp, công ty lữ hành đầu tư xây dựng mô hình du lịch hoàn chỉnh tại một số khu, điểm trên địa bàn huyện, đồng thời có nhiều nhà đầu tư hơn nữa để cùng đưa du lịch Ba Bể phát triển bền vững và hoàn hiện hệ sinh thái trong tương lai không xa.

Huyện Ba Bể cũng cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, tham mưu xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đồng thời cam kết đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển liên kết vùng, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. 

Cần tìm ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật nhất của Ba Bể

Khẳng định Ba Bể có nguồn tài nguyên để phát triển du lịch, Phó tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị Ba Bể nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung cần nghiên cứu, triển khai các chương trình, kế hoạch để biến tài nguyên thiên nhiên, văn hóa thành sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, ông Thủy đề nghị ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn, các địa phương đi sâu nghiên cứu nhu cầu của khách, phân tích thị trường, khách cần gì phải đáp ứng cái đó. Đặc biệt chú ý đến những thế mạnh của địa phương và xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi của khách du lịch. Chú ý quy hoạch, thực hiện quy hoạch để không phá vỡ không gian du lịch.

Khách du lịch check in tại hồ Ba Bể cùng người dân địa phương

Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, mang tính vùng miền, địa phương, chứa đựng những giá trị nổi bật của hồ Ba Bể; căn cứ vào thị hiếu, nhu cầu của khách để xây dựng sản phẩm đó. Du lịch Bắc Kạn không chỉ có hồ Ba Bể mà cần kết nối với các địa phương khác như các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc...

Việc phát triển du lịch nhìn chung rất khó khăn để phát triển du lịch. Tạo ra điểm nhấn, sản phẩm du lịch độc đáo nhất hồ Ba Bể, tạo ra tính lan tỏa để phát triển du lịch. Cũng có thể tạo ra sản phẩm du lịch tâm linh, để mỗi năm lên hồ Ba Bể 1-2 lần gì đó. Phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp... Đảm bảo việc chia sẻ lợi ích cộng đồng, cạnh tranh lành mạnh, gìn giữ môi trường. Muốn thế, phải tăng cường quảng bá, xúc tiến, đưa sản phẩm du lịch của huyện tới đông đảo du khách trong và ngoài nước. Làm tốt hơn nội dung chuyển đổi số trong du lịch, quảng bá trên các nền tảng truyền thông đa phương tiện; số hóa tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, điểm đến, cơ sở dịch vụ....

Hiện nay, sau 2 năm đại dịch, hơn 80% nhân lực du lịch ngành Du lịch Việt Nam đã chuyển nghề nên thiếu nguồn nhân lực du lịch là tình trạng chung của ngành và việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cần được chuẩn bị kỹ. Du lịch Ba Bể, Bắc Kạn cũng cần tính đến việc này ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo...

Đặc biệt, ông Phạm Văn Thủy cho rằng, tỉnh Bắc Kạn cần chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cấp hệ thống giao thông.... Tổ chức các đoàn khảo sát cho các doanh nghiệp du lịch, báo chí tới tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, xúc tiến điểm đến. Phó tổng cục trưởng cho biết: Tổng cục Du lịch luôn đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ địa phương trong các hoạt động nhằm phục hồi và phát triển giai đoạn tới.

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành, du lịch khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch tại Ba Bể

“Bắc Kạn có suối đãi vàng, có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”. Với lịch sử phát triển địa chất lâu dài có những nét đặc sắc về địa chất - địa mạo cũng như cảnh quan, Vườn quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể mênh mông thực sự là một kỳ quan, xứng đáng là di sản quý báu, cần lưu giữ và phát huy giá trị, Hồ Ba Bể theo tiếng địa phương là "Slam Pé" (nghĩa là ba hồ) gồm Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Từ núi cao nhìn xuống, hồ Ba Bể lọt thỏm giữa dãy núi đá vôi. Hồ co lại và bị kẹp giữa các vách đá dựng đứng. Mặt hồ trải dài 8 km, rộng từ 200 mét đến 1 km, độ sâu trung bình 17 - 23 mét, nơi sâu nhất là 29 mét. Ba Bể càng đẹp hơn bởi tài nguyên rừng phong phú, đa dạng. Xung quanh khu vực hồ Ba Bể, các bản nhà sàn chênh vênh bên sườn núi của người dân tộc Tày, những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn; các lễ hội truyền thống như hội Lồng tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ... đã tạo sự hấp dẫn với du khách.

Khách đến Ba Bể bị chìm đắm trong vẻ đẹp thiên nhiên trong lành, hoang dã, không kém phần hùng vĩ của di sản này. Giống như những vần thơ trữ tình mà nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết về hồ Ba Bể: Thuyền ta vòng mãi trên Ba Bể/ Cây chạy theo thuyền, thuyền vẫy đi/ Phải ta vượt khỏi nơi trần thế/ Tới giữa mông lung, giữa diệu kỳ.... Thuyền ơi chầm chậm chờ ta nhé/ Chim hót trên đầu ta lắng nghe/ Một lần đã tới, ôi Ba Bể/ Muốn ở đây thôi chẳng muốn về.

THÚY HÀ, ảnh HOA MAI

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top