Viếp tiếp bài Phú Yên: Đất ở đã 50 năm bị biến thành đất lấn chiếm: Nhiều “uẩn khúc” chưa được Tòa làm rõ?

VH- Ngày 30.5 vừa qua, HĐXX Tòa Phúc thẩm TAND tỉnh Phú Yên đã mở lại phiên tòa hành chính về việc yêu cầu hủy bỏ Quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nguyên đơn là bà Trịnh Thị Tâm, bị đơn là Chủ tịch UBND phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, người đại diện uỷ quyền là ông Huỳnh Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đông. Theo đó, HĐXX đã bác toàn bộ yêu cầu của bà Trịnh Thị Tâm.

Viếp tiếp bài Phú Yên: Đất ở đã 50 năm bị biến thành đất lấn chiếm: Nhiều “uẩn khúc” chưa được Tòa làm rõ? - Anh 1

 Ngôi nhà bà Tâm (bên trái) trên thửa đất của cha mẹ, cạnh nhà của chị Võ Thị Bích Hà xây dựng trước năm 2004

Hai thửa đất khác biệt sao lại chồng lên nhau?

Theo hồ sơ vụ việc, thửa đất này do ông Võ Văn Kềnh, bà Nguyễn Thị Trình tạo dựng, khai hoang từ năm 1968 tại phường Phú Đông, huyện Tuy Hòa (nay là khu phố 4, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa). Năm 1992, ông Kềnh và bà Trình chia đất cho 7 người con, trong đó, vợ chồng bà Tâm và ông Vũ được chia 600m2. Các anh chị em của ông bà đều xây dựng nhà, sinh sống ổn định trên phần đã được chia. Theo đó, trên thửa đất ông Kềnh khai hoang đã có 4 ngôi nhà gồm: Võ Thị Trang, Võ Văn Lực, Võ Văn Lượng, Võ Thị Bích Hà. Năm 2015, bà Tâm, ông Vũ đã tiến hành xây dựng một ngôi nhà cấp 4 trên phần 600m2 do cha mẹ cho trước đó.

Năm 1995, ông Nguyễn Thanh Sơn được huyện Tuy Hòa (TP Tuy Hòa) giao quản lý 5.000m2 đất rừng phòng hộ (fam), đến năm 2008 để thực hiện dự án khu tái định cư phía Nam TP Tuy Hòa, UBND TP Tuy Hòa đã tiến hành thu hồi thửa đất của ông Sơn. Tại thời điểm thu hồi năm 2008 trên thửa đất của ông Sơn không có nhà, chỉ có cây cối, hoa màu. Hiện trạng lô đất được ông Nguyễn Thanh Sơn trình bày trước HĐXX “đất của ông Sơn kế tiếp là đất của bà Đinh Thị Minh Thư rồi kế tiếp là con đường đất trong làng, rồi mới đến đất ông Võ Văn Kềnh (bà Trịnh Thị Tâm hiện nay).

Tại phiên tòa phúc thẩm vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phía nguyên đơn đặt nhiều câu hỏi đến ông Huỳnh Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đông, đại diện ủy quyền phía bị đơn.

Vị luật sư hỏi, đất của bà Tâm được thể hiện trên bản đồ địa chính phường thửa đất số bao nhiêu? Ông Toàn trả lời ấp úng lúc thì thửa 306, lúc thì thửa 307. Trong khi đó thửa đất của ông Nguyễn Thanh Sơn thể hiện trên bản đồ địa chính lại là thửa 457. Vị luật sư tiếp tục hỏi ông Toàn, hiện nay đất ông Sơn đã thu hồi hết hay chưa? Năm 2008 khi thu hồi, trên đất ông Sơn có nhà, hay công trình xây dựng nào không? Ông Toàn trả lời khi thu hồi trên đất ông Sơn chỉ có cây, không có công trình nhà ở, ông Toàn cũng không xác định được đất ông Sơn đã bị thu hồi hết hay chưa? Vị luật sư hỏi tiếp ông Toàn, ông có chỉ được trên bản đồ đất bà Tâm ở vị trí nào hay không, và có xác định được tứ cận đất của bà Tâm? Ông Toàn trả lời không xác định được.

Trong khi đó, trên khu đất của bà Tâm đang sinh sống có 4 ngôi nhà và một móng nhà đều xây dựng từ trước năm 2004. Nếu UBND phường Phú Đông cho rằng đất bà Tâm chồng lên đất ông Sơn thì 4 ngôi nhà còn lại “mọc cánh” bay đi đâu? Trong khi thu hồi đất ông Sơn UBND phường không tìm thấy bất cứ căn nhà ở nào?

Không biết một vị lãnh đạo phường như ông Toàn có trách nhiệm với công việc đến đâu? Nhưng khi thực hiện một quyết định cưỡng chế nhà dân, nhưng lại không xác định được rõ ràng nhà của người dân nằm ở vị trí nào cụ thể, như vậy việc xác định sai phạm của bà Tâm liệu có vấn đề hay không?

Từ những phân tích trên có thể dễ dàng nhận thấy, việc bà Tâm làm nhà trên đất bố mẹ cho là có cơ sở.

Bản án có thuyết phục?

Trong lúc phiên tòa xét xử công khai đang làm sáng tỏ nhiều chứng cứ từ nhân chứng đến thực trạng hai lô đất thì bất ngờ HĐXX công bố văn bản số 1491/STNMT-ĐĐBĐVT, ngày 25.5.2018 về việc phúc đáp Công văn số 107/2018/TB-THC ngày 22.5.2018 của TAND tỉnh Phú Yên. Tại mục 3 của văn bản trên nêu rõ: “Trên cơ sở vị trí thửa đất của bà Trịnh Thị Tâm và ông Nguyễn Thanh Sơn do TAND tỉnh Phú Yên cung cấp. Sau khi chuyển tọa độ hai thửa đất này (ông Sơn và bà Tâm) lên file bản đồ địa chính phường Phú Đông đo vẽ năm 1997 thì xác định vị trí thửa đất bà Trịnh Thị Tâm nằm chồng lên vị trí thửa đất ông Nguyễn Thanh Sơn đã bị Nhà nước thu hồi”.

Trên cơ sở đó, HĐXX đã bác đơn kháng cáo của bà Trịnh Thị Tâm.

Trao đổi về vấn đề này Luật sư Trần Thị Như Thủy - thuộc Văn phòng Luật sư Dân Phúc, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên cho biết: “Văn bản số 1491/STNMT-ĐĐBĐVT, ngày 25.5.2018 về việc phúc đáp Công văn số 107/2018/TB-THC ngày 22.5.2018 của TAND tỉnh Phú Yên và các phụ lục không thể hiện tọa độ X-Y rõ ràng. Cần phải xác định xem các thông số trên văn bản và thực tế cũng như trên bản đồ có khớp hay không. Xác định điều này cần có cơ quan trắc địa độc lập mới xác định chính xác được. HĐXX phải dừng phiên tòa để tiếp tục làm rõ, không nên tuyên án vội vàng như vậy”.

Chỉ dựa vào văn bản của Sở TNMT mà HĐXX không xét tới các chứng cứ liên quan khác, quyết định bác đơn của bà Tâm. Dư luận đặt câu hỏi liệu bản án đã thực sự công tâm và thuyết phục? Không chấp nhận bản án này, bà Trịnh Thị Tâm đã có đơn khiếu nại đến Hội đồng Giám đốc thẩm, Tòa án Nhân dân tối cao. 

 XUÂN HƯỚNG

 

Ý kiến bạn đọc