Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Chuyên gia cảnh báo về làn sóng lây nhiễm nguy hiểm ở Châu Âu

Thứ Hai 25/10/2021 | 18:57 GMT+7

VHO- Mặc dù dự báo mùa đông năm nay, các nước châu Âu sẽ có nhiều vắc xin hơn nhưng hiện khu vực này vẫn là nơi duy nhất trên thế giới báo cáo sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đây đã là tuần thứ 3 liên tiếp Châu Âu ghi nhân xu hướng gia tăng các ca mắc.

Người dân biểu tình phản đối các hạn chế của Covid-19 ở Bulgaria (Ảnh: CNN)

“Mùa đông thảm khốc”

Nỗi đau mất người thân đang bao phủ khắp Đông Âu và Nga khi số ca tử vong ngày càng tăng. Hầu hết, các ca bệnh tử vong là do sự chần chừ trong việc tiêm vắc xin.

Thứ 5 tuần trước, Latvia đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh Châu Âu bị áp đặt lệnh cấm vận khi quốc gia này phải vật lộn với tình trạng các ca nhiễm tăng, nhưng tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo số liệu thống kê, chỉ 56% tổng số người trưởng thành ở đây được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình của EU lên tới 74,6%.

Phía Tây Âu hiện cũng đang ghi nhận số ca mắc mới tăng dù mức độ bao phủ vắc xin cao. Theo đó kể từ tháng 5, tỷ lệ mắc Covid-19 của Đức lần đầu tiên tăng lên 100 ca nhiễm mới trên 100.000 dân vào thứ 7. Bỉ và Ireland cũng đang chứng kiến đà lây lan khi tỷ lệ mắc bệnh lần lượt là 325,76 và 432,84 trên 100.000 người.

Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbrouck đã trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng, hơn 85% dân số nước này đã được chủng ngừa đầy đủ. Các ca bệnh nặng phải nhập viện hầu hết đều rơi vào những người chưa tiêm phòng.

Chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Anh) nói với CNN rằng: “Việc các ca bệnh tăng là do nới lỏng các hạn chế khi mở cửa nền kinh tế. Thời tiết lạnh dần và biến thể siêu lây nhiễm Delta cũng đang làm tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

Tỷ lệ tiêm chủng của Đông và Tây Châu Âu đang theo 2 hướng riêng biệt. Nhờ có vắc xin, tỷ lệ tử vong của các quốc gia Tây Âu phần lớn không tăng so với các nước Đông Âu.

Từ thứ 2, Romania đã áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm và bắt buộc phải vượt qua kiểm tra sức khỏe ở hầy hết các địa điểm. Yêu cầu được đưa ra khi Romania ghi nhận 19,25 ca tử vong trên 1 triệu dân. Tỷ lê này được cho là cao nhất thế giới.

Tình trạng khẩn cấp của Romania không đến từ tình trạng thiếu vắc xin. Các nước thuộc EU đều có quyền tiếp cận với các loại vắc xin đã được phê duyệt. Thế nhưng không giống như nhiều quốc gia khác, việc triển khai vắc xin của Romania đã bị cản trở bởi tâm lý chần chừ tiêm. Tính đến nay, chỉ có 35,6% dân số tại đây được tiêm đủ 2 liều.

Nước láng giềng Ukraine cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi vào thứ 5 tuần qua, đất nước ghi nhận kỷ lục 22.415 ca nhiễm. Các trường học ở nhiều điểm nóng về Covid-19 của Ukraine đã phải đóng cửa.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã phải kêu gọi người dân đi tiêm và khẳng định, chỉ có vắc xin mới khiến tình trạng tốt hơn: “Chúng ta chỉ có 2 lựa chọn. Tiêm chủng hoặc đóng cửa đất nước. Mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với thách thức vì số ca mắc mới tăng nhanh. Tôi hoàn toàn phản đối việc phải đóng cửa”.

Hay với Nga, giới chức thừa nhận người dân của họ đang phải trải qua mùa đông “thảm khốc”. Số trường hợp tử vong cao nhất trong 1 ngày đã từng đạt tới con số 1.028. Người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, Dmitry Peskov nói với các nhà báo: “Công dân của chúng ta cần có trách nhiệm hơn và đi tiêm phòng ngay lập tức”.

 Tiêm vắc xin thôi là không đủ. Các chuyên gia y tế đang thúc giục Chính phủ Anh áp đặt thêm các lệnh hạn chế như đeo khẩu trang (Ảnh: CNN)

Một giải pháp không thể làm nên tất cả

Sự xuất hiện của vắc xin đã thay đổi tình hình ở nhiều quốc gia và khiến nhiều người lạc quan hơn. Dù rằng giữ vai trò tiên quyết trong phòng ngừa dịch bệnh nhưng vắc xin vẫn cần đi kèm với nhiều biện pháp bảo vệ bản thân khác.

Vương Quốc Anh hiện đang ghi nhận nhiều ca bệnh hằng ngày nhất ở Tây Âu sau khi loại bỏ gần như tất cả các hạn chế về giãn cách xã hội. Nhiều chuyên gia y tế và công đoàn y tế của Anh đã phải cầu xin Chính phủ áp đặt lại các biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang hoặc tiêm vắc xin.

Bất chấp những lời kêu gọi, Chính phủ Anh vẫn bác bỏ các động thái ngay cả khi số người nhập viện và tử vong gia tăng. Katherine Henderson, Chủ tịch Trường Cao đẳng Chăm sóc Khẩn cấp Hoàng gia Anh chia sẻ với Sky News: “Dịch vụ y tế của Anh đang rơi vào tình trạng quá tải do Covid-19. Các khoa cấp cứu trên toàn quốc đang phải gồng mình để xử lý “hàng dài” xe cứu thương xếp bên ngoài.

Thay vào đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ kêu gọi những người trên 50 tuổi có nguy cơ cao mắc Covid-19 tiêm mũi bổ sung nhằm khắc phục sự bảo vệ suy yếu từ vắc xin sau 6 tháng.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, điều này là không đủ khi SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể sinh ra những biến thể mới khó lường hơn. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh mới đây đã phải “lưu ý” đến biến thể AY.4.2, biến thể có thể là “hậu duệ” của Delta.

Chuyên gia y tế Drobac cho biết: “Nếu chỉ để vắc xin làm hết tất cả mọi việc sẽ là không đủ. Vắc xin quan trong số 1 nhưng sẽ ra sao đối với những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện về độ tuổi để tiêm vắc xin? “.

Mike Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình khẩn cấp Y tế của WHO nhấn mạnh: “Châu Âu cần thận trọng hơn trong các quyết định phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta không biết 2, 3 tháng nữa tình hình sẽ ra sao. Song song với việc tiêm vắc xin, các biện pháp như đeo khẩu trang cần được tiến hành nghiêm ngặt”.

ĐÌNH TOÁN (Theo CNN)

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top