Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải mã hiện tượng âm nhạc và điện ảnh Hàn Quốc

Thứ Tư 25/12/2019 | 11:29 GMT+7

VHO- Vượt qua biên giới, nhóm nhạc Hàn Quốc BTS đã chinh phục khán giả khắp toàn cầu, trong khi bộ phim Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon-ho giành giải thưởng Cành cọ vàng danh giá tại Liên hoan phim Cannes 2019.

Vượt qua biên giới quốc gia, nhóm nhạc BTS đã chinh phục khán giả khắp toàn cầu

Giải mã hai hiện tượng này để biết vì sao K-pop và điện ảnh Hàn Quốc lại thu hút khán giả Việt Nam đến thế.

Phong cách rất Hàn Quốc

Thực tế cho thấy trong những năm qua, văn hóa Hàn Quốc đã du nhập vào Việt Nam một cách mạnh mẽ, trong đó âm nhạc và phim ảnh được hầu hết giới trẻ Việt Nam quan tâm. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn quan niệm về sự thể hiện “đẳng cấp” bằng cách sử dụng, bắt chước, hưởng thụ mọi thứ liên quan đến văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là K-pop. Với K-pop, chúng ta có thể thấy những khuôn mặt đẹp trai, “dễ thương” và những gương mặt “công chúa” trong những bộ trang phục, cách giao tiếp, sử dụng mỹ phẩm, ẩm thực... Từ gu thẩm mỹ, trang phục, trang điểm, các “ngôi sao” của K-pop đều mang phong cách rất Hàn!

Nhắc đến K-pop, bây giờ gần như ai cũng biết đến BTS với 7 chàng trai và những bản hit được nghe mọi lúc, mọi nơi. Phong cách trình diễn của BTS và nhiều nhóm nhạc K-pop ngày càng trở thành những làn sóng ngầm, ảnh hưởng lớn tới thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc của nhiều bạn trẻ và đang trở thành tâm điểm của dư luận xã hội. K-pop trở thành loại nhạc được yêu thích ở nhiều nước. Thị trường âm nhạc Hàn Quốc nhờ đó cũng liên tục ghi dấu ấn, Hàn Quốc nằm trong 10 thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới năm 2017. Đây là điều không tưởng vào 10 - 20 năm trước đó, khi K-pop mới xuất hiện, phỏng theo nhiều hình thức của Nhật Bản, Mỹ... Thành công của nhóm nhạc BTS hiện nay là một minh chứng mới nhất cho sự phát triển đó.

Tương tự, trong lĩnh vực điện ảnh Hàn Quốc cũng không ngừng gặt hái thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Hàn Quốc, một bộ phim điện ảnh đoạt giải Cành cọ Vàng danh giá tại Liên hoan phim Cannes 2019, không những vậy mà còn đạt kỷ lục phát hành ở 192 quốc gia, chính thức lập kỷ lục là phim Hàn Quốc được xuất khẩu sang nhiều quốc gia nhất. Vẫn mang phong cách của xứ sở Kim chi, nhưng Ký sinh trùng tạo được dấu ấn riêng biệt khi phá vỡ mọi quy chuẩn xếp loại thông thường, vừa hài hước châm biếm, vừa rùng rợn và đẫm màu sắc kinh dị. Ngoài ra, mạch phim hoàn toàn bất ngờ và không thể đoán trước. Đó là điển hình cho những thành công vài năm trở lại đây của điện ảnh Hàn Quốc.

Chìa khóa thành công

Tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề “BTS và Ký sinh trùng”. Tại hội thảo này, các chuyên gia nghiên cứu về công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã giải mã về sự thành công của K-pop cũng như điện ảnh. Từ kinh nghiệm nghiên cứu 4 năm qua, Patrick Messerlin - giáo sư môn kinh tế học tại Trường Sciences Po Paris, Chủ tịch Ban lãnh đạo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính trị quốc tế của châu Âu (ECIPE) cho biết, thành công của điện ảnh Hàn Quốc là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Những năm gần đây, Hàn Quốc đứng cao hơn so với các nước ở hầu hết chỉ số đánh giá, xếp hạng phim. Số lượng người Hàn Quốc đến rạp trung bình 217 triệu lượt/năm. Số lần một người Hàn Quốc đi xem phim thậm chí đứng trên Mỹ - xứ sở của kinh đô điện ảnh Hollywood.

Ông Patrick Messerlin cho rằng những bài học trong việc hỗ trợ điện ảnh tại Hàn Quốc là rất đáng học hỏi, ngay cả với một nền điện ảnh đã phát triển lâu đời như Pháp. Từ năm 1966  Hàn Quốc  đã áp dụng hạn ngạch nhập khẩu phim. Năm 1986, Hàn Quốc mở cửa thị trường nhập khẩu nhưng vẫn duy trì hệ thống hạn ngạch ngày chiếu phim nước ngoài. Mặc dù vậy, để  phim nội đứng vững ngoài rạp, các nhà làm phim trong nước chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh. Họ xác định chất lượng là yếu tố đảm bảo bằng vàng để kéo khán giả đến rạp. Với sự nhập cuộc tích cực của các nhà làm phim nội, khán giả dần thấy rằng không phải phim Mỹ, phim Nhật lúc nào cũng là nhất. Doanh thu trung bình phim Mỹ bị sụt giảm nhiều, trong khi phim Hàn Quốc tăng dần.

Cùng lúc đó, thay vì tài trợ để hiện đại hóa hệ thống rạp chiếu tương tự cách làm của Pháp, Anh... Chính phủ Hàn Quốc tập trung đầu tư vào các studio, phim trường... cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ khác, trong đó khuyến khích các nhà làm phim Hàn Quốc đến học tập tại chính kinh đô Hollywood. Ngành công nghiệp điện ảnh được cơ cấu lại, nhiều công ty điện ảnh ra đời, tạo ra các cộng đồng nhà làm phim trẻ, đầu tư làm phim chất lượng... Thông thường, mỗi quốc gia có thế mạnh hay được đánh giá cao về phim truyền hình, phim điện ảnh dòng giải trí, dòng phim nghệ thuật, riêng Hàn Quốc phát triển cả ba.

Không chỉ nhân sự ở nhiều công ty điện ảnh Hàn Quốc được đào tạo tại Hollywood, những công ty âm nhạc K-pop cũng học hỏi từ Mỹ và Nhật Bản. Ông Jimmyn Parc, nhà nghiên cứu tại Trường Sciences Po Paris và Viện Nghiên cứu truyền thông thuộc Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc) đánh giá BTS trở thành một hiện tượng của âm nhạc Hàn Quốc khi được yêu thích cuồng nhiệt khắp thế giới cũng nhờ sự dọn đường trước đó của nhiều nhóm nhạc K-pop. Có thể thấy, bước chuyển mình của K-pop cũng xuất phát từ sự nhạy bén với thời cuộc, khi Hàn Quốc nhận ra âm nhạc là một phần của nền kinh tế.

Nhà nghiên cứu Jimmyn Parc chỉ ra, trước đây, K-pop gần như sao chép âm nhạc của Mỹ, Nhật Bản, nhưng sau đấy tìm cách thích ứng nhanh với các phương thức phổ biến âm nhạc đương đại. Trong thời đại tiến bộ chóng mặt về công nghệ, các nhà sản xuất âm nhạc đã tiếp thu và ứng dụng nó từ analog đến kỹ thuật số, từ đài phát thanh đến album nhạc, từ sở hữu đến truy cập, từ âm thanh đến hình ảnh, từ sản phẩm hoàn thiện đến sản phẩm quảng bá. Họ tận dụng xu thế bằng cách đầu tư bài bản về lời, âm điệu và trang phục, theo đó ca sĩ đồng thời là vũ công, ăn mặc ưa nhìn, trang điểm bắt mắt... Sự chuyển đổi, thích nghi này đã làm gia tăng sức sống của K-pop trên thị trường âm nhạc thế giới. Ông Jimmyn Parc nói: “Thành công của âm nhạc đại chúng Hàn Quốc đi từ sự nghiên cứu, quan sát và thích ứng nhanh với xu thế để tạo ra sự khác biệt. Những khác biệt ấy chính là giá trị gia tăng của văn hóa, sáng tạo”. 

NGỌC HÀ

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top