Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thể thao

28 Tháng Ba 2024

Stress do học trực tuyến: Cảnh báo khủng hoảng tâm lý học đường

Thứ Tư 05/01/2022 | 10:56 GMT+7

VHO- Học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã phải học trực tuyến trọn vẹn suốt một học kỳ và vẫn đang tiếp tục do dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Đằng sau nỗi lo chất lượng giáo dục sụt giảm, có một bất ổn lớn hơn chưa được quan tâm đúng mức, đó là học trực tuyến kéo dài đã khiến các vấn đề tâm lý của học sinh bộc lộ thành nhiều biểu hiện rõ rệt, có dấu hiệu bệnh lý, nhất là với lứa tuổi teen.

 Học trực tuyến kéo dài khiến nhiều em thay đổi cả về thói quen, thể chất và tinh thần, không muốn giao tiếp cả với người thân trong gia đình Ảnh minh họa

 Nhiều bất ổn tâm lý

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (HN) bày tỏ lo ngại: Khi mới học trực tuyến một vài tuần đầu, các con đều có nhu cầu được trở lại trường. Nhưng tới nay sau 4-5 tháng, nhiều học sinh không muốn đến trường, không thấy bức thiết phải gặp bạn bè, thầy cô nữa. Một số phụ huynh cho biết, ngoài giờ học, con luôn đóng cửa “làm bạn với máy tính”, không vận động, không giao tiếp… “Tôi thấy đó là điều rất đáng lo ngại. Vì có những vấn đề tâm lý ngấm ngầm tiến triển mà người lớn không biết. Với tình huống hiện nay, nhà trường cũng đã cố gắng có các hình thức tương tác, hoạt động có thể triển khai trên mạng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Không gì thay thế được hoạt động trực tiếp tại trường”, cô Nhiếp chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hằng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Olympia (HN) cho biết: “Có hành vi đối phó, né tránh học tập hoặc phổ biến hơn là tình trạng bị phân tán, không tập trung, rồi những biểu hiện lo lắng, căng thẳng khi trẻ cảm thấy mình tụt hậu, không hiểu bài. Có em nảy sinh biểu hiện chống đối”.

Theo thăm dò từ phụ huynh của một số trường cũng cho thấy, nhiều em đã thay đổi cả về thói quen, thể chất và tinh thần. Cụ thể như ăn ít đi, hay mệt mỏi, buồn ngủ trong giờ học. Hễ hết giờ học là lăn ra ngủ mê mệt. Có em sụt cân nhưng nhiều em tăng cân không kiểm soát do hạn chế vận động và rơi vào trạng thái stress ở các mức độ khác nhau.

Cô Nguyễn Minh Hằng, chuyên viên tâm lý Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ, nhà trường có cung cấp cho phụ huynh và học sinh số điện thoại tư vấn tâm lý online do Phòng tư vấn tâm lý học đường của trường đảm nhiệm. Thực tế cho thấy, số lượng “ca” tư vấn không giảm so với khi học sinh học trực tiếp, có thời điểm còn tăng hơn. Ngoài các vấn đề căng thẳng, lo âu do khó khăn khi học trực tuyến, nhiều học sinh có những va chạm, bất ổn với cha mẹ khi học ở nhà trong sự giám sát, theo dõi của phụ huynh. Cũng có những trường hợp học sinh buồn chán kiểu “không hiểu vì sao mà buồn” và trở nên uể oải, ngủ vùi, không muốn giao tiếp ngay cả với người thân.

Trong đánh giá học sinh của trường THPT Đinh Tiên Hoàng (HN) về các biểu hiện bất ổn tâm lý, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục nhà trường cho biết, học sinh bị áp lực, căng thẳng từ vấn đề học tập chiếm đa số (65,8 - 82,8%); tiếp đến là lý do từ khó khăn của hoàn cảnh gia đình (1,4 - 37,5% tuỳ thời điểm). Việc có biện pháp hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong tình huống hiện tại cần sự nỗ lực từ cả nhà trường và phụ huynh. Theo thầy Tùng Lâm, nếu có thể được thì cần tư vấn hỗ trợ tâm lý cho cả phụ huynh. Nhiều vụ “dạy con học trực tuyến” dẫn tới cáu giận, đánh con gây thương vong là những câu chuyện “vượt ngưỡng”. Bên cạnh việc xem xét ở góc độ đạo đức, việc vi phạm pháp luật cũng cần xem xét ở khía cạnh bất ổn tâm lý khi Covid-19 tác động mạnh tới tất cả mọi người. Trẻ em là đối tượng yếu thế, sẽ dễ bị tổn thương hơn.

Tìm mọi cách để đồng hành

Cô Nguyễn Thị Tâm Huyền, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Olympia (HN) cho biết, đã phải điều chỉnh khung thời gian biểu hợp lý để tăng thời gian nghỉ trưa cho học sinh, tăng các khoảng nghỉ ngắn giữa thời gian tập trung học. Ngoài ra, trường khai thác các phần mềm học trực tuyến tăng tính tương tác nhiều hơn giữa học sinh - giáo viên - gia đình để tạo hứng thú cho các em, đồng thời cũng dễ kiểm soát khi trẻ có vấn đề bất ổn trong học tập.

Với các trường công lập thì khó khăn hơn, cô Nhiếp cho biết: “Thời gian eo hẹp nhưng trường cũng điều chỉnh kế hoạch để tận dụng khoảng rảnh rỗi có thể cho học sinh thư giãn, thay đổi trạng thái”. Thầy Nguyễn Tùng Lâm thì cho biết, đã phải chuyển thời gian tư vấn cho học sinh sang trực tuyến. Riêng khó khăn trong học tập, dựa trên nguyện vọng cần hỗ trợ của các em, Ban tư vấn tâm lý sẽ làm việc với giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn để thảo luận và tìm hướng giải quyết. Đổi mới phương pháp, điều chỉnh thời gian học tập… cũng là những áp dụng xuất phát từ chính bất cập thực tế qua những ca tư vấn cho các trường hợp học sinh khác nhau.

Theo cô Nguyễn Thị Hằng thì trong thời gian học sinh học trực tuyến kéo dài, môi trường giao tiếp trực tiếp của các em chỉ có gia đình, vì thế, duy trì bầu không khí tích cực trong gia đình cũng là yếu tố mà nhà trường muốn phụ huynh đồng hành. “Trường đã cung cấp cho phụ huynh bộ tài liệu, cẩm nang hướng dẫn để gợi ý việc cha mẹ trò chuyện cùng con, chơi cùng con, hỗ trợ con học tập. Chúng tôi rất cần sự chung tay của cha mẹ trong thời gian này”, cô Hằng chia sẻ.

Tuy nhiên, việc tìm giải pháp giảm stress, đồng hành với học sinh vẫn là câu chuyện chưa được nhiều trường, nhiều phụ huynh quan tâm đúng mức. Việc lo “chuyển trạng thái” để chạy đủ chương trình, rồi làm sao để học sinh cuối cấp ôn tập cho tốt để chuẩn bị bước vào kỳ thi là những mục tiêu chiếm hết thời gian, sức lực của đội ngũ quản lý, giáo viên nhiều trường. Bên cạnh đó là sự coi nhẹ việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh khiến việc này chưa thực sự được quan tâm cả trong tình huống bình thường và tình huống có dịch Covid-19. 

 TRIỆU ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.v

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top