Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thể thao

29 Tháng Ba 2024

Suy nghĩ và tâm trạng của một người Việt đang sống ở Ukraina

Thứ Sáu 25/02/2022 | 19:11 GMT+7

VHO- Tôi là một người Việt Nam 55 tuổi, nam giới, đang sinh sống tại Kharkiv, miền đông Ukraina.Tôi đã sống ở đây được 22 năm. Tôi chọn đất nước này vì thiên nhiên rất tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, người Ukraina hiền lành, hòa thuận. Tôi yêu Ukraina và coi đây là quê hương thứ hai của mình.

 Một người mẹ Ukraina bế con trong xe buýt rời Kiyv

Mặc dù Ukraina và Nga xảy ra tình trạng chiến tranh đã 8 năm, nhưng tôi không ghét nước Nga và không hề có ác cảm với dân tộc Nga. Tôi kính trọng các bà mẹ Nga đôn hậu.

Cũng như đa số người Việt thế hệ tôi, tôi yêu văn học Nga. Tôi đọc hầu hết các tác phẩm kinh điển của Nga. Tôi yêu thơ Puskin. Tôi thích các tác phẩm của Dostoyevsky và Gogol. Tôi say mê “Sông Đông êm đềm” của Sholokhov.

Tôi yêu thích và đọc nhiều về khoa học vũ trụ. Theo toán xác suất thì trong hàng tỷ tỷ thiên hà phải có vô số nền văn minh. Nhưng cho đến giờ, con người chưa phát hiện ra bất kỳ sự sống nào ở nơi khác. Vì vậy tôi càng quý trọng trái đất này, tôi yêu cuộc sống.

Tôi cũng như tất cả người Việt ở đây chỉ muốn sống trong hòa bình, tự do. Cố gắng lao động, học tập, chú trọng đến sức khỏe, chăm sóc gia đình, quan hệ tốt với mọi người để hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp.

Quang cảnh đổ nát sau cuộc tấn công

Người dân Ukraina bàng hoàng khi nhìn những cột khói bốc lên

Dòng xe di tản khiến đường phố bị tắc nghẽn

Cho đến đêm khua ngày 23 tháng 2, sau khi đọc vài trang sách trước khi đi ngủ tôi vẫn tin rằng sẽ không có chiến tranh toàn diện giữa Nga và Ukraina.

Mặc dù có bất ổn từ lâu giữa hai nước. Nhưng chiến sự rất hạn chế, chỉ trong một khu vực hẹp và thiệt hại rất ít về nhân sự.

Tôi tin rằng, sang thế kỷ 21 đã lâu, nhờ các tổ chức quốc tế và sự đoàn kết giữa các quốc gia, các hiểm họa lớn nhất của loài người trước kia là nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh đã được kiểm soát và đẩy lùi. Có chăng thì nhỏ và hạn chế.

Sớm ngày 24 tháng hai, vừa chợp mắt tôi choàng tỉnh dậy vì có nhiều tiếng nổ. Lúc đó khoảng hơn 5h sáng. Tôi trèo lên nóc chung cư 4 tầng nơi tôi ở, nhìn quanh thì thấy hướng tây bắc, cách nơi tôi đứng khoảng hơn chục km có nhiều vầng sáng chói rồi các cột khói bốc lên, tiếp theo là các tiếng nổ ùng oàng. Một chiếc máy bay quân sự vút ngang trên đầu với tiếng rú xé tai.

Điện thoại của tôi reo vang. Thì ra của anh bạn đi làm ca ba về. Anh ấy thông báo là Nga đã tấn công rồi. Ngược đường với anh ấy là dòng xe chạy về hướng tây. Anh bạn kêu tôi gọi gia đình và bạn bè cùng sống trong tòa nhà xuống ngay tầng một để hạn chế rủi ro. Tôi trở xuống căn hộ và mở mạng xã hội thì thấy tràn ngập tin nóng. Đồng loạt các vị trí quân sự của Ukraina sâu trong nội địa bị tấn công bằng tên lửa. Nơi gần biên giới thì bị cả pháo kích. Nhiều gia đình sống gần các nơi bị tấn công thì rung chuyển cả nhà, có cảm giác kính cửa sổ sắp vỡ. Tôi mở thêm trang mạng của Ukraina là RBC và CNN để nắm rõ thêm tình hình. Nga đã thực sự tấn công toàn diện Ukraina. Ban đầu là tên lửa, pháo và rocket. Sau là xe tăng, thiết giáp, trực thăng và bộ binh. Một số máy bay cũng tham gia chiến dịch...

Thật là sững sờ. Điều tôi không thể tin đã xảy ra. Đã cả tháng căng thẳng, tôi theo dõi tình hình các bên, tuyên bố và đòi hỏi của các nguyên thủ. Tôi không tin Nga sẽ tấn công Ukraina. Kể cả sau khi Nga chính thức đưa quân vào vùng ly khai Donbas thì tôi nghĩ Nga có đánh thì chỉ đánh mở rộng đến hết khu vực hành chính trước kia của hai tỉnh vùng này mà thôi. Trước đó hầu như các nước lớn đều tuyên bố chống chiến tranh và đe dọa các biện pháp trừng phạt Nga nếu như Nga tấn công. Quân đội Ukraina cũng mạnh hơn trước. Thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 rồi. Ukraina lại nằm giữa châu Âu văn minh… Giờ tôi mới thực sự hiểu rằng: Muốn đất nước có hòa bình thì quân đội phải mạnh và có quan hệ hữu hảo với các nước tiến bộ.

Tôi bàn với vợ xem có nên đi di tản không. Nhưng quyết định ở lại. Không phận đã đóng. Thành phố Kharkiv nằm sát biên giới phía đông, đi quá xa. Đường về phía tây tắc nghẽn. Xếp hàng mua xăng tại thành phố lúc này cũng đã mất khoảng tiếng rưỡi. Thôi thì ở lại.

Bạn bè, gia đình và người thân từ Việt Nam và các nước khác đồng loạt nhắn tin và gọi điện hỏi thăm, động viên trong khi tiếng nổ vẫn rền qua cửa sổ. Dĩ nhiên đối với tất cả mọi người thì chiến tranh là điều kinh khủng nhất trong tất cả các điều tệ hại, khi mà cái quý giá nhất của sự sống là tính mạng con người chỉ ngang bằng với động tác của một ngón tay.

Khoảng trưa, tôi ra đường mua gas và xăng. Tầm này người mua nhiên liệu vãn rồi. Mất chừng 40 phút thôi. Vào siêu thị thì những thứ thiết yếu như giấy vệ sinh, muối, đường, bột mỳ, mỳ ăn liền đã hết hoặc còn ít. Tôi đi mấy nơi đều vậy. Cửa hàng chưa kịp bổ xung. Tuy nhiên không hề có cảnh chen lấn hay tranh cướp nào, giá cả vẫn như hôm trước. Mọi người đều trật tự, không hề hoảng loạn tuy ai cũng lo âu. Không lo sao được khi mỗi chốc lại nghe tiếng nổ ùng oàng.

Chợ Barbasova là chợ lớn nhất ở đây, nơi chủ yếu bà con ta buôn bán, vẫn làm việc. Nhưng bà con ta đều ở nhà theo lời kêu gọi của chính phủ. Một số bạn bè tôi làm việc tại công ty đều không đến văn phòng, nhà máy.

Cô gái bị kẹt ở sân bay do không phận bị cấm

Người dân Ukraina di tản lánh nạn

Có tin Ba Lan mở cửa biên giới đón người tỵ nạn. Một anh bạn rủ nhà tôi cùng đi. Nhưng tôi từ chối.

Chiều, gia đình tôi và hai gia đình bạn bè khác sống cùng chung cư sang nhà riêng của một người bạn. Nhà này 1 tầng và có hầm ngầm có thể tránh bom. Chung cư tôi ở cũng có tầng ngầm, nhưng người đông. Trong 4 gia đình thì có 2 ông chồng đang ở thành phố khác. Một ở Kiyv, một ở Odesa. Điều mong muốn nhất của hai bà vợ này là lúc khó khăn thì vợ chồng, con cái bên nhau.

Gia đình tôi không định ngủ lại nhà bạn nên về sớm. Đã có lệnh giới nghiêm, nên chấp hành.

Liên tiếp các tin và tuyên bố của các nguyên thủ. Lệnh tổng động viên đã ban ra. Đàn ông từ 18-60 tuổi không được ra khỏi biên giới trừ trường hợp đi cùng trẻ em hay không đủ sức khỏe. Rumany mở cửa biên giới cho người tỵ nạn, sau đó là Hungary. Một số nước lớn không có biên giới chung với Ukraina cũng tuyên bố chương trình tiếp nhận. Tại nhiều thành phố của Nga, nhân dân xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh. Chính quyền bắt giam hơn ngàn người. Còn ở các nước văn minh khác thì phản đối hiển nhiên là nhiều rồi.

Các thông tin về tổng kết chiến sự do các bên đưa có khác nhau. Nhưng nói chung thì thiệt hại về người không quá nhiều. Quan trọng nhất là thủ đô Kiyv vẫn an toàn.

Tôi cũng như người Việt ở đây không lo lắng lắm về việc chiến tranh có thể gây thiệt hại tính mạng của bản thân và gia đình. Sẽ không có chuyện ném bom và pháo kích hủy diệt thành phố, nhất là Kharkiv không phải thủ đô, tuy rằng ngay lúc này vừa có tiếng bom nổ một loạt rung chuyển cả nhà. Cập nhật thì địa điểm bị ném bom cách nhà chừng 3 km. Điều chúng tôi sợ nhất là hậu quả của chiến tranh sẽ làm ăn khó khăn và một số thành phần tranh thủ cướp bóc. Người Việt đã trải qua hàng ngàn năm liên tục bị xâm lược, hay có vô vàn đợt đói kém, nhưng dù thế nào chăng nữa cũng không sợ hãi mà vẫn sống và yêu đời.

Gia đình ông Đỗ Công Tiến chọn ở lại Kharkiv thay vì di tản như nhiều gia đình bạn bè

Điều tôi buồn nhất là qua mạng xã hội tôi thấy rất nhiều người Việt Nam ở quê nhà không biết gì về Ukraina. Dĩ nhiên càng không biết danh nhân văn hóa yêu nước Taras Shevchenko. Họ nghĩ chống phát xít Đức hồi chiến tranh thế giới thứ hai là Nga. Cũng là Nga giúp Việt Nam thống nhất đất nước, giúp xây dựng quốc gia cũng như giúp đào tạo và giáo dục. Còn Ukraina là một quốc gia yếu ớt, nghèo đói lại không biết điều. Họ đâu biết, chống phát xít cũng như giúp Việt Nam là Liên Xô, trong đó Ukraina góp một phần lớn. Còn hiện nay Ukraina là một nước độc lập có chủ quyền, không hề gây sự với nước nào. Người dân được tự do chọn tổng thống và hướng đến mục tiêu hòa bình, phát triển và hạnh phúc.

Chúng tôi, những người Việt Nam đang sinh sống tại Ukraina, cũng như nhân dân nước sở tại, chỉ mong muốn có hòa bình, dân chủ và tự do. Chúng tôi xác định rằng: dù sống ở đâu, theo bất cứ tôn giáo nào thì cũng phải cố gắng làm việc, chăm chỉ học tập, giữ gìn sức khỏe, trung thực và thương yêu nhân loại thì mới có hạnh phúc.

 

Tác giả phiên âm tên địa danh theo quy ước quốc tế hiện nay, là phiên âm sát nhất theo phát âm của người sở tại. Cụ thể Kharkiv và Kiyv chứ không phải Kharkov và Kiev.

ĐỖ CÔNG TIẾN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.v

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top