Bóng đá Việt Nam và chuyện "xây nhà từ móng"(Bài 2):  “Gồng mình” vì tình yêu bóng đá

VH- Trong số các địa phương, Nghệ An và Nam Định là những nơi giàu truyền thống về bóng đá và có lò đào tạo trẻ tốt. Nhưng rồi cùng với sự thăng trầm của V.League, bóng đá nơi đây đã có nhiều thời điểm lao đao, phải bằng tình yêu và bầu nhiệt huyết, mới có thể giúp họ vượt khó và duy trì tình yêu bóng đá.

Bóng đá Việt Nam và chuyện

 Người Nghệ An đang đứng trước nỗi lo khi lò đào tạo trẻ đang dần mất vị thế Ảnh: PHẠM NGÂN

Nỗi đau của Bóng đá thành Nam

Nếu nói về tình yêu với trái bóng, người Nam Định có thể tự hào rằng họ không thua kém bất cứ địa phương nào trên cả nước. Từ thời còn sân Chùa Cuối, mặt sân như mặt ruộng cho tới thời sân Thiên Trường, đẹp lung linh, cỏ xanh mướt, lúc nào cũng đông khán giả cùng tiếng trống thúc giục của cổ động viên già Nguyễn Văn Thuyết. Thế nhưng đội bóng này đã từng phải trải qua giai đoạn sóng gió và nếu không có lò đào tạo trẻ tốt cùng tình yêu với bóng đá và nghị lực vượt khó, họ khó có thể quay trở lại V.League sau 7 năm.

Năm 2010, sau khi nhà tài trợ Megastar “đem con, bỏ chợ”, rút lui giữa chừng, những người làm bóng đá Nam Định khóc dở, mếu dở. Theo kế hoạch ban đầu, đội bóng sẽ có 20 tỉ từ nhà tài trợ và 10 tỉ từ tỉnh. Khoản kinh phí 30 tỉ cũng đủ để nuôi đội 1 cùng đội U19, U21 qua mùa. Nhưng rốt cuộc, nhà tài trợ chỉ chuyển một phần tiền rồi “chạy” mất khiến đội bóng rơi vào chuỗi ngày đen tối, không có tiền trả lương, thưởng, đã thế kinh phí duy trì ăn, ở, di chuyển khi đi thi đấu, vẫn phải chi trả. Giật gấu vá vai, chạy vạy khắp nơi, Nam Định vẫn không xoay xở kịp và xuống hạng là kịch bản đã nhìn thấy từ trước.

Đội lớn xuống hạng, kinh phí không có, Nam Định mùa sau cũng không thể tổ chức tuyển quân cho lò đào tạo trẻ. Bóng đá trẻ bị lỡ một nhịp và khoảng lặng đó đã phần nào ảnh hưởng đến công tác đào tạo trẻ của một địa phương vốn giàu truyền thống. Dù sau đó lò Nam Định vẫn cố gắng duy trì và tuyển sinh, nhưng các tài năng cũng không còn mấy mặn mà với một đội bóng luôn trong cảnh “vá trước, đụp sau”, đã thế lại không có suất chơi ở V.League. Có những thời điểm, để duy trì được chế độ ăn 40.000- 50.000 đồng/người/ngày cho các cầu thủ trẻ, những người làm bóng đá Nam Định cũng phải tất tả ngược xuôi.

Khoảng lặng về công tác đào tạo trẻ, đó là lý do để các cầu thủ xuất thân từ lò Nam Định ngày càng vắng bóng trên các đội tuyển quốc gia và những người làm bóng đá Nam Định cũng đau lắm nhưng đành phải chịu vì lực bất tòng tâm. Tuy không có nhiều cầu thủ xuất sắc cho các đội tuyển nhưng vì các tuyến trẻ luôn được duy trì nên Nam Định vẫn đủ quân số cung cấp cho đội lớn thi đấu ở các giải hạng Nhì, hạng Nhất. Khó khăn về kinh phí khiến cho bóng đá trẻ Nam Định không thể thu hút được các cầu thủ giỏi trong khi nhiều tài năng cũng bỏ quê nhà mà đi. Nhưng bằng quyết tâm và lứa trẻ trưởng thành trong gian khó nên cuối cùng những nỗ lực của bóng đá Nam Định đã được đền đáp bằng suất trở lại V.League 2018. Và giờ, sẽ tiếp tục là những nỗ lực vượt khó để Nam Định có thể lọt tốp những đội ổn định của V.League.

Và nỗi lo của Bóng đá xứ Nghệ

Trước đây, lò đào tạo bóng đá SLNA là nơi đào tạo nguồn cầu thủ chất lượng, dồi dào, thường xuyên giới thiệu những cầu cầu thủ giỏi cho các CLB cũng như các đội tuyển quốc gia. Từ những năm đầu thập niên 1990 với lứa cầu thủ Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Quang Hải. Sau đó là lứa Ngô Quang Trường, Võ Văn Hạnh, Lê Văn Lưu, Nguyễn Phi Hùng và nhất là ba anh em Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn rồi tiếp theo là những Quốc Vượng, Văn Quyến, Huy Hoàng, Công Vinh, Như Thuật, Minh Đức, Lâm Tấn, Đức Anh và gần đây là những Quế Ngọc Hải, Phạm Mạnh Hùng, Hồ Tuấn Tài, Hồ Phúc Tịnh…

Đầu những năm 2000, khi bóng đá Việt Nam chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, SLNA được xem là điểm đến của các CLB để học hỏi cách làm bóng đá và đàm phán mua những cầu thủ do CLB đào tạo ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lò đào tạo bóng đá SLNA không còn áp đảo trong danh sách các đội tuyển quốc gia như trước.

Ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành CLB SLNA cho biết: “Hiện tại, lò đào tạo SLNA gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Có lứa cầu thủ nổi bật nhưng SLNA lại luôn tất bật với bài toán chạy kinh phí. Lò đào tạo xứ Nghệ vẫn đang hoạt động theo mô hình bao cấp từ nguồn ngân sách, điều này lạc hậu so với những trung tâm đào tạo trẻ khác và lý giải vì sao thành tích của các đội trẻ SLNA giảm sút dần trong những năm gần đây”.

Lò đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An tuyển đầu vào qua ba con đường là: Tuyển chọn thông qua Trung tâm bóng đá của tỉnh và hệ thống đào tạo nghiệp dư của câu lạc bộ; Tuyển chọn thông qua giải bóng đá thiếu niên nhi đồng hằng năm của tỉnh Nghệ An (U11); Hệ thống thi tuyển của câu lạc bộ; trong đó, giải thiếu niên nhi đồng do CLB Sông Lam Nghệ An, Báo Nghệ An và Sở VHTTDL tổ chức là con đường tuyển chọn quan trọng nhất.

Mỗi khóa, Nghệ An lấy 40 học viên trước khi lọc dần xuống còn 20 - 22 người. Hai năm, lò đào tạo trẻ Nghệ An tuyển một khóa học viên mới và chỉ tuyển người Nghệ An. Hiện nay, lò đạo tào SLNA có khoảng gần 200 học viên và 30 HLV được trải đều từ các lứa U11, U13, U15, U17, U19, U21. Dù hạn hẹp về kinh phí nhưng SLNA vẫn dành khoản tiền lớn vào việc chăm lo bữa ăn hằng ngày cho các cầu thủ với chế độ ăn từ 90.000-120.000 đồng/người/ngày, tùy vào lứa cầu thủ U11 hay U21. Ngoài ra, mỗi tháng các học viên nơi đây được nhận mức phụ cấp 800.000 - 1.000.000 đồng/người. So với mức ăn và điều kiện sinh hoạt, SLNA đang thấp hơn nhiều so với các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khác. Sân tập luyện cũng còn thiếu và chưa đảm bảo chất lượng. Hiện tại đội bóng đang có kế hoạch xin thêm 1-2 sân cỏ tự nhiên, trên khuôn viên đất của CLB để phục vụ công tác đào tạo.

Do khó khăn về kinh phí nên SLNA đang mất dần vị thế của mình trong công tác đào tạo trẻ. Ngay cả việc tuyển chọn học viên, SLNA cũng đang thua ngay “trên sân nhà” khi các “lò” đào tạo trẻ khác, với điều kiện tốt hơn đã “hút” được nhiều tài năng của bóng đá xứ Nghệ. Hạn chế về tiền bạc, giảm sút về chất lượng, “lò” đào tạo trẻ của SLNA đã không còn giữ vị trí độc tôn trên bản đồ đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Vì thế nếu không thay đổi cơ chế và mô hình hoạt động thì sẽ rất khó để “lò” đào tạo trẻ của SLNA có thể tồn tại và phát triển trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay.

 THU SÂM - PHẠM NGÂN

 

 

Ý kiến bạn đọc