Chuyện người cắm cờ trên đất Thường Châu

VH- Giữa mảnh đất Thường Châu đầy bão tuyết, trong khoảnh khắc chiến bại mà vẫn kiêu hùng bậc nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam, một lá cờ đỏ bất chợt được cắm lên.

Chuyện người cắm cờ trên đất Thường Châu - Anh 1

Một trong những hình ảnh khó quên của Bóng đá VN

Lá cờ ấy tung bay, lá cờ ấy rạng rỡ, lá cờ ấy hiên ngang, như lời nhắc nhở rằng, U23 Việt Nam đã chiến đấu, chiến thắng và chiến bại theo cách tự hào nhất. Người cắm lá cờ ấy là chàng thư sinh da trắng như trứng gà bóc, là chàng trung vệ có vẻ ngoài của một diễn viên điện ảnh. Chàng trai ấy là Đỗ Duy Mạnh.

Đông Anh, Hà Nội không phải một mảnh đất nổi tiếng về bóng đá. Với rất nhiều người Hà Nội, mảnh đất bên kia sông chỉ đơn giản là một địa chỉ cần đi qua trên con đường hướng về sân bay Nội Bài. Đông Anh chỉ thực sự được người hâm mộ bóng đá biết đến nhờ 2 cái tên. Người thứ nhất là Quang Hải, người thứ hai là Duy Mạnh.

Thật trùng hợp, cả 2 người đều trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của bóng đá Hà Nội. Họ đều gia nhập Hà Nội T&T, đều nổi tiếng từ sớm. Một người là “Vua giải trẻ”, một người là thần đồng ở hàng thủ. Là linh hồn ở các đội bóng họ góp mặt. Chính họ đã đưa Đông Anh lên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Chàng trai Đỗ Duy mạnh sinh ngày 29.9.1996 tại Giao Tác, Thụy Lâm, Đông Anh. Như nhiều cầu thủ bóng đá khác, tuổi thơ của Duy Mạnh là những ngày tháng “ăn ngủ” với trái bóng. 10 tuổi, Mạnh gia nhập lớp Năng khiếu bóng đá Hà Nội, cùng khóa với Quang Hải. Bà Lê Thị Lan (mẹ Duy Mạnh) kể rằng, ngày Mạnh mới theo nghiệp cầu thủ, bà nhớ Mạnh tới phát khóc. Nhiều lần, bà chủ động lên trung tâm đón Mạnh trở về nhưng anh chàng nằng nặc từ chối.

Đam mê cháy bỏng ấy là động lực để Mạnh tiến bộ. Năm 2012, được gọi vào đội hình U16 Việt Nam. Đến năm 2013, chuyển về Trung tâm Đào tạo trẻ của Hà Nội T&T trước khi góp mặt trong đội hình U19 Việt Nam.

Đó cũng là lúc Mạnh được bóng đá Việt Nam biết tới. Cùng với lứa U19 nổi tiếng của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Mạnh thi đấu tại giải U19 Đông Nam Á, tham gia chuyến tập huấn châu Âu, được đối đầu với những địch thủ cả Á và Âu. Năm ấy, mới 17 tuổi - trẻ nhất đội hình U19 Việt Nam. Dấu ấn lớn nhất của Duy Mạnh với U19 Việt Nam là cú sút phạt tuyệt đẹp vào lưới U19 Wimbledon trong chuyến tập huấn châu Âu. Nhưng đó cũng là dấu ấn duy nhất. Bởi ở U19 Việt Nam lúc ấy, Tuấn Anh - Xuân Trường mới là hai lựa chọn hàng đầu. Trước thềm Giải U19 châu Á 2014, Mạnh bị loại khỏi đội hình. Đó là cú sốc đầu tiên trong sự nghiệp.

Mạnh trở lại đội trẻ Hà Nội T&T dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Đức Thắng. Từng lên U19 Việt Nam, Mạnh giờ trở lại với giải trẻ quốc gia. Nhưng có lẽ chính tại đây, Mạnh đã tìm được bước ngoặt của mình. Giải U19 quốc gia năm ấy, U19 Hà Nội T&T của HLV Đức Thắng giành chức vô địch. Giải đấu năm ấy cũng giúp HLV Phan Thanh Hùng tìm thấy ba “viên ngọc mới”. Đó là Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy. HLV Phan Thanh Hùng gọi 1 cầu thủ lên đội một. Ông không chọn Quang Hải, Đức Huy. Người có may mắn ấy là Duy Mạnh. Ở V.League 2015, sự ra đi bất ngờ của cựu tuyển thủ quốc gia Sỹ Cường, việc Văn Hiếu chuyển tới Than Quảng Ninh khiến tuyến giữa của đội Á quân V.League bất ngờ trở nên trống trải. Ông Phan Thanh Hùng phải mạnh dạn sử dụng cậu nhóc 19 tuổi Duy Mạnh. Thật bất ngờ, Mạnh đã tỏa sáng rực rỡ.

Chàng trai có khuôn mặt thư sinh chơi thông minh, đĩnh đạc và không kém phần mạnh mẽ. 19 tuổi, Duy Mạnh đá chính tới 17 trận trong đội hình Hà Nội T&T. Anh càng chơi càng hay, càng đá càng khiến người xem mê mẩn. Không chỉ chinh phục HLV Phan Thanh Hùng, anh còn khiến ông thầy khó tính Toshiya Miura bị thuyết phục.

Chiến lược gia người Nhật Bản gọi Mạnh lên đội U23, trao cho Mạnh suất đá chính ở tuyển quốc gia. Mạnh được ra sân trong trận hòa lịch sử của tuyển Việt Nam trước Iraq tại vòng loại World Cup. Anh đá chính khi tuyển Việt Nam tiếp Man City tại Mỹ Đình. Anh tiếp tục góp mặt trong đội hình U23 Việt Nam tại SEA Games 28. Chỉ trong vòng 1 năm, Mạnh làm trụ cột ở đội Á quân V.League, là tuyển thủ trẻ nhất tại cả U23 và tuyển quốc gia. V.League năm ấy, Mạnh đánh bại những Công Phượng, Tuấn Anh để trở thành cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải đấu.

Khi tương lai đang rộng mở, Mạnh bỗng dính chấn thương. Anh dành phần lớn mùa giải 2016 trên băng ghế dự bị. Mạnh cũng vắng mặt ở tuyển quốc gia dưới thời Nguyễn Hữu Thắng, không thể có kỳ AFF Cup đầu tiên tại Myanmar, Mạnh tiếp tục trải qua kỳ SEA Games thảm họa ở Malaysia, trầy trật lấy lại phong độ tại CLB.

HLV Chu Đình Nghiêm tiếp quản CLB Hà Nội sau thành công của người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng. Ông Nghiêm không phải 1 HLV danh tiếng. Nhưng ông dũng cảm, dám thử nghiệm và không ngại thay đổi. Một trong những thử nghiệm của ông chính là nền tảng cho cuộc “cách mạng” của HLV Park Hang Seo: đưa Duy Mạnh từ tuyến giữa về trung tâm hàng thủ. Thử nghiệm của ông Nghiêm được áp dụng triệt để tại U23 Việt Nam. Giải U23 châu Á, Duy Mạnh là trung vệ tốt nhất của đội bóng. Anh chơi tuyệt hay trong hàng thủ 3 người. Các thông số cắt bóng, cản phá, chuyền dài của Duy Mạnh đều vượt trội. Cùng với Đình Trọng và Tiến Dũng, họ trở thành nền tảng cho chiến công của U23 Việt Nam ở giải châu Á.

Lá cờ đỏ Thường Châu chỉ là đỉnh cao trong sự nghiệp của Mạnh. Và hãy tin rằng, đó chưa phải là khoảnh khắc rực sáng cuối cùng của chàng trai sinh năm 1996.

MINH CHIẾN

 

Ý kiến bạn đọc