Tình người trong cơn bạo bệnh

VHO- Không máu mủ, ruột thịt, không cùng quê quán, trước khi vào đây họ đều là người xa lạ… Nhưng trong cơn bạo bệnh, họ sẵn sàng giúp đỡ, động viên, san sẻ những buồn vui để cùng nhau vượt qua nỗi đau về thể xác khi bị bệnh tật “hành hạ”. Họ là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

Tình người trong cơn bạo bệnh - Anh 1

  Hai bệnh nhân khoa Nội 1 đang nhổ tóc bạc cho nhau trong khi chờ lấy kết quả xét nghiệm

Có mặt tại khoa Nội 1 vào một buổi trưa nắng gắt, không khí ngột ngạt, những gương mặt hốc hác vì phải xạ trị nhiều lần…, nhưng không phải vì thế mà những bệnh nhân ở đây cảm thấy bi lụy. Khác hẳn với những gì tôi nghĩ ban đầu, thay vào đó những bệnh nhân ở đây ăn ở sinh hoạt, đối đãi với nhau, mà nếu như ai không biết thì cứ nghĩ họ là người thân trong một gia đình chăm sóc lẫn nhau.

Chị Lê, 34 tuổi, quê Nghệ An, nhưng vào Bình Dương sống và làm việc đã gần 25 năm, hiện đang điều trị tại khoa Nội 1 cho biết, chị phát hiện ung thư gần 20 năm về trước, đã mổ, điều trị rất nhiều lần. Cứ 1, 2 năm lại vào viện nằm một lần. Do hoàn cảnh neo đơn, mỗi lần nằm viện để thực hiện phẫu thuật, ngoài sự chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng ra thì những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cùng phòng giúp đỡ rất nhiều. Nếu như không có họ thì một mình chị không biết xoay xở sao.

Nhớ lại lần mổ cột sống cách đây 3 năm, chị Lê cho biết, khi mổ cột sống xong bệnh nhân phải nằm cố định, mỗi lần xoay trở phải có người khác giúp. Trong khi đó chị chỉ có một thân một mình, nên từ vệ sinh, ăn uống đều phải nhờ những bệnh nhân khác hoặc người nhà bệnh nhân cùng phòng giúp đỡ.

Góp vui câu chuyện, cô Thanh, bệnh nhân khoa Ngoại 1 đến từ huyện Bến Cát, Bình Dương cho biết, cô không phải bệnh nhân ở khoa này nhưng đi xét nghiệm, đi khám nhiều lần thành ra quen nhau nên hay sang đây chơi. Do mới mắc bệnh nên sức khỏe còn tốt, khi người nhà bệnh nhân khác có việc phải ra ngoài, thì việc địu những người yếu hơn đi vệ sinh hoặc đi lấy nước, lúc mua giúp hộp cơm… là chuyện bình thường. Cô Thanh nói vui rằng, may là vào đây quen thêm nhiều bạn cùng hoàn cảnh nên động viên, san sẻ nhau cũng cảm thấy ấm lòng hơn.

Còn anh Khổng Tuấn ở Biên Hòa, Đồng Nai, đang chăm mẹ bệnh cho biết, mẹ anh bị phát hiện ung thư phổi và đã được phẫu thuật. Một mình anh vừa chăm mẹ, vừa phải làm việc nên ban ngày khi anh đi làm, tất cả việc ăn uống, đi lại của mẹ anh đều nhờ các cô chú, anh chị cùng phòng bệnh giúp. Anh Tuấn nghẹn ngào: “Nếu thực sự không có sự giúp đỡ của những người bệnh, người nhà bệnh nhân cùng phòng với mẹ thì một mình anh không thể xoay xở được”.

Đang trò chuyện thì cô Nguyễn Thị Tâm (Bình Thuận), bệnh nhân ung thư cổ tử cung tay cầm 5 hộp cháo mang vào cho mọi người. Cô nói xuống đường ăn cháo thấy ngon nên mua về cho mọi người ăn cùng. Hỏi ra mới biết cô Tâm là bệnh nhân thuộc dạng có thâm niên điều trị ở đây. Đồng thời cô Tâm báo cho những người bạn của mình biết, là ngày mai cô được các bác sĩ cho xuất viện về nhà, nên trước khi về cô tranh thủ ghé qua thăm, chào mọi người. Rồi cô không quên xin số điện thoại của những người bạn mới của mình và hẹn khi nào về nhà sức khỏe tốt, có điều kiện lại lên chơi ghé thăm mọi người.

Thực tế tình cảm của những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không chỉ gói gọn ở trong từng phòng bệnh. Mà ở đây do đều có hoàn cảnh tương tự nên mọi người xem nhau như ruột thịt, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với nhau những khó khăn, mà cuộc sống và bệnh tật mang lại cho họ. Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, cử chỉ của những con người bệnh tật chăm sóc nhau một cách ân cần, chu đáo dù rằng họ không phải là họ hàng thân thích hay bà con lối xóm mới thực sự cảm nhận được tình cảm con người với nhau vẫn còn hiện hữu rất nhiều trong cuộc sống đời thường.

NGUYỄN HIẾU

Ý kiến bạn đọc