Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Cần lắm tinh thần “Một người khó cả họ cùng lo”

Thứ Sáu 30/11/2018 | 09:54 GMT+7

VHO- Khi nền văn hoá mới chưa thật sự định hình thì nhiều giá trị của nền văn hoá cũ lại lặng lẽ ra đi. Sự tiếp biến văn hoá đang có nhiều biểu hiện lệch lạc, mai một dần giá trị truyền thống, đặc biệt đáng báo động trong nếp sống, tập tục của một số đồng bào dân tộc thiểu số...

 Toàn cảnh Hội thảo

Mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ và dần loại bỏ các hủ tục, nhưng chính các nhà quản lý tại một số địa phương cũng thừa nhận sự lúng túng, thiếu đường ray định hướng trong công tác này. Đây là một nội dung của hội thảo “Bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới” do Bộ VHTTDL phối hợp với Sở VHTTDL Vĩnh Phúc tổ chức ngày 28.11 tại thị trấn Tam Đảo.

Giàu lên nhưng lại nghèo đi

Khái niệm đối lập giàu - nghèo được đưa ra để khái quát một góc nhìn trong giữ gìn, phát huy các phong tục tập quán trong xây dựng nông thôn mới. “Đời sống vật chất được cải thiện nhưng đời sống văn hoá tinh thần của người nông dân có nơi lại nghèo đi. Tính cố kết cộng đồng thiếu bền chặt, nhiều giá trị đạo đức, lối sống, gia đình, dòng họ bộc lộ nhiều vấn đề bất cập...”, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhận định.

Bên cạnh đó, có biểu hiện không gian nông thôn truyền thống đang bị phá vỡ, mất đi tính đặc thù, văn hóa truyền thống bị mai một, chênh lệch về đời sống vật chất và tinh thần giữa nông thôn - thành thị ngày càng lớn. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là nghệ thuật dân gian truyền thống bị mai một, lãng quên bởi sự thiếu mặn mà của công chúng...

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, quy luật của văn hoá là di phong dịch tục chứ không thể cưỡng chế. Văn hoá có sức sống mãnh liệt và dai dẳng hơn cả luật pháp. Thể chế chính trị có thể thay đổi, nhưng văn hoá không nhất thiết phải cùng lúc thay đổi. Vì thế, theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, gạn đục khơi trong là yêu cầu sống còn trong bảo tồn các giá trị của văn hoá truyền thống trong thời đại ngày nay. “Không thể không xót xa khi xã hội tràn ngập các biểu hiện tiêu cực, xuống cấp các giá trị đạo đức. Pháp luật, y tế và giáo dục là ba ngành tiêu biểu nhất giữ cho xã hội thuần từ, thế nhưng người ta lại nhận thấy quá nhiều sự lệch lạc, không chuẩn mực. Tôn ti trật tự trong các gia đình, dòng họ cũng xuống cấp đến mức đau lòng...", nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận định.

Ông Hải cho rằng, để bảo tồn nét đẹp truyền thống, bài trừ hủ tục, các nhà quản lý cần bình tĩnh nhận diện xã hội, xem xét cơ sở nền tảng của những giá trị văn hoá thời đại ngày nay là gì. “Tất nhiên bảo tồn, gìn giữ thì cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Nhưng người làm văn hoá phải có cái nhìn chuẩn mực để định hướng sự phát triển. Nếu không sẽ hao tiền tốn của mà không đem lại những lợi ích như mong muốn...”, ông Hải nói.

 Triển lãm về các phong tục tập quán tốt đẹp được Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức bên lề hội thảo

Tổng kiểm kê để bảo tồn và phát huy

Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Tào Viết Hải cho biết, xây dựng tộc họ văn hóa là một mô hình hiệu quả, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh trên địa bàn. Kết quả khảo sát cuối năm 2018, toàn tỉnh có 2.928 lượt tộc họ đã xây dựng quy ước được chính quyền công nhận; có 2.057 lượt tộc họ đăng ký xây dựng Tộc văn hóa, trong đó có 1.230 lượt tộc họ được công nhận Tộc văn hóa, đạt 59,7%. Mô hình tổ chức, hoạt động của mỗi Tộc khác nhau nhưng tựu trung lại là tập hợp con cháu trong gia tộc để cùng nhau cam kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ gia phong, thuần phong mỹ tục…

Trên tinh thần “Một người khó cả họ cùng lo”, các thành viên trong gia tộc đã vận động con cháu giúp đỡ những gia đình trong tộc gặp khó khăn, như hỗ trợ học bổng cho con em nghèo; chia sẻ kinh nghiệm làm ăn; cho mượn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng nhà ở; hỗ trợ chữa bệnh hiểm nghèo… Nhiều tộc họ đã tích cực trong việc phối hợp cùng gia đình giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật; cảm hóa giáo dục người lầm lỗi; vận động con cháu hiến đất, di dời vật kiến trúc, đóng góp tiền của, công sức để làm đường giao thông nông thôn, thực hiện quy hoạch nông thôn mới... Nhiều tộc tích cực tham gia đóng góp “Quỹ vì người nghèo”, vận động con em xa quê tham gia ủng hộ bằng tiền mặt lên đến hàng tỷ đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao thôn...

TS. Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ quan điểm, nhận thức. “Đã đến lúc phải thay đổi quan điểm cho rằng văn hoá chỉ là đàn ca sáo nhị, là các Liên hoan phim, nghệ thuật biểu diễn... Văn hoá chính là yếu tố bao trùm lên tất cả. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bây giờ không phải dùng kinh tế để giải quyết các vấn đề văn hóa mà ngược lại, văn hoá chính là nền tảng cho các vấn đề dân sinh. Nhận thức này cũng chính là nền tảng cho công cuộc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá, phong tục tập quán tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới...”, ông nói.

TS. Bàn Tuấn Năng lưu ý, trong bảo tồn cần tránh quan điểm áp đặt. Văn hoá của tộc người này khác với tộc người khác, của cá thể này khác với cá thể khác. “Đây là vấn đề thường gặp nhiều vướng mắc ở cơ sở. Các nhà quản lý cần luôn xác định, hạt nhân của việc bảo tồn các giá trị di sản, truyền thống chính là tính xác thực...”.

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhấn mạnh: “Nghị quyết 33 hướng đến mục tiêu cuối cùng là yếu tố con người. Bảo tồn các giá trị tốt đẹp chốt lại cũng để phát triển văn hoá, xây dựng con người một cách bền vững. Đây chính là quan điểm xương sống trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, phong tục tập quán tốt đẹp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới...”.

Theo đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, cần có một cuộc tổng kiểm kê quy mô để nghiên cứu, xem xét giá trị, phong tục tập quán nào là tốt đẹp, cần được gìn giữ và yếu tố nào là lạc hậu, cần phải loại trừ. 

 NGÂN PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top