Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Tiếng cồng chiêng xua đuổi “cơn gió độc” cho làng

Thứ Hai 03/12/2018 | 10:50 GMT+7

VHO- Làng Kret Krot, xã Hà Ra (Mang Yang, Gia Lai) từ năm 2014 về trước là nơi bị “cơn gió độc” của cái gọi là “đạo Hà Mòn” hoành hành với những nội dung, luận điệu nhảm nhí, bịp bợm làm cho đời sống người dân nơi đây bị đảo lộn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị đã có nhiều biện pháp quyết liệt đấu tranh nhằm xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn”. Và việc phục dựng, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng bị lãng quên sau gần 20 năm tại đây đã góp phần xua đuổi thứ “tà ma” ấy.

 Đại tá Nguyễn Xuân Phi cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xã Hà Ra tuyên truyền vận động dân làng giữ gìn, bảo tồn, phát huy 
văn hóa cồng chiêng

“Bok Phi” về làng
Mới sáng sớm, dân làng Kret Krot đã tập trung đông đủ tại nhà Rông để đón “Bok Phi”, người thân của làng (“Bok” là từ dùng để gọi những người lớn tuổi, người có uy tín đối với dân làng và được dân làng kính trọng). “Bok Phi” được dân làng yêu quý gọi như vậy là bởi đại tá Nguyễn Xuân Phi lúc bấy giờ là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Mang Yang, người trực tiếp khởi xướng, đề xuất, tìm tòi, phục dựng văn hóa cồng chiêng bị lãng quên gần 20 năm trong thời gian ông được Thường vụ Huyện ủy phân công phụ trách các Đội công tác tuyên truyền xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn” tại đây.
Cùng với dân làng đón “Bok Phi” tại sân nhà Rông còn có ông Yung, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra, Bí thư Chi bộ làng Kret Krot. Tâm sự với chúng tôi, Yung cho biết: “Khi “tà đạo Hà Mòn” đến nó làm đảo lộn hết việc ăn ở sinh hoạt, con em học hành bỏ hết, dân thì không chịu đi làm nương rẫy; làng mất hết mọi truyền thống văn hóa trong đó có cồng chiêng... May mà đến nay đã giữ lại được, cái này là công của anh Phi”. Lý giải cho điều này, từ năm 2014 về trước tại làng Kret Krot bị “cơn gió độc” “tà đạo Hà Mòn” bao phủ làm cho người dân là người dân tộc thiểu số tại đây tin rằng: Tây Nguyên sắp được giải phóng, sẽ thành lập nhà nước riêng cho người dân tộc thiểu số, ai theo “đạo Hà Mòn” không làm gì cũng được hưởng sung sướng, giàu sang, có nhiều tài sản, đau ốm không cần đến bệnh viện mà cầu nguyện sẽ khỏi… rồi bà con tự tách biệt mình ra khỏi cộng đồng, bỏ bê nhà cửa, ruộng vườn, tụ tập cầu nguyện trái phép, có những biểu hiện lạ đời…
Không chịu khoanh tay nhìn bà con bị “tà đạo” “đầu độc”, phát huy tinh thần trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với nhân dân, lực lượng vũ trang đã vào cuộc. Thực hiện sự chỉ đạo của trên, đại tá Nguyễn Xuân Phi chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện đã hành quân xuống tận làng để làm công tác vận động quần chúng... Đại tá Phi kể lại: “Những ngày đầu xuống làng khó tiếp cận bà con lắm. Họ đóng cửa không cho gặp, không cho vào nhà đâu. Thế rồi, anh em cột võng ở ngoài vườn. Ban ngày theo bà con đi sinh hoạt, đi lên rẫy; tối đến thì đến từng nhà vận động nói chuyện với bà con... Thấy đây là cách vận động khó, tôi đã suy nghĩ, trăn trở làm sao phải triệu tập được thật đông bà con thì tuyên truyền mới hiệu quả”. Thế rồi “cái khó ló cái khôn”, qua tìm hiểu phong tục tập quán của người dân tộc Ba Nar, đại tá Phi biết được cồng chiêng là đại diện, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh của bà con. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng sẽ sống mãi cùng với đất trời và bà con... và chiếc chìa khóa đã được tìm thấy.

 Đại tá Nguyễn Xuân Phi trong giờ học đánh cồng, chiêng cùng dân làng

Khắp buôn làng vang tiếng cồng chiêng
Là Đội trưởng Đội công tác tuyên truyền xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn” tại chính làng Kret Krot và chính là người chứng kiến hành trình gian nan của “Bok Phi” mang cồng chiêng về cho làng, ông Đinh Chuyên (nay là chuyên viên Ban Dân vận Huyện ủy) cho biết: “Khi anh Phi mượn được bộ cồng chiêng của Phòng VHTT huyện về khoảng giữa năm 2014 thì hằng tối và ngày Chủ nhật, khi tiếng cồng chiêng vang lên, bà con từ nhỏ đến lớn, từ già đến trẻ, từ trai đến gái tự động kéo nhau về nhà Rông rất đông đủ”. Ông Chuyên cho biết thêm, vì văn hóa ở đây đã bị mai một gần 20 năm, nên những ngày đầu “có cồng chiêng nhưng không có người dạy, rồi anh Phi tự mình bỏ tiền lương gần 4 triệu đồng để thuê thầy về dạy bà con trong làng”. Và lớp học đánh cồng chiêng của dân làng được mở ra, mỗi buổi thu hút hàng trăm người trong làng theo học. “Tiếng lành đồn xa” có những buổi học còn thu hút được cả học viên là những thanh niên làng lân cận tham gia. Cùng với đó mỗi buổi học kết hợp tuyên truyền, vận động bà con bước đầu đã thu được kết quả khả quan. 
Sau gần bốn tháng ròng rã học tập, bà con trong làng đã biết cách đánh cồng chiêng. Chắp cánh cho hoạt động ý nghĩa này là vào năm 2015 làng được lãnh đạo tỉnh tặng thêm 2 bộ cồng chiêng. Ngay sau đó, đại tá Phi đề xuất với Thường vụ Huyện ủy tổ chức Hội thi Cồng chiêng trong toàn huyện ngay tại làng Kret Krot. Và niềm vui như được nhân lên gấp bội khi giải nhất đã thuộc về Đội cồng chiêng làng Kret Krot. Từ ấy, ngoài thời gian lao động ở nương rẫy, bà con dân làng lại say sưa bên nhịp điệu, âm vang của cái cồng, cái chiêng...
Đó cũng là lúc “cơn gió độc - tà đạo Hà Mòn” tan biến khỏi đất làng Kret Krot. Để văn hóa cồng chiêng luôn đồng hành với đời sống của dân làng, lực lượng vũ trang đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền về việc tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện. Đồng thời triển khai cho lực lượng dân quân nòng cốt học tập, tiếp thu rồi truyền đạt cách đánh cồng chiêng cho bà con và phục vụ các dịp lễ hội cho địa phương.
Đến nay, làng đã có hai đội cồng chiêng gần 100 người thường xuyên biểu diễn các dịp lễ, tết và đây cũng là những hạt nhân nòng cốt được UBND lựa chọn tham gia biểu diễn tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tổ chức tại thành phố Pleiku. Ngày này, đến với Kret Krot, tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang khắp buôn làng, bộ đội và bà con nhân dân ở đây vẫn nắm chặt tay nhau cùng múa điệu xoang đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

PHẠM HUY BẮC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top