Cảnh giác với chiêu trò giả mạo VTV

VHO - Liên tục những phóng sự, những trang page giả mạo VTV xuất hiện gần đây đã cảnh báo cho bạn đọc, công chúng những bài học về kiểm chứng thông tin

VTV vừa phát đi thông báo chỉ rõ là Phóng sự dài hơn 5 phút lan truyền trên mạng xã hội nói về một cơ sở đông y có bài thuốc chữa khỏi hoàn toàn các bệnh gút, xương khớp không phải do VTV thực hiện. Điều đáng nói, chỉ sau vài ngày đăng tải trên một trang Facebook, phóng sự được gắn mác VTV1 này đã nhận được hơn 1,6 triệu lượt xem, hơn 4.000 bình luận và hàng chục nghìn lượt chia sẻ, nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Thậm chí phóng sự giả mạo VTV này còn tạo dựng một ê kíp với đầy đủ thành phần như thật và đã khiến không ít người xem lầm tưởng đó là phóng sự của VTV.

Cảnh giác với chiêu trò giả mạo VTV - Anh 1

Sau khi cho các bộ phận chức năng đi kiểm chứng, xác thực, đoàn công tác của VTV xác định đây là phóng sự được thao tác đơn giản trên phần mềm dựng phim, gắn logo của VTV1, VTV8 trái phép. VTV cũng ghi nhận : "Lợi dụng uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam, hàng nghìn thang thuốc đã được bán cho người bệnh mà chưa hề được bất cứ cơ quan y tế nào kiểm chứng xem thực sự có hiệu quả hay không."

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook cũng đã xuất hiện trang Facebook mang tên "Tin tức hằng ngày - VTV Online". Đây là trang Facebook giả mạo, làm nhái logo của Báo điện tử VTVNews, đăng tải những nội dung không chính xác, có dấu hiệu lừa đảo đối với người xem như gãy cầu Rồng tại TP. Đà Nẵng. Điều này khiến một số khán giả không phân biệt được rõ ràng, lầm tưởng đây là một trang Facebook của VTV và chia sẻ những thông tin được đăng tải. Trước sự việc này, Báo điện tử VTVNews , cơ quan báo chí của VTV khẳng định, VTVNews không có Fanpage nào có địa chỉ nói trên. Trang page giả mạo này cũng đã bị Facebook khóa lại, đảm bảo quyền thông tin và quyền được thông tin chuẩn mực của khán giả.

Phúc Nghệ

Ý kiến bạn đọc