Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tục cúng sao giải hạn: khi con người “xử lý” những bất ổn của cuộc sống!

Thứ Hai 18/02/2019 | 10:41 GMT+7

VHO-  Để hiểu rõ hơn về tục cúng sao giải hạn, Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết:

 Biển người chiếm hẳn lòng đường để… giải hạn

 - Phải nói rằng, chúng ta rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Và tục cúng sao giải hạn không phải là một hiện tượng mới xuất hiện. Thực chất, đây là một truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, không phải bất kỳ truyền thống nào cũng phù hợp với xã hội hiện tại. Trong trường hợp này, tục cúng sao giải hạn là một hiện tượng mê tín dị đoan, không phù hợp với cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta lại phải đặt câu hỏi là tại sao, dưới cách nhìn khoa học, khách quan, tục này là mê tín dị đoan, nhưng nó vẫn tồn tại, thậm chí càng ngày càng được tổ chức to hơn, quy mô hơn, bất chấp mọi lời giải thích của các nhà nghiên cứu, quản lý.

Vậy theo ông, cúng sao giải hạn nên được hiểu như thế nào? Chúng ta liệu có thật sự biết trước được hạn và giải được nó không?

- Cúng sao giải hạn được hình thành từ quan niệm của người Á Đông theo vòng quay của các sao chiếu mệnh, theo đó mỗi người khi sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh. Mỗi năm con người lại có một sao chiếu mệnh khác nhau tùy vào từng tuổi. Theo quan niệm, năm nào gặp phải sao xấu, con người thường có vận hạn. Chính vì thế, để tránh vận xấu, người ta thường làm lễ dâng sao giải hạn. Đấy là cách nhìn nhận của người xưa khi khoa học chưa phát triển.

Thực tế, chúng ta không thể chứng minh được sự liên hệ trực tiếp giữa các sao theo quan niệm này với những biến cố trong cuộc đời con người. Vì vậy, chúng ta không thể biết trước và giải hạn của mình. Cái duy nhất mà tục cúng sao giải hạn có thể đem lại cho con người chính là sự an ủi về mặt tâm lý khi đối mặt với tương lai đầy bất ổn trong năm mới trước mắt. Nói cách khác, nó như một liều thuốc an thần mà thôi. Thực chất, đó cũng là một trong những chức năng chính của tôn giáo tín ngưỡng đối với người dân.

Nhiều người cho rằng cúng sao giải hạn không thuộc về Phật giáo nhưng nhiều chùa vẫn nhận cúng sao giải hạn cho người dân. Theo ông, đâu là lý do của tình trạng này?

- Theo hiểu biết của tôi, cúng sao giải hạn không có trong giáo lý Phật giáo và việc cúng sao giải hạn ở chùa chỉ phổ biến ở miền Bắc. Tất nhiên, là một hiện tượng xã hội, cái gì tồn tại đều có lý do riêng của nó. Cúng sao giải hạn cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Một giai đoạn tương đối dài, chúng ta gặp tình trạng đứt đoạn về hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Dù như tôi đã nói, chúng ta không cấm các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, nhưng có một số lý do khiến cho các sinh hoạt này không được thường xuyên và không nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội.

Sau giai đoạn đó, việc quay trở lại với các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng gặp một số bất ổn do sự đứt đoạn và lâu không thực hành. Bối cảnh xã hội hiện nay cũng có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tôn giáo tín ngưỡng. Và đôi khi trong cuộc sống có nhiều bấp bênh, rủi ro khiến cho con người tìm đến niềm tin trong tôn giáo tín ngưỡng. Chùa, dù về bản chất không có cúng dâng sao giải hạn, nhưng ở điều kiện Việt Nam, các ngôi chùa đã tích hợp các tôn giáo và tín ngưỡng khác (như chúng ta thấy về việc có mặt của các Mẫu hay Ngọc Hoàng thượng đế ở chùa) để hình thành một “phức hợp” tâm linh, thì việc thực hiện cúng dâng sao giải hạn là có thể hiểu được. Tất nhiên, vai trò của các vị sư trụ trì ở các chùa rất quan trọng trong việc thực hiện nghi lễ cúng dâng sao giải hạn, vì thế, có những ngôi chùa cụ thể “nổi tiếng” hơn các ngôi chùa khác trong hoạt động này.

Đi lễ đầu năm, đi vãn cảnh chùa đầu xuân là một nét đẹp trong văn hóa của ta từ trước đến nay để hướng đến chân thiện mĩ. Nhưng hiện nay nhiều nơi lợi dụng tâm linh để kiếm lời, thúc đẩy mê tín dị đoan để thu lời. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Năm mới bao giờ cũng là dịp để chúng ta đoàn tụ và mong ước về những điều tốt đẹp trong năm sắp tới. Chính vì vậy, đầu năm đến với các địa điểm tâm linh là một điều hết sức dễ hiểu với người dân Việt Nam. Đây thực sự là điều tốt đẹp khi chúng ta có một dịp để mong ước về những điều tốt lành, và chính mong ước này khiến cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều người trục lợi tâm linh từ những mong ước này của người dân. Điều mà mọi người mong muốn là có một cái tâm bình an, một động lực tinh thần để thực hiện những công việc của một năm mới thì có người đã vật chất hóa những mong ước đó bằng những của cải vật chất, bằng những thứ đồ mã tốn kém hay những trò tranh cướp phản cảm. Tất cả đã đi ngược lại những giá trị căn bản của truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Đó là những giá trị nhân văn, hướng đến chân – thiện – mỹ, một lối sống hòa đồng giữa con người và thiên nhiên, một cách tư duy “Phật tại tâm”… vốn dĩ đã rất phổ biến trong xã hội ta.

Mọi người nên có hoạt động văn hóa tín ngưỡng chùa chiền như thế nào để giữ được nét đẹp văn hóa của Việt Nam mà không sa đà thành mê tín?

- Đến với các cơ sở thờ tự tôn giáo nói chung, đến với chùa nói riêng, là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân. Khi đến với các cơ sở tôn giáo này, chúng ta sẽ cảm nhận được những giá trị tốt đẹp mà các tôn giáo tín ngưỡng đem lại cho cuộc sống như tấm lòng bao dung, nhân ái vì mọi người, tu dưỡng bản thân, và cả những hiểu biết về lịch sử dân tộc. Những nét đẹp này là hành trang quan trọng để chúng ta tiếp bước trong cuộc sống vốn có nhiều bất trắc và khó khăn, và nó khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp và dễ chịu hơn. Chính vì những giá trị đó, tôn giáo tín ngưỡng sẽ luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc.

Tuy vậy, tôn giáo tín ngưỡng cũng chứa đựng những yếu tố khiến cho con người dễ rơi vào mê tín. Sự phân biệt giữa thành công do nỗ lực cố gắng của cá nhân và thành công do may mắn, được thần linh ban phát rất mong manh. Chính vì vậy, nhận thức của người đi lễ chính là yếu tố quan trọng nhất. Các vị Phật, Giêsu hay các Mẫu không ban phát bổng lộc cho bất kỳ ai. Họ chỉ giúp chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Khi chúng ta sống đẹp, vì mọi người, chăm chỉ và quyết tâm cống hiến, chúng ta sẽ có được những gì chúng ta mong ước trong mỗi dịp năm mới.

 Đến chùa là để củng cố niềm tin chứ không phải đi xin sự ban phát, những thứ Đức Phật không bao giờ làm và sẽ không làm, nếu người dân không cố gắng bằng chính khả năng của mình, và làm bằng một tấm lòng thành tâm vì mọi người.

 

Việc xác lập các chòm sao không phải để phục vụ mục đích dự đoán tương lai hay số mệnh. Cho tới nay, có thể khẳng định rằng không có bất cứ hình thức dự đoán tương lai, số mệnh nào là có cơ sở khoa học.

(Nhà nghiên cứu thiên văn học Đặng Vũ Tuấn Sơn)

 

P.V (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top