Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Diễn đàn Du lịch outbound- Cơ hội và thách thức: Đã đến lúc “trả lại tên cho em”

Thứ Hai 01/04/2019 | 10:15 GMT+7

VHO- Diễn đàn “Du lịch outbound- Cơ hội và thách thức” vừa được Bộ VHTTDL, Ban Kinh tế Trung ương và Hiệp hội Du lịch Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ VITM Hà Nội 2019 nhằm chỉ rõ thực trạng hoạt động của du lịch outbound (đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài).

Qua đó chia sẻ kinh nghiệm du lịch outbound từ các quốc gia trong khu vực, những cơ hội và thách thức của du lịch outbound tại Việt Nam, đề xuất giải pháp kịp thời để thúc đẩy loại hình du lịch này.

Loại hình du lịch này chưa được đánh giá đúng

“Du lịch, đặc biệt là du lịch ra nước ngoài đang trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao”, ông Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nói. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng: “Du lịch là sự cấu thành của 3 loại hình: đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa. Ba loại hình này cần được cân đối để bảo đảm sự phát triển của du lịch. Đồng thời cần chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến dòng khách outbound, khuyến khích và quan tâm đúng mức tới loại hình du lịch này”.

Theo đánh giá của các nhà kinh tế, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng du lịch nói chung và du lịch outbound nói riêng. Vì thế, để đạt được sự bình đẳng giữa các loại hình du lịch (inbound, outbound, nội địa), thúc đẩy nhiều hơn hoạt động outbound và tạo hình ảnh ngày càng tốt hơn của người Việt Nam ở nước ngoài, để du lịch outbound không phải chỉ là một hoạt động kinh tế đơn thuần mà còn mang lại giá trị về tình hữu nghị giữa các dân tộc, giao lưu văn hóa và nâng cao hình ảnh của người dân Việt Nam ở nước ngoài thì vấn đề phải bàn đến, xem xét đến của hoạt động outbound là vấn đề cấp thiết.

Mặc dù phát triển mạnh mẽ nhiều năm trở lại đây nhưng du lịch outbound chưa được đánh giá đúng vai trò và vị trí trong quá trình phát triển của ngành Du lịch. Theo các số liệu do Hiệp hội Du lịch Việt Nam thu thập được từ các nguồn tin cậy như Tổ chức Du lịch thế giới, Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới, cơ quan quản lý du lịch các nước, khách du lịch outbound của Việt Nam có mức tăng 10-12%/năm, đạt khoảng 10 triệu lượt năm 2018. Với số lượng nhiều như vậy nhưng hệ thống văn bản pháp luật cũng như quy định của các cơ quan chức năng cho hoạt động outbound chưa rõ ràng nên loại hình du lịch này chưa được đánh giá tương xứng với tiềm năng.

Trong khi đó, phát triển du lịch outbound cả về quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm và nâng cao giá trị tinh thần của hoạt động outbound ở Việt Nam chính là để bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, mở rộng giao thương, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Nâng cao hình ảnh của người Việt Nam

Người Việt Nam đến nay đã in dấu chân của mình ở khắp nơi trên thế giới, cả những nơi tưởng chừng xa xôi nhất như: Bắc Cực, Nam Cực, Tây Tạng, sa mạc Sahara, thậm chí là đỉnh Everest… Có đi ra nước ngoài chúng ta mới biết cách thế giới hoạt động du lịch thế nào, cách họ giới thiệu sản phẩm ra sao và làm như thế nào để biến những tài nguyên vô hình như là truyền thống văn hóa, vẻ đẹp đất nước thành hữu hình là những đồng tiền thu được từ khách du lịch quốc tế, đóng góp vào nguồn thu của đất nước.

“Trong đánh giá về sự phát triển du lịch quốc gia, con số thống kê du lịch outbound cũng cần được đưa thành một chỉ tiêu. Một đất nước mà mỗi năm có số người đi du lịch nước ngoài trên tổng số dân lớn bao nhiêu thì thể hiện tốc độ phát triển của ngành Du lịch tốt, nền kinh tế mạnh, xã hội mở cửa giao lưu rộng rãi bấy nhiêu”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.

Phải hiểu vì sao hiện nay trên thế giới, hộ chiếu một số nước có giá trị rất mạnh như: Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Italia, Đức, Anh… Họ có thể đi đến hơn 150 quốc gia trên thế giới mà không cần xin thị thực (visa). Rõ ràng, quyền lực của cuốn hộ chiếu của mỗi nước có khả năng khẳng định vị thế của nước đó trên thế giới như thế nào. Chúng ta muốn có quyền lực đó thì trước tiên phải mở cửa ra, đón được nhiều khách quốc tế vào Việt Nam thì mới có thể đưa được khách Việt Nam ra nước ngoài một cách dễ dàng hơn.

Ông Vũ Thế Bình cho biết: “Thống kê từ năm 2015- 2018 thấy rằng lượng người Việt đi du lịch nước ngoài tăng rất nhanh. Ví dụ, năm 2015 người Việt đi Trung Quốc 1,98 triệu người thì đến năm 2018 con số đã xấp xỉ 4 triệu. Đây là số khách đi du lịch (có lưu trú và chương trình tham quan, du lịch- PV) Trung Quốc chứ không phải số người đi qua biên giới. Con số tương quan khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch năm 2018 là 5 triệu lượt người. Điều đó cho thấy: Việt Nam, đất nước 95 triệu dân đang rất sòng phẳng và bình đẳng với người hàng xóm lớn Trung Quốc có tới 1,4 tỉ dân”.

Bên cạnh đó, lượng khách Việt đi du lịch Nhật Bản cũng đang không ngừng tăng... Trong khi khách Nhật Bản sang Việt Nam là 826 nghìn lượt người. Cán cân về tỷ trọng khách giữa Việt Nam với Nhật Bản xấp xỉ 50%, thể hiện rằng Nhật Bản đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách Việt Nam. Và cũng thể hiện đời sống người Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, các điểm đến xa, có chi phí đắt đỏ như Nhật Bản, thậm chí châu Âu, châu Phi, Mỹ, Australia… cũng không còn xa lạ và ngày càng được người Việt Nam lựa chọn nhiều hơn.

Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc xem xét lại việc chúng ta đã bảo vệ được khách du lịch là người Việt ở nước ngoài chưa khi xảy ra sự việc 700 khách Việt Nam bị Công ty du lịch Travel Life bỏ rơi ở Bangkok, Thái Lan (năm 2013); 56 khách Việt Nam trốn lại đảo Jeju của Hàn Quốc (năm 2016) và gần đây nhất là sự việc 152/153 khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan (2018)…? Cần quản lý thế nào với hoạt động outbound? Xử lý việc các công ty lữ hành bỏ rơi khách ở nước ngoài ra sao? Hay cuối cùng tất cả các sự việc đều rơi vào im lặng? Hoặc chuyển hết cho cơ quan công an? Và rồi cũng có khi chỉ bị phạt vi phạm hành chính chứ không có tính răn đe, không giải quyết đến nơi đến chốn và gần như không có trách nhiệm gì với an toàn tính mạng, tài sản của đồng bào mình nơi đất khách.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, “du lịch outbound cần được định hướng bởi một cơ quan cụ thể, cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để giám sát, định hướng hoạt động du lịch outbound, đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức du lịch outbound”. Tổng Giám đốc HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan nêu ý kiến: “Du lịch outbound ở Việt Nam cần được thừa nhận trong thống kê của ngành, có những nhận thức đầy đủ của xã hội và quản lý chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để người du lịch Việt Nam mua được những tour du lịch đúng chất lượng, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách trong quá trình đi tour, chính danh đóng góp vào nguồn thu của đất nước…”.

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Tổng cục Du lịch đang triển khai xây dựng dự thảo bộ quy tắc ứng xử cho người Việt Nam đi nước ngoài, sau khi được phê duyệt sẽ triển khai in ấn và phát hành trên các hãng hàng không để du khách Việt Nam tham khảo và có cách ứng xử phù hợp”, ông Ngô Hoài Chung cho biết.

Ông Đoàn Ngọc Xuân cho biết: “Từ kết quả của Diễn đàn này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ ghi nhận đầy đủ, có trách nhiệm để phục vụ cho việc giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top