Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Chưa có ai chịu​​​​​​​ trách nhiệm toàn diện

Thứ Tư 03/04/2019 | 10:27 GMT+7

VHO- “Tôi đồng ý về nhận xét này. Vấn đề đạo đức trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, đúng tầm. Đặc biệt, khi để xảy ra các vấn đề nghiêm trọng, chưa có ai dám chịu trách nhiệm toàn diện, dám từ chức vì lỗi của mình…”

 

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn nêu lên ý kiến như vậy trong cuộc trao đổi riêng Văn Hóa vào chiều qua 2.4 tại nhà riêng khi nói về nguyên nhân và giải pháp cấp bách đối với những vụ việc nghiêm trọng vừa xảy ra trong một số nhà trường. Ông nói:

-Tình trạng xuống cấp đạo đức trong nhà trường, vi phạm đạo đức nhà giáo liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, đó là điều đau lòng đối với ngành giáo dục. Thường thì mối quan hệ giữa học sinh và học sinh rất là thân thiết. Còn hình ảnh người thầy chính là một tấm gương sáng với học sinh và học sinh luôn nhìn vào hành vi, lời nói… của người thầy để học hỏi. Nhưng thời gian qua, những giá trị ấy thực sự có vấn đề nghiêm trọng.

Chính vì vậy, những vụ việc xảy ra tại nhiều địa phương với các đối tượng khác nhau nhưng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới toàn xã hội, ảnh hưởng tới cả ngành giáo dục. Đến mức Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT, lãnh đạo địa phương... đều vào cuộc. Hồi xưa, những chuyện như thế này gần như không có. Nói một cách khác, hồi chúng tôi học phổ thông rồi ra làm giáo viên, dạy nhiều lứa học sinh thì thầy ra thầy, trò ra trò. Cho tới tận bây giờ tôi vẫn nhớ và biết ơn những người thầy đã dạy dỗ và nhiều thế hệ học trò của tôi cũng như vậy.

Sau hàng loạt vụ việc xảy ra, nhiều vị phụ huynh lo ngại. Họ lo ngại là có lý do khi học sinh nhỏ thì bị dâm ô, học sinh lớn thì bị thầy gạ tình, rồi vài học sinh yếu bị học sinh lớn bắt nạt, đánh hội đồng, một số học sinh khác bị thầy cô đánh gây thương tích... Ông có ý kiến như thế nào?

-Đúng là có nhiều vụ việc nghiêm trọng như vậy xảy ra trong thời gian gần đây mà chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn hoặc chấm dứt. Nhưng trong vài chục ngàn trường các cấp học trên cả nước, không phải ở trường nào cũng xảy ra những vụ việc như vậy nên đừng đánh giá đổ đồng, dễ gây hoang mang cho xã hội. Đối với những trường xảy ra vụ việc đau lòng, phụ huynh học sinh hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi như thế đối với lãnh đạo nhà trường và cả lãnh đạo ngành giáo dục và đòi hỏi xử lý nghiêm để cảnh báo các trường khác.

Bạo hành học đường ở Diễn Châu (Nghệ An)

Để xảy ra vụ việc, trước hết trách nhiệm thuộc về trường đó, chưa làm hết trách nhiệm giáo dục. Nếu khi vụ việc xảy ra họ có hành vi che đậy để không ảnh hưởng tới họ thì lại càng xấu. Nếu cán bộ giáo viên sâu sát với học sinh thì không có gì khó để phát hiện những em có tính hung hãn hay những học sinh bị thương tích, có thái độ khác thường... từ đó sớm phát hiện và ngăn chặn những vụ việc nghiêm trọng. Chẳng hạn khi xảy ra bất cứ vụ việc nào đó, lãnh đạo nhà trường nhìn thẳng vào sự thật, coi đó là sự yếu kém của mình, tập trung giải quyết dứt điểm thì sẽ không xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Thực ra, khi những người quản lý, giáo viên coi lương tâm của người thầy lớn hơn chức vụ, lương bổng, thành tích của nhà trường... thì chắc sẽ không có những vụ việc như vừa qua xảy ra. Vẫn còn những người quản lý giáo dục vì chạy theo thành tích mà bất chấp mọi chuyện, vẫn còn những giáo viên chỉ mong dạy hết giờ là về nhà, không cần biết học sinh muốn gì suy nghĩ thế nào và làm gì sau giờ học...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu mong muốn ngành Giáo dục quán triệt tinh thần, “thực sự coi học sinh là trung tâm”. Nhưng thực tế có nhiều cán bộ, giáo viên chưa nghĩ được như vậy và hành động như vậy.

Các chuẩn mực đạo đức trong nhà trường có không, có chứ, rồi các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện, văn bản hướng dẫn, thậm chí các chế tài liên quan đều có. Nhưng nhà trường thực hiện thế nào, rồi công tác giám sát, thưởng phạt có được làm rốt ráo chưa, tôi cho rằng chưa.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng Bộ GD&ĐT đã quá chú trọng vào vấn đề thi cử, các đề án chương trình mới, SGK mới hay các dự án khác mà chưa quan tâm đúng mức hoặc thực chất tới vấn đề đạo đức trong nhà trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

-Tôi đồng ý về nhận xét này. Vấn đề đạo đức trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, đúng tầm. Chưa đưa thành phong trào, vấn đề lớn và đặt đúng vị trí. Đặc biệt, khi để xảy ra các vấn đề nghiêm trọng, chưa có ai dám chịu trách nhiệm toàn diện, dám từ chức vì lỗi của mình. Theo tôi đối với những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đạo đức trong nhà trường thì cần phải có những chế tài mạnh và dứt khoát để cảnh báo cho những trường hợp khác.

Tôi rất tâm đắc với cách xử lý của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất cách chức luôn tất cả lãnh đạo trường đã để xảy ra vụ việc học sinh đánh nhau. Nếu những vụ việc xảy ra trong môi trường giáo dục được giải quyết trên tinh thần thẳng thắn, kịp thời, nghiêm khắc như vậy, thậm chí nghiêm khắc hơn như đưa ra khỏi ngành những người vi phạm nghiêm trọng thì đó là giải pháp tốt.

Hoặc như vừa rồi xảy ra nhiều vụ học sinh bị bạo hành nghiêm trọng, bị xâm hại, bị xúc phạm nhân phẩm... toàn ngành phát động các nhà trường lên án, cùng phát hiện ra các vi phạm thì sẽ chế được rất nhiều nguy cơ xảy ra các vụ kế tiếp... Tôi mong lãnh đạo ngành hãy dành cho đạo đức trong nhà trường sự quan tâm đúng mức, đúng tầm như sự quan tâm về thi cử, chương trình, SGK mới hay các dự án quan trọng khác của ngành.

 …Vấn đề đạo đức trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, đúng tầm. Chưa đưa thành phong trào, vấn đề lớn và đặt đúng vị trí. Đặc biệt, khi để xảy ra các vấn đề nghiêm trọng, chưa có ai dám chịu trách nhiệm toàn diện, dám từ chức vì lỗi của mình. Theo tôi đối với những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đạo đức trong nhà trường thì cần phải có những chế tài mạnh và dứt khoát để cảnh báo cho những trường hợp khác.

(PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT)

 

Thực ra, khi những người quản lý, giáo viên coi lương tâm của người thầy lớn hơn chức vụ, lương bổng, thành tích của nhà trường... thì chắc sẽ không có những vụ việc như vừa qua xảy ra. Vẫn còn những người quản lý giáo dục vì chạy theo thành tích mà bất chấp mọi chuyện, vẫn còn những giáo viên chỉ mong dạy hết giờ là về nhà, không cần biết học sinh muốn gì suy nghĩ thế nào và làm gì sau giờ học...


QUỐC HÙNG (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top