Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Pháp trả lại cổ vật cho nhiều nước thuộc địa

Thứ Tư 03/04/2019 | 11:08 GMT+7

VHO- Trong những năm gần đây, Pháp và nhiều nước châu Âu đã bước đầu thúc đẩy quá trình trao trả các cổ vật và di sản bị chiếm đoạt thời thuộc địa. 

Theo báo cáo, ước tính hiện có tới 90% các tác phẩm nghệ thuật cũng như di sản văn hóa châu Phi hiện đang ngoài lục địa, bao gồm các tác phẩm điêu khắc, ngai vàng và các văn tự. Khoảng 70.000 - 90.000 tác phẩm nghệ thuật cận thời đại Sahara hiện được trưng bày tại bảo tàng Quai Branly ở Paris, một bảo tàng công cộng mở từ năm 2006. Phần lớn các tác phẩm được trưng bày tại đây có nguồn gốc từ các thuộc địa cũ của Pháp bao gồm Chad, Cameroon, Madagascar, Mali, Bờ biển Ngà, Cộng hòa Congo... Báo cáo được đệ trình lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền văn hóa tinh thần của châu Phi. 

 Tác phẩm nghệ thuật của châu Phi được trưng bày tại một bảo tàng ở Paris mô tả lễ Ato của Vương quốc Dahomey Ảnh: THE GUARDIAN 

Vào tháng 11.2018, Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định trả lại cho quốc gia châu Phi Benin 26 cổ vật mà người Pháp đã chiếm đoạt từ nước này trong chiến tranh chống thực dân vào năm 1892. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Pháp nhận được báo cáo kêu gọi các hành động cụ thể trong quá trình trao trả hàng ngàn cổ vật và tác phẩm nghệ thuật châu Phi tại các bảo tàng của Pháp. 
Trên thực tế, quyết định trả lại các cổ vật cho châu Phi của Tổng thống Pháp đã nằm ngoài Luật bảo vệ di sản của nước này. Luật bảo vệ di sản Pháp có ba điểm liên quan: Không chuyển nhượng, không tiêu hủy và không tịch thu các tác phẩm nghệ thuật được lưu trữ và trưng bày tại các viện bảo tàng. Như vậy, theo pháp lý, chính phủ Pháp không có quyền trao trả lại các tác phẩm nghệ thuật và di sản này cho các nước châu Phi hoặc bất cứ quốc gia thuộc địa nào khác. Điều này gây ra một cuộc tranh cãi, theo đó Pháp được đề nghị thay đổi luật di sản để tạo điều kiện cho quá trình trao trả lại các cổ vật của châu Phi và nhiều quốc gia thuộc địa khác, đặc biệt là sau khi Tổng thống Macron tuyên bố, ông muốn quá trình này bắt đầu trong vòng 5 năm tới đây. 
Trước đó, vào tháng 11.2017, tại Ouagadougou, thủ đô quốc gia Burkina Faso, ông Macron đã cho rằng, giới trẻ châu Phi phải được “tiếp cận với di sản của châu Phi cũng như di sản chung của nhân loại ngay tại lãnh thổ châu Phi chứ không chỉ ở châu Âu”. Ông cũng phát biểu: “Tôi không thể chấp nhận việc một lượng lớn cổ vật và di sản văn hóa của các quốc gia tại châu Phi từng là thuộc địa đang được đặt tại nước Pháp. Điều này có những lý giải riêng liên quan đến vấn đề lịch sử, tuy nhiên không có sự biện minh nào là hợp lý, lâu dài và vô điều kiện. Di sản châu Phi không thể chỉ có trong các bộ sưu tập tư nhân và được trưng bày tại các bảo tàng châu Âu hoặc tại Paris mà còn cần được trưng bày tại các thành phố như Dakar, Lagos và Cotonou nơi chúng thuộc về. Đây sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi”. Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Pháp đã một lần nữa đề cập đến vấn đề này trong bài phát biểu tại Hội nghị Đại sứ bằng việc đưa ra một kế hoạch gồm ba giai đoạn trong những năm tới. 
Trên thực tế, việc trao trả lại các cổ vật cho các nước từng là thuộc địa của Pháp hoặc các nước châu Âu không phải là chủ đề mới được nhắc tới lần đầu tại nước này. Trong bối cảnh các vấn đề về nhập cư, toàn cầu hóa, chủ quyền, lịch sử hoặc chủng tộc đang được tranh luận gay gắt thì đây là đề tài một lần nữa được các nhà hoạt động đề cập. Hartmut Dorgerloh, Tổng giám đốc của Diễn đàn Humboldt đã thừa nhận rằng, các di sản và tác phẩm nghệ thuật bị chiếm đoạt nhất định phải được trả lại cho quốc gia xuất xứ nếu chúng ở trong tình trạng lý tưởng và có ý nghĩa về lịch sử cũng như văn hóa đối với địa phương. Patrick Gathara, một học giả từ Kenya, cũng đưa ra lời bình luận, cho rằng các cổ vật cần phải được đặt trong bối cảnh văn hóa của riêng chúng. 

 THỤC LINH 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top