Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh vụ bé gái có dấu hiệu bị dâm ô trong thang máy: Liệu có lặp lại kỳ án?

Thứ Sáu 05/04/2019 | 09:37 GMT+7

VHO- Những hành vi đối với trẻ em và phụ nữ trong thang máy diễn ra trong thời gian qua là những tội danh chưa được quy định rõ ràng dẫn đến mỗi địa phương xử lý một cách khác nhau và đầy cảm tính…

Các đại biểu tại buổi Tọa đàm "Thang máy chung cư - tiện ích hay cạm bẫy"

 Đó là một trong những vấn đề được Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và nhiều đại biểu nêu ra tại buổi tọa đàm: “Thang máy chung cư: Tiện ích hay cạm bẫy”, diễn ra vào chiều qua 4.4, tại Hà Nội.

Thô bạo và thú tính

Bước đầu, buổi tọa đàm có sự tham gia của ba luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội gồm Phạm Thùy Dương, Ngô Anh Tuấn, Nguyễn Văn Tú. Những luật sư này đều thống nhất cho rằng, với những hành vi và biểu hiện của nghi phạm Nguyễn Văn Linh, cựu Viện phó Viện KSND TP Đà Nẵng đối với bé gái trong tháng máy không thể dừng lại ở “kỳ án” 200 nghìn đồng như với vụ “cưỡng hôn” một phụ nữ trong thang máy ở Hà Nội.

Vụ sàm sỡ trong thang máy ở Hà Nội, chủ thể là phụ nữ đã trên 18 tuổi còn với bé gái bị người đàn ông này có biểu hiện sàm sỡ là trẻ em. Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng: “Qua việc xử phạt vụ “cưỡng hôn” trong thang máy ở Hà Nội đã thấy rõ những hành vi dâm ô chưa được quy định rõ ràng dẫn đến “kỳ án” 200.000 đồng xử phạt gây phẫn nộ và bức xúc đối với dư luận xã hội. Tội danh dâm ô hiện nay ở mỗi cấp chính quyền, mỗi địa phương chưa có sự thống nhất nên xử lý rất khác nhau. Tuy nhiên vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy của nghi phạm ở TP.HCM thì hoàn toàn có căn cứ để xử lý xâm hại tình dục trẻ em ở khung người dưới 18 tuổi”.

Còn luật sư Phạm Thùy Dương thì nhấn mạnh: Đây là sự xâm phạm đầy thô bạo và thú tính. Có thể nhìn thấy sự sợ hãi của bé gái khi chạy ra khỏi thang máy thoát thân và suýt ngã. Hành vi này gây tác động không nhỏ đến tinh thần của những đứa trẻ”. Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng những quy định xử phạt về tội dâm ô đối với trẻ em hay phụ nữ hiện nay không phải là có khoảng trống mà là hoàn toàn không hề có, dẫn đến việc xử lý vụ “cưỡng hôn” ở Hà Nội mang tính chất quá nhẹ nhàng.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA tỏ ra vô cùng lo lắng trước việc nghi phạm là một trí thức trong xã hội, đã từng công tác trong ngành tư pháp và đã từng là trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ. “Những người có địa vị cao trong xã hội thường có ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy lý lịch của nghi phạm trong vụ án sàm sỡ bé gái đã làm ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Ngay cả với những người ở lứa tuổi như ông ta, những người ở trong ngành tư pháp... hẳn đều cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm. Hơn thế đó là sự mất niềm tin của nhiều người khi ông ta đã từng là người cầm cân nảy mực xử lý những hành vi vi phạm trong xã hội”, bà Vân Anh nhận định.

Clip ghi cảnh đối tượng sàm sỡ bé gái

Nổi sóng phẫn nộ

Có thể nói chưa bao giờ như lúc này, các trang mạng xã hội, trên các facebook, các fanpage, youtube... thi nhau chia sẻ những status thể hiện sự phẫn nộ trước những hành vi dâm ô trẻ em và phụ nữ như hiện nay. Bà Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Marie Curie cho biết: “Cần vui mừng khi cộng đồng mạng nổi sóng phẫn nộ cho thấy nhận thức của xã hội đang phát triển. Không phải bây giờ nạn ấu dâm mới có mà trước đây cũng đã có nhưng những câu chuyện ấu dâm, dâm ô chỉ dừng ở những cuộc nói chuyện hai ba người. Tôi cũng là một phụ nữ và tôi tin chắc rằng nhiều phụ nữ và trẻ em gái đều đã từng bị quấy rối tình dục với nhiều mức độ khác nhau. Có điều họ không dám nói ra hoặc họ nghĩ có thể bỏ qua những hành vi như vậy mà thôi”.

Là một giáo viên dạy môn Ngữ văn, bà Lê cũng thừa nhận, hiện nay việc giáo dục về bình đẳng giới, về giới tính, về những hành vi dâm ô đang là một lỗ hổng lớn trong ngành giáo dục. Những bộ môn đề cập tới những vấn đề này như giáo dục công dân, sinh học thường chỉ nói một phần hoặc có phần né tránh trực diện. Giáo viên cũng chỉ có thể truyền đạt phần nào những kiến thức rất chung chung khi ở trong một lớp học đông học sinh. Theo bà Lê, các bậc phụ huynh không nên ỷ lại vào giáo dục giới tính ở nhà trường mà cần tự chủ động trao đổi, trò chuyện với con cái mình. Cách người mẹ truyền miệng những kiến thức này cho con gái sẽ dễ dàng khiến trẻ em tiếp thu hơn, nhớ lâu hơn.

 

 Theo thống kê Bộ Công an, từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát hiện khoảng 6.810 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Riêng năm 2018 phát hiện 1.269 (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em). Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái (chiếm trên 80%). Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn chưa có tiền án tiền sự, nhiều người có quan hệ gần gũi với nạn nhân như người ruột thịt, hàng xóm ở gần nhà, thầy giáo, người yêu... Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, 93% trẻ bị xâm hại tình dục từ người thân, người quen, nguy cơ xâm hại có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào.

 

Nhìn nhận về vai trò của ngành giáo dục trong việc tuyên truyền, hạn chếnhững hành vi dâm ô, bà Nguyễn Vân Anh cho rằng hiện nay Bộ GD&ĐT mới chỉ chạy theo xử lý những vụ việc xảy ra bằng việc cách chức, kỷ luật giáo viên, mà chưa có chiến lược ứng phó, hạn chếvà ngăn chặn những hành vi suy đồi đạo đức. Các bậc làm cha, làm mẹ cứ ngỡở một môi trường như nhà trường những tưởng là an toàn đối với con em mình nhưng giờ thì ngược lại họ không còn cảm giác an toàn.

Ở những nơi như chung cư được coi là tiện ích thì rốt cuộc lại trở thành cạm bẫy cho những hành vi dâm ô xảy ra. Làm thếnào để bảo đảm an toàn trước hết cho những cư dân đang sống ở chung cư khi mỗi lần bước vào thang máy lại nhớ tới những hành vi dâm ô xảy ra từ hai từ khóa “thang máy”? Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều những giải pháp từ việc lắp camera ở thang máy cho tới việc trang bị cho trẻ em và phụ nữ những biện pháp bảo vệ mình khi bước vào thang máy. Từ những vụ việc xảy ra trong thang máy, CSAGA đã phát động một cuộc thi ý tưởng với chủ đề : Nếu bạn là quản lý chung cư bạn sẽ làm gì để đảm bảo an toàn cho những người đi thang máy”.

Cuộc thi mong muốn hỗ trợ cho các ban quản lý, nhà đầu tư chung cư cùng chung tay thực hiện những sáng kiến hay để giải quyết vấn nạn sàm sỡtrong thang máy. Đồng thời trong tuần này, CSAGA cũng đang gấp rút hoàn thành một số những poster, khẩu hiệu để các tòa nhà chung cư có thể áp dụng dán trong thang máy, nơi công cộng cung cấp những kiến thức tối thiểu để hạn chế, phòng ngừa nạn sàm sỡ. “Nếu như các ban quản lý, ban quản trị, các chủ đầu tư các tòa nhà chưa quan tâm thì bản thân các cư dân ở các chung cư có thể tự in các poster ra và đề nghị ban quản lý, ban quản trị các tòa nhà cùng thực hiện”, bà Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho biết thêm. 

 Nhiều hành vi về dâm ô chưa được quy định thành luật

Trong khi quốc tế quy định rất rõ những hành vi dâm ô thì Việt Nam chưa có những quy định cụ thể, điều này cho thấy những người làm luật cần phải kịp thời bổ sung để làm sao hạn chế được vấn nạn này. Tuy nhiên điều mà chúng ta cần quan tâm hơn đó là đức trị. Làm sao để có thể chỉnh đốn được những hành vi ứng xử của mọi đối tượng để không xảy những vụ việc sàm sỡ trong thang máy vừa qua. Tôi đang vô cùng lo lắng khi cộng đồng mạng trong đó không chỉ lớp trẻ mà cả những người có tuổi cũng tung hô, tán đồng những clip, những “thần tượng” mình đầy xăm trổ và với những hành vi lệch chuẩn mực xã hội.

Tôi cho rằng trong khi chờ pháp luật điều chỉnh các quy định thì nhà trường, gia đình và toàn xã hội cần phát triển những giá trị tốt đẹp của con người, nhân rộng những con người tốt để truyền cảm hứng cho những người xung quanh, mang lại cuộc sống bình yên.

(Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ,TB&XH)

 

 Tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan chức năng trong năm 2019 tập trung tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Theo dó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo đảm quyền trẻ em phù hợp với quy định của Luật trẻ em; tăng cường thực hiện các chính sách đã ban hành; phối hợp hiệu quả trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em; phân công cơ quan, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, thông tin khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ,TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, TƯ Đoàn Thanh niên CSHCM, TƯ Hội Liên hiệp PNVN và các cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về các biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đến gia đình, cộng đồng, trường học và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trực tuyến… Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các địa phương rà soát tất cả cơ sở giáo dục mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chếxuất, yêu cầu có biện pháp quản lý, giám sát, công khai hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em...

Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC khẩn trương đẩy mạnh việc tập huấn phương pháp nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT khẩn trương kiểm soát, phát hiện và xử lý việc quảng bá, mua bán, lôi kéo thiếu niên, học sinh sử dụng ma túy, các chất hướng thần, nhất là qua mạng xã hội; chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT… tăng cường tuyên truyền về tác hại của các chất ma túy, chất hướng thần, nhất là đối với thiếu niên, học sinh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em và thực hiện quyền trẻ em; thông tin kịp thời, đầy đủ cho các đơn vị thông tin truyền thông về các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

T.SƯƠNG

Nói "nựng" là sự cùng đường của kẻ dâm ô

Chiều qua 4.4, trao đổi với Văn Hóa về việc bảo vệ quyền lợi của bé gái bị đối tượng là người từng công tác trong ngành kiểm sát sàm sỡ, gây phẫn nộ trong dư luận những ngày qua, bà Trần Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng Cơ quan Thường trực phía Nam Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam khẳng định, sẽ theo dõi và giám sát sát sao kết quả xử lý của cơ quan chức năng để bảo vệ và đảm bảo sự công bằng cho nạn nhân.

Đối tượng sàm sỡ bé gái được xác định tên Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958), nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng đã nghỉ hưu. Theo điều tra sơ bộ, tối ngày 1.4, ông Linh vào thang máy chung cư để lên tầng 15 thăm người thân sinh sống tại chung cư, đi vào thang máy cùng lúc với bé gái. Sau đó, đối tượng có hành vi ôm hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy.

Tại cơ quan công an, ông Linh thừa nhận mình chính làngười trong clip, nhưng phủ nhận việc sàm sỡ bé gái và cho rằng chỉ “nựng” cháu bé. Trao đổi với Văn Hóa, bà Trần ThịThu Hà, Chánh Văn phòng Cơ quan Thường trực phía Nam Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam khẳng định, Hội sẽ theo dõi và giám sát sát sao kết quả xử lý của cơ quan chức năng để bảo vệ và đảm bảo sự công bằng cho nạn nhân. Nếu kết quả xử lý của cơ quan chức năng không thỏa đáng thì Hội sẽ có văn bản kiến nghị các cấp vàcơ quan liên quan xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Theo bà Hà, không thể chấp nhận cho lời “ngụy biện” của một người từng làm trong ngành kiểm sát như thế được. Bởi ông Linh này không quen biết, càng không phải làngười thân của bé gái thì tuyệt đối không được phép đụng chạm vào cơ thể, nhất là những vùng nhạy cảm của trẻ em. Đối với nước ngoài, người ta nghiêm cấm chuyện này. Vì thế, nói “nựng” là sự cùng đường của kẻ dâm ô.

HOÀNG QUÂN

 “Tại sao nựng trẻ em lạ bằng cách như thế?”

Liên quan đến vụ việc em bé học sinh lớp 2 bị nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng sàm sỡ trong thang máy ở TP. HCM có dấu hiệu dâm ô, ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, “nói những hành vi bị ghi hình như trong clip là “nựng” chính là ngụy biện. Nếu gọi đó là nựng thì tại sao anh ta vào thang máy mới nựng, tại sao chờ thang máy đóng cửa mới nựng, tại sao anh ta “nựng” trẻ em lạ bằng cách như thế?”.

Cho rằng đó là những hành vi dâm ô trẻ em, ông Nam cho biết, dâm ô với trẻ em dưới 10 tuổi là tình tiết càng tăng nặng. Đồng thời luật pháp bình đẳng với tất cả mọi người, dù người phạm tội là ai. Riêng hành vi dâm ô trẻ thì dù gia đình không tố cáo, muốn giải quyết hoà giải cũng không được vì dâm ô trẻ em là tội danh không được bãi nại, đã được quy định trong Luật.

Về việc không tố giác kẻ sàm sỡcon gái mình của gia đình bé, nhiều người cho rằng đây là hành động khó hiểu vì cần phải đấu tranh quyết liệt với những hành vi sai trái, và đối tượng phạm tội cần phải trả giá. Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững đánh giá: Họ là người trong cuộc và đó là quyết định chính đáng để bảo vệ quyền riêng tư của gia đình, cũng như quyền trẻ em của con gái mình. “Dù vậy, hành vi của người đàn ông trong thang máy là những bằng chứng dâm ô rõ ràng, nếu bị bỏ qua thì khó chấp nhận. Và với những bằng chứng này thì không cần gia đình trực tiếp tố cáo mà chỉ cần một đơn vị, hoặc tổ chức bảo vệ trẻ em đứng ra tố cáo để vụ việc không bị “chìm xuồng”, bà Linh nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ, ở nước ngoài với đối tượng xâm hại trẻ em, cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn và cách ly khỏi xã hội ngay lập tức. Còn ở Việt Nam, trong phiên họp mới đây của Ủy ban Bảo vệ trẻ em cũng đã có nhiều ý kiến kiến nghị rà soát lại quy trình tư pháp đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, có như vậy mới đáp ứng được công tác phòng chống, tố giác, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em.

QUỲNH HOA

THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top