Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thiếu bản sắc, kiến trúc nông thôn đang dần mai một: Giới KTS đang ở đâu?

Thứ Hai 08/04/2019 | 09:36 GMT+7

VHO- Thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” là cuộc thi đang thu hút sự tham gia của đông đảo kiến trúc sư (KTS) toàn quốc, hứa hẹn sẽ tìm ra những tác phẩm xuất sắc góp phần cho sự phát triển nông thôn Việt Nam.

 Sức ép đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề đối với kiến trúc nông thôn Ảnh minh họa

Ngày 17.4, Hội đồng Giám khảo sẽ lựa chọn top 40 tác phẩm xuất sắc tham gia vòng bình chọn. Dự kiến những tác phẩm này sẽ được triển lãm tại Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ VIII tại Bà Rịa – Vũng Tàu (từ ngày 18 -21.4).

Giới nghề cảnh báo

Một trong những mục tiêu của cuộc thi “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” là thu hút sự vào cuộc của nhiều giới, ngành. Theo đó, để người nông dân hiểu về vùng đất, ngôi nhà và cùng sáng tạo không gian cho mình, các KTS có hoạt động thực tế, trải nghiệm nhiều hơn và có trách nhiệm hơn với xã hội, với cộng đồng.

Theo GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, TBT Tạp chí Kiến trúc, sự phát triển thiếu bản sắc của kiến trúc, nhà ở đang là một thực tế đáng buồn. Trong khi giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa phần lớn bắt nguồn từ nông thôn, nếu bị mai một thì nền kiến trúc nông thôn khó nhận diện. Người nông dân Việt Nam đang có những thay đổi về phương thức sản xuất, không còn gắn bó nhiều với đồng ruộng mà đổi dần sang các ngành dịch vụ công nghiệp khác. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong không gian sống, điều kiện sống của dân cư nông thôn, văn hóa ở có xu hướng giao thoa giữa các vùng miền và cả trên thế giới.

“Sự thay đổi đó cần có cơ sở, bám theo những vấn đề “cốt lõi” của kiến trúc địa phương chứ không đơn giản là phá đi và đặt một công trình hoành tráng, hiện đại vào khu đất nông thôn. Việc này sẽ làm mất đi bản sắc riêng của vùng miền, thay đổi không bám vào yếu tố cốt lõi sẽ dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch nông thôn...”, KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh. KTS Nguyễn Thu Phong, Chủ nhiệm CLB KTS Trẻ toàn quốc cũng cho rằng, người dân nông thôn đang phải đi cóp nhặt các mẫu nhà về xây cho nhà mình, hoặc có những suy nghĩ sai lầm khi xây dựng nhà của người dân dẫn đến quy hoạch vùng nông thôn bị phá vỡ bản sắc vốn có.

 Biệt thự “siêu khủng” giữa vùng quê xã Giao Phong (Giao Thủy – Nam Định) có bàn tay của KTS nổi tiếng

Giới nghề kiến trúc cảnh báo, khó nhận diện, thiếu bản sắc thực sự là một mối lo đối với kiến trúc nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cuộc thi “Chung tay kiến tạo nông thôn Việt Nam” được hi vọng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề của nông thôn hiện đại một cách đơn giản nhất. Thực tế, nhà ở nông thôn thường do người dân tự xây dựng và kéo dài theo nhiều giai đoạn. “Tâm lý cần bản thiết kế nghiêm túc của người dân không hề phổ biến. Việc KTS thiết kế nhà ở nông thôn chưa chắc đã áp dụng được vào thực tế. Người dân hiện nay rất thích “bắt chước” những ngôi nhà ở đâu đó, cóp nhặt mỗi nơi một chút rồi đem về nhà mình chứ không phải thiết kế trọn bộ với bản vẽ đồng nhất...”, KTS Nguyễn Quốc Thông cho biết.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của giới nghề

KTS Nguyễn Quốc Thông cũng cho rằng, điều người dân cần hơn cả hiện nay là những lời khuyên của KTS, giúp họ lựa chọn những mẫu thiết kế phù hợp với nơi chốn, bối cảnh cụ thể của từng vùng miền. Điều này sẽ giúp người dân hiểu cách lựa chọn nhà ở đầy đủ công năng mà vẫn đáp ứng được thẩm mỹ, phù hợp cảnh quan nông thôn. “Hội KTS Việt Nam phải là đơn vị tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát động và tuyên truyền những ý tưởng khả thi đến với người dân”, ông nói.

KTS Nguyễn Thu Phong thì lưu ý, hiện trạng của nhà ở nông thôn Việt Nam hiện đang là những thách thức đòi hỏi các KTS trẻ nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp thiết kế, vật liệu địa phương, góp phần giảm thiểu chi phí xây dựng nhà cho người dân nông thôn. Bên cạnh đó, bài toán đặt ra còn là cần tìm hiểu người dân, thói quen sinh hoạt và nguyện vọng của họ để tạo ra được những sản phẩm thiết kế hợp lý, tiết kiệm và không xa vời với thực tế xây dựng của dân cư.

 Kiến trúc truyền thống nhà ở nông thôn đang dần "tan vụn" trong dòng chảy đô thị hóa, còn giới KTS vẫn đang thi thiết kế để "cứu vãn" theo hướng "còn nước còn tát". Trong ảnh: Một "khu đô thị" ở một vùng nông thôn Bắc Bộ

Là người dành nhiều năm nghiên cứu và thiết kế nhà ở nông thôn, KTS Nguyễn Văn Tất đã có nhiều Giải thưởng Kiến trúc quốc tế với đồ án kiến trúc nhà ở nông thôn ngay từ khi còn là sinh viên. Ông bày tỏ lo ngại khi cảnh quan nông thôn đang bị “xâm lấn” bởi kiến trúc hiện đại của đô thị. “Nhà ở điển hình nông thôn là một thách thức lớn. Vì là nhà đơn lẻ nên sự đa dạng của nhu cầu mỗi gia đình nông dân vô cùng lớn, lại thay đổi theo sự lớn lên của từng gia đình. Ngôi nhà nông thôn truyền thống Việt Nam không đơn thuần là một chỗ ở mà là tài sản vật chất lẫn tinh thần của mỗi gia đình, được tích luỹ và hình thành trong thời gian dài, có khi từng bước một và nở dần ra...”, theo KTS Nguyễn Văn Tất.

PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi cũng lưu ý, phải hiểu sâu sắc văn hóa nông thôn mới có thể tạo ra thiết kế dành cho người dân địa phương. Bởi thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn là chủ đề khó, để sáng tạo được không gian nhà ở nông thôn theo hướng hiện đại mà vẫn đảm bảo kế thừa các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống thì buộc người thiết kế phải am hiểu sâu sắc về nền văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người dân địa phương. “Vì vậy, phải những người rất yêu nông thôn, yêu những giá trị truyền thống hàng ngàn năm cha ông tích lũy mới có thể sáng tạo nên những không gian nhà ở nông thôn có giá trị...”, KTS Nguyễn Đình Thi nói.

Bày tỏ mong muốn sau cuộc thi sẽ có nhiều giải pháp áp dụng vào thực tế là chia sẻ của KTS Nguyễn Luận. Ông nêu quan điểm, văn hóa vùng miền luôn quyết định nhận thức, phương pháp thiết kế nói chung và nhà ở nông thôn nói riêng. Cũng nhìn nhận ở khía cạnh tác động của văn hóa ở hiện đại đến tư duy thiết kế của KTS.KS Trịnh Anh Đức cho rằng, KTS bây giờ ngày càng chú trọng nhiều vào thiết kế không gian “mở”, dễ dàng kết nối với các không gian xung quanh, có tính linh hoạt, phù hợp với nhịp sống hiện đại. Không gian sống hiện đại cần tính đến việc tích hợp các phương tiện, trang thiết bị để giúp cải thiện chất lượng sống và làm việc của người dân, qua đó thu hẹp khoảng cách chất lượng sống giữa thành thị và nông thôn.

Ở một góc độ khác chúng tôi nhận thấy rằng, không gian, cảnh quan môi trường, sinh thái và nhất là diện mạo kiến trúc nhà nông thôn hiện nay đang bị “méo mó”, xô lệch, thậm chí xuất hiện nhan nhản những ngôi nhà với kiểu dáng chóp “củ hành, củ tỏi”… là cũng có phần trách nhiệm của giới KTS. Nói cách khác, trong một thời gian khá dài giới KTS dường như bỏ quên “thị phần” nông thôn để rồi nơi đây muốn xây kiểu gì cũng được dẫn đến “nông thôn hóa thành thị”. Và trong một chừng mực nào đó, không ít KTS còn “tiếp tay” cho người dân vùng nông thôn làm tan biến đi những giá trị kiến trúc truyền thống… sau lũy tre làng. Bởi vậy, qua cuộc thi này nên chăng giới KTS cũng cần xem lại trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy kiến trúc truyền thống ở vùng nông thôn.

  … Phải những người rất yêu nông thôn, yêu những giá trị truyền thống hàng ngàn năm cha ông tích lũy mới có thể sáng tạo nên những không gian nhà ở nông thôn có giá trị...

(KTS Nguyễn Đình Thi)

 

  Không gian, cảnh quan môi trường, sinh thái và nhất là diện mạo kiến trúc nhà nông thôn hiện nay đang bị “méo mó”, xô lệch, thậm chí xuất hiện nhan nhản những ngôi nhà với kiểu dáng chóp “củ hành, củ tỏi”… là cũng có phần trách nhiệm của giới KTS. Nói cách khác, trong một thời gian khá dài giới KTS dường như bỏ quên “thị phần” nông thôn để rồi nơi đây muốn xây kiểu gì cũng được dẫn đến “nông thôn hóa thành thị”. Và trong một chừng mực nào đó, không ít KTS còn “tiếp tay” cho người dân vùng nông thôn làm tan biến đi những giá trị kiến trúc truyền thống… sau lũy tre làng.

 

 ANH THU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top