Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thường trực Chính phủ bàn về 2 nghị định gỡ vướng cho kinh tế

Thứ Sáu 12/04/2019 | 10:05 GMT+7

VHO-Ngày 11.4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT và dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

 Trước khi trình Thường trực Chính phủ, dự thảo Nghị định về thanh toán dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) đã trải qua một số cuộc họp, nhiều lần lấy ý kiến bởi đây là vấn đề khó, có những quy định chồng chéo từ nhiều luật, trong khi thực tiễn rất phong phú, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm quy định chặt chẽ để chống thất thoát, lãng phí tài sản công. Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá và việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất. Vướng mắc lớn hiện nay là quan điểm đấu giá đất hay thanh toán ngang giá.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Ảnh: Q.HIẾU

Việc thực hiện thanh toán ngang giá được UBND cấp tỉnh, thành phố xác định theo 5 phương pháp theo Nghị định 44 về giá đất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá đất chưa sát thị trường, gây thất thoát tài sản công. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, nếu đấu giá đất thì tiền thu được phải đưa vào ngân sách để đầu tư theo Luật Đầu tư công, như vậy hình thức BT không còn tồn tại.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện Nghị định với tinh thần bảo đảm tính thực tiễn để đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhấn mạnh Nghị định phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước, Thủ tướng nêu rõ cần sớm ban hành Nghị định này với quy trình đầu tư BT rõ ràng hơn, có sự giám sát tốt hơn. Cho rằng các địa phương đang mong chờ văn bản này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải theo nguyên tắc thị trường và chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ thảo luận, xem xét dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Kể từ ngày 1.1.2019, Luật Quy hoạch và 52 luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành. Theo Bộ KH&ĐT, trong thời gian chưa có quy hoạch, các Bộ, ngành, địa phương gặp phải một số khó khăn, vướng mắc chính trong việc thực hiện chuyển tiếp đối với các quy hoạch như một số quy hoạch dự kiến thuộc Danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Một số quy hoạch ngành quốc gia trước đây được quy định ở luật chuyên ngành nhưng hiện nay quy định của các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực kể từ ngày 1.1.2019 và phải thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch. Do đó, việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này không thể thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đã hết hiệu lực.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong hệ thống quy hoạch quốc gia (chủ yếu là quy hoạch cấp quốc gia như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành quốc gia) thì tiếp tục thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, cần phải điều chỉnh các quy hoạch cho phù họp với thực tiễn thì thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật chuyên ngành hiện hành liên quan.

Bộ KH&ĐT cho rằng nội dung dự thảo Nghị định đến nay đã cơ bản hoàn thiện. Do vậy, cần sớm ban hành Nghị định để các Bộ ngành, địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030. Sự chậm trễ trong việc ban hành Nghị định làm ảnh hưởng đến việc ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí hoạt động quy hoạch, đồng thời làm ảnh hưởng lớn đến công tác lập quy hoạch cho thời kỳ quy hoạch mới.

Nhấn mạnh sự cần thiết của Luật Quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những vấn đề liên quan đến hạ tầng cứng về kinh tế, thậm chí có hạ tầng cứng về xã hội, bị vướng mắc do khái niệm về quy hoạch quốc gia tích hợp còn nhiều vấn đề phức tạp. Thủ tướng đề nghị ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch về những điểm không bị vướng mắc lớn trên tinh thần dự thảo Nghị định sẽ không quy định nội dung chuyển tiếp đối với các quy hoạch quy định ở Điều 59 Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, cái gì còn vướng mắc, không thể thực hiện được, do luật pháp, do tính phức tạp của tích hợp, thì Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội xin chậm lại. 

 Sẽ làm sạch một đoạn sông Tô lch

Chiều qua 11.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do TS Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản dẫn đầu. Tại buổi tiếp, TS Tadashi Yamamura cho biết, phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông này. Đây là công nghệ bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh. Với công nghệ này, chỉ sau 3 ngày thì mùi sẽ giảm nhiều. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano, sử dụng vật liệu thiên nhiên... Ông cũng cho biết, phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề nghị này; hy vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải.

Đánh giá cao công nghệ của phía Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng, quan hệ phát triển mạnh mẽ, tin cậy trên nhiều lĩnh vực, do đó, đây là lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng. Về đề nghị tài trợ miễn phí thí điểm xử lý ô nhiễm nước một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ mới, Thủ tướng hoan nghênh đề xuất này, cho rằng, đây là một ý tưởng tốt, nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc; đánh giá cao việc các bạn Nhật Bản đã vận động nguồn kinh phí để thực hiện công việc này từ nguồn xã hội hóa.

T.S

 

P.V-V.DƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top