Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW: Chủ động nắm bắt những xu hướng mới để kịp thời định hướng

Thứ Sáu 12/04/2019 | 10:28 GMT+7

VHO- Đây là yêu cầu đặt ra tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo TƯ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/ TW về xây dựng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với Bộ VHTTDL ngày 10.4 tại Hà Nội. 

Chủ trì buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Trưởng BCĐ Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó BCĐ. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ cùng các thành viên BCĐ. Về phía Bộ VHTTDL có Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các Thứ trưởng Lê Quang Tùng, Trịnh Thị Thủy, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ. 

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc 

Cần sự nghiên cứu trước những xu hướng văn hóa mới 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VHTTDL trong chuẩn bị nội dung sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (Nghị quyết 33). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL đóng vai trò quan trọng trong triển khai Nghị quyết. Thời gian tới, Bộ cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để làm rõ các vấn đề, đặc biệt là nhận diện những điểm mới từ góc độ xây dựng văn hóa, con người. 
Theo Phó Thủ tướng, Bộ VHTTDL cần nghiên cứu, thể hiện rõ thực trạng đời sống văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn hiện nay, những kết quả và thách thức cần tập trung giải quyết. Cần có sự đánh giá cụ thể sau 5 năm thực hiện Nghị quyết. Mặc dù nhiều mảng trong văn hóa khó lượng hóa, song không phải không có những lĩnh vực có thể lượng hóa cụ thể được. “Muốn thực hiện tốt công tác này ngoài thay đổi nhận thức, cần chuyển đổi cả tư duy và cách làm...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện có nhiều trào lưu văn hóa mới mà nếu chỉ nghe qua và không nghiên cứu cẩn thận sẽ dễ dẫn đến tư tưởng bài xích. Người làm văn hóa cần chủ động nắm bắt tâm tư, đời sống của giới trẻ để kịp thời có định hướng đúng đắn. Bên cạnh đó là thực trạng một số phong trào văn hóa sau một thời gian đã trở nên hình thức, mang tính khẩu hiệu. Nhiều tiêu chuẩn hướng dẫn từ trên xuống mang tính cào bằng và không còn phù hợp. Đây là những vấn đề cần nêu rõ, qua đó để nhận diện, chỉ đạo thực hiện đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới. 

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ VHTTDL đóng vai trò quan trọng trong triển khai Nghị quyết 

Văn hóa đã ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội chưa? 
Khẳng định việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam có vị trí quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao vai trò của Bộ VHTTDL trong triển khai thực hiện Nghị quyết 33 thời gian qua. “Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển. Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực trong quán triệt Nghị quyết, tham mưu Chính phủ ban hành những quy định pháp luật, tổ chức thực hiện Nghị quyết và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng bền vững đất nước, còn nhiều vấn đề đòi hỏi Bộ cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn...”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. 
Đặt câu hỏi, văn hóa đã được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội chưa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, đây là vấn đề không chỉ riêng ngành VHTTDL. Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề chung, cần sự nỗ lực của toàn xã hội thì ở góc độ của mình, Bộ VHTTDL cũng cần cố gắng hơn nữa trong công tác quản lý, định hướng kịp thời ở một số lĩnh vực như nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động văn hóa, văn nghệ. Một số vấn đề cần có sự đánh giá, nghiên cứu sâu hơn như hoạt động lễ hội truyền thống; tình trạng xâm hại di sản văn hóa; xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật... 
“Có một thực tế hiện nay là dù lượng tác giả, tác phẩm được xuất bản nhiều hơn nhưng lại luôn thiếu tác phẩm lớn xứng tầm. Nhiều tác phẩm văn học đi sâu khai thác tình cảm cá nhân, vốn sống hạn hẹp, không có cảm xúc thời đại. Hoặc trong công nghiệp điện ảnh, dù thực tế có nhiều đơn vị làm phim hơn, số lượng tác phẩm điện ảnh mỗi năm ra đời lớn nhưng điện ảnh nước nhà vẫn thiếu những phim tốt. Những vấn đề cụ thể như vậy cần được làm rõ nguyên nhân và giải pháp...”, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh. 
Đồng quan điểm cho rằng Bộ VHTTDL cần nghiên cứu những vấn đề, hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống văn hóa để hỗ trợ định hướng, ông Võ Văn Thưởng nêu ví dụ, có những ca sĩ trẻ chỉ cần phát hành một tác phẩm mới lập tức thu hút rất nhiều lượng người xem? Vì sao lại như vậy? Những hiện tượng đó nói lên điều gì trong đời sống văn hóa của giới trẻ hiện nay? 

 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại cuộc làm việc 

Tập trung hơn nữa trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện 
Trưởng BCĐ Võ Văn Thưởng lưu ý thêm, nhiều ý kiến của BCĐ cũng đã đặt ra những vấn đề tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho báo cáo của Bộ VHTTDL, góp phần cùng BCĐ chuẩn bị Đề án tốt trình Ban Bí thư chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33. 
Cho biết công tác quán triệt, truyên truyền thực hiện Nghị quyết 33 đã được Bộ VHTTDL triển khai sâu rộng trong 5 năm qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Bộ đã có nhiều hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết, trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, bên cạnh đó là các nhiệm vụ như xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... 
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, trong lĩnh vực then chốt của văn hóa là tư tưởng, đạo đức, lối sống, thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực. TDTT quần chúng tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, hình thành và bồi dưỡng các phẩm chất, nhân cách con người. Văn học nghệ thuật đã phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, lên án cái xấu, cái ác, sự thoái hóa, biến chất về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội... 
Bên cạnh đó, còn tồn tại một số hạn chế như đời sống văn hóa ở một số nơi còn nghèo nàn; nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp; kinh phí đầu tư cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật hạn hẹp khiến các đơn vị gặp khó khăn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. 
Trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 33 trong thời gian tới, dự thảo báo cáo của Bộ VHTTDL nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế. Tập trung đổi mới, phát triển một số lĩnh vực ưu tiên để phát triển văn hóa, xây dựng con người... 
Một số ý kiến của các thành viên BCĐ lưu ý, Bộ VHTTDL cần làm rõ hơn những nội dung cụ thể để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, bên cạnh những định hướng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện mà Bộ đưa ra, cần bổ sung thêm phẩm chất “xây dựng con người Việt Nam yêu nước”. Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần chú trọng hơn nữa vấn đề phát triển và nâng cao nguồn lực cho ngành văn hóa. Vấn đề bố trí cán bộ đủ năng lực ở một số nơi còn chất lượng chưa cao, phần nào tác động đến hiệu quả hoạt động chuyên môn của ngành. 
Nhấn mạnh vai trò của ngành trong đưa ra các định hướng xây dựng giá trị chuẩn mực về ứng xử văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng, ngành văn hóa cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong xã hội về những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi những hiện tượng, hành vi lệch chuẩn. 
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đề cập đến khó khăn lớn nhất mà ngành văn hóa đang đối diện là sự thu hẹp về nguồn lực, dẫn đến nhiều thách thức cho sự tồn tại của các ngành nghệ thuật truyền thống. Trong khi có những show diễn ca nhạc bán vé cả chục triệu đồng vẫn thu hút thì sân khấu truyền thống ở nhiều nơi lại không có người xem. Trước thực trạng này, ông Hữu Thỉnh cho rằng, cần đề nghị tăng nguồn đầu tư cho văn hóa, trong đó có đầu tư cho phát triển nghệ thuật truyền thống. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian qua Bộ đã tích cực chuẩn bị các nội dung liên quan đến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33. Bộ đã dự thảo hai báo cáo về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33. Theo Bộ trưởng, sau buổi làm việc, tiếp thu ý kiến của các thành viên BCĐ, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, góp phần cùng BCĐ chuẩn bị nội dung chất lượng tốt trình Ban Bí thư phục vụ công tác chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33. 

 Có một thực tế hiện nay là dù lượng tác giả, tác phẩm được xuất bản nhiều hơn nhưng lại luôn thiếu tác phẩm lớn xứng tầm. Nhiều tác phẩm văn học đi sâu khai thác tình cảm cá nhân, vốn sống hạn hẹp, không có cảm xúc thời đại. Hoặc trong công nghiệp điện ảnh, dù thực tế có nhiều đơn vị làm phim hơn, số lượng tác phẩm điện ảnh mỗi năm ra đời lớn nhưng điện ảnh nước nhà vẫn thiếu những phim tốt. Những vấn đề cụ thể như vậy cần được làm rõ nguyên nhân và giải pháp... 

(Trưởng Ban Chỉ đạo Võ Văn Thưởng)

 

 BẢO ANH; ảnh: TRẦN HUẤN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top