Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khánh thành Quốc môn cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai):  Sẽ là điểm tham quan lý tưởng

Thứ Hai 15/04/2019 | 10:30 GMT+7

VHO- Sau 3 năm triển khai xây dựng, công trình Quốc môn (Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh) với lối kiến trúc hiện đại kết hợp nét văn hóa nhà rông Tây Nguyên đã hoàn thành trong niềm vui và mong đợi của đông đảo nhân dân trong vùng. 

Toàn cảnh công trình Quốc môn cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Đức Cơ (Gia Lai) 

Quốc môn giờ đây không chỉ là một công trình kiến trúc văn hóa, mà còn là biểu trưng gắn liền với sự phát triển, đoàn kết giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia. 
Tạo thêm động lực phát triển kinh tế 
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh gồm các xã Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Nơi đây hội đủ các điều kiện cho sự hình thành khu phức hợp phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp... từng bước trở thành đô thị biên giới. Sự phát triển tại vùng biên giới Đức Cơ có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến quá trình phát triển của tỉnh Gia Lai cả về văn hóa, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh; đồng thời kết nối các hoạt động kinh tế của tỉnh, vùng Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ với các tỉnh đông bắc Campuchia. 
Nhiều năm qua, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của tỉnh. Để khu vực biên giới phát triển, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm gắn với đa dạng về các hoạt động giao thương, xuất - nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa… Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Gia Lai đã đề ra các mục tiêu quan trọng, kêu gọi sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, các doanh nghiệp trong cả nước; có sự hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh trong đầu tư, xây dựng hạ tầng tại khu vực biên giới. Chính vì vậy, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh dần thay đổi bộ mặt với nhiều công trình, cơ sở kinh doanh được hình thành. Trong đó, công trình Quốc môn và một số hạng mục hạ tầng quan trọng được Chính phủ phê duyệt đầu tư, tạo thêm động lực phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. 

Dự án Quốc môn và một số hạng mục hạ tầng là một trong những dự án quan trọng ưu tiên đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đây là dự án hết sức quan trọng phục vụ hoạt động về ngoại giao, phương tiện qua lại tại khu vực cửa khẩu. Công trình Quốc môn tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện độc lập dân tộc và là biểu tượng tình hữu nghị, đoàn kết với nước bạn Campuchia. 
Ngoài các công trình hạ tầng thiết yếu, điểm đặc biệt và được xem là biểu trưng tại khu vực cửa khẩu là công trình Quốc môn được thiết kế cách điệu theo biểu tượng nhà rông Tây Nguyên. Tổng thể công trình Quốc môn có chiều dài 46m; chiều rộng 18m; chiều cao 33m. Móng cọc, kết cấu khung, sàn mái được thi công hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, riêng dầm ngang cổng là kết cấu dàn thép ốp tấm bê tông cốt sợi thủy tinh (dàn thép có chiều dài 31,5m; chiều rộng 4,27m; chiều cao 2,7 - 4,1m), toàn bộ dầm ngang và các trụ cổng được hoàn thiện sơn giả đá; Bố trí tảng đá tự nhiên khắc chữ, cột cờ xung quanh khu vực Quốc môn; Hệ thống cầu thang bộ, thang máy, hệ thống điện, chống sét được đầu tư hoàn chỉnh. 
Công trình ấn tượng đón chào du khách quốc tế 
Tổng thể dự án chính thức được khởi công xây dựng năm 2016. Trong quá trình thi công, trực tiếp Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã xem xét và nhận thấy cần sự thay đổi về diện mạo công trình mang ý nghĩa to lớn của khu vực Tây Nguyên, qua đó Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã chỉ đạo điều chỉnh một số chi tiết của Quốc môn, trong đó có phần hình dáng cổng nên thiết kế từ trụ thẳng được điều chỉnh theo dáng nhà rông - nét đặc thù kiến trúc nhà rông Tây Nguyên. 
Để đáp ứng yêu cầu thay đổi diện mạo, tôn lên vẻ đẹp của công trình cửa ngõ Tổ quốc, công trình Quốc môn được điều chỉnh 3 lần, lần điều chỉnh đầu tiên là tháng 12.2016 khi dầm ngang được vuốt cong cách điệu của mái nhà rông; thay đổi biểu tượng tại vị trí đặt Quốc huy từ hình dáng hoa sen bằng biểu tượng dân tộc Tây Nguyên; đồng thời bổ sung thang máy và thang bộ ở 2 bên trụ cổng để phục vụ những du khách có mong muốn được lên đỉnh Quốc môn quan sát hết khu vực cửa khẩu từ trên cao. 

Với sự thay đổi lớn, đòi hỏi cần có sự can thiệp, tính toán chi tiết về kết cấu, tính vững chãi của công trình mang tầm quốc gia, đáp ứng yêu cầu trên, nhiều đơn vị thiết kế, xây dựng, tư vấn, giám sát có uy tín trong cả nước được mời tham gia và đưa ra các kết quả chính xác nhất. Đến tháng 9.2018, sau khi thống nhất các phương án thi công, công trình Quốc môn tiếp tục được triển khai... Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, song bằng quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan, công trình Quốc môn cùng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật hoàn thành đáp ứng được mục tiêu của dự án đặt ra. 
Từ việc thay đổi kết cấu, đòi hỏi sự tính toán từ chi tiết đến tổng thể để công trình an toàn, bền vững và hài hòa. Riêng phần cong của trụ chính, đơn vị thi công phải đổ bê tông từng mét một với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại được chuyển từ Hà Nội vào. 
Bên cạnh việc thi công, phía chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế Gia Lai cùng với đơn vị thực hiện dự án là Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế Gia Lai thường xuyên phối hợp, theo dõi, góp phần đảm bảo cho toàn bộ các hạng mục công trình từ thời điểm thi công đến lúc hoàn thành. 
Ông Phạm Văn Binh, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai, Trưởng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - Đức Cơ cho biết: Hạng mục Quốc môn được thiết kế kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật. Với vị trí nằm gần cột mốc 30, cửa ngõ Tổ quốc được thiết kế với ý tưởng cách điệu “Nhà rông Tây nguyên” - nguồn cảm hứng vô bờ bến trong sử thi, thi ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là một biểu tượng trong kiến trúc truyền thống cả về hình thức và kỹ thuật lắp dựng. Có sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng thiết kế và vật liệu hiện đại, công trình sử dụng vật liệu bê tông cốt thép, hệ dầm ngang bằng thép, tấm ốp bê tông sợi thủy tinh, bố trí thang bộ, thang máy phục vụ tham quan. Công trình sẽ là một biểu tượng, là điểm tham quan lý tưởng cho du khách, đón chào bạn bè quốc tế khi đến với vùng biên giới Đức Cơ - Gia Lai. 

 Hạng mục Quốc môn được thiết kế kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật. Với vị trí nằm gần cột mốc 30, cửa ngõ Tổ quốc được thiết kế với ý tưởng cách điệu “Nhà rông Tây nguyên” - nguồn cảm hứng vô bờ bến trong sử thi, thi ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là một biểu tượng trong kiến trúc truyền thống cả về hình thức và kỹ thuật lắp dựng. 
(Ông Phạm Văn Binh, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai, Trưởng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - Đức Cơ) 

 

 NGUYỄN GIÁC 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top