Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cộng đồng sẽ quyết định sức hấp dẫn du lịch

Thứ Hai 15/04/2019 | 10:44 GMT+7

VHO- Như Văn Hóa điện tử đã đưa tin, nằm trong khuôn khổ của Ngày hội Du lịch TP.HCM 2019, Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam đã được tổ chức với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế trọng điểm”. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương trọng điểm về du lịch cùng các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước. 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Ảnh: Quang Hiếu 

 Theo thống kê của TCDL, mỗi năm toàn ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng sinh viên ra trường chỉ có khoảng 15.000 người. 
“Khát” nhân lực lành nghề 
Đáng nói hơn, chỉ có khoảng 12% trong số sinh viên ra trường có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước (chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước) chỉ có 42% lao động được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng ngành du lịch đang rất “khát” nhân lực lành nghề. Tính riêng tại TP.HCM hiện có trên 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, toàn thành phố hiện có 1.380 doanh nghiệp lữ hành, hơn 3.000 cơ sở lưu trú du lịch, hằng năm thành phố đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này liên tục tăng qua các năm. Thế nhưng chất lượng hướng dẫn viên của thành phố có tới 30-45% không đạt chuẩn ngoại ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ: Nhật Bản, Tây Ban Nha, Nga… Trong khi thị trường khách quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau tăng đều qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên lại không tương xứng. 
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận, lực cản khá lớn của du lịch thành phố hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, mặc dù có nhiều cơ sở đào tạo nhân lực, nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, du lịch hiện là một trong chín ngành dịch vụ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của thành phố. 
GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen nhận định, nhu cầu sử dụng nhân lực du lịch đang phát triển như vũ bão, chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Trường ĐH Hoa Sen thường xuyên nhận được đơn đặt hàng từ các tập đoàn lớn về việc hợp tác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực du lịch, thậm chí các doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP.HCM cũng liên hệ… vì trên thị trường đang rất thiếu lao động lành nghề. 

Du lịch Việt Nam đang “khát” lao động lành nghề 

Tập trung lực lượng lao động tại chỗ 
Hiện cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch từ trình độ sơ cấp đến đại học. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, quy mô tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, hệ thống giáo trình chưa phù hợp với thực tiễn, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao, liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp thiếu đồng bộ, các chính sách về thuế và ưu đãi đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực chưa thực sự phù hợp… 
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đánh giá, cơ sở đào tạo cần nắm được nhu cầu của doanh nghiệp để đào tạo sát với thực tế, đồng thời phù hợp các tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch ASEAN, EU (VTOS). Trong đó, chú trọng đến các chương trình tập sự nghề nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ và những kỹ năng mềm cho người học. Bên cạnh công tác đào tạo, doanh nghiệp cũng cần kiến tạo môi trường văn hóa doanh nghiệp để nguồn nhân lực có điều kiện phát huy hết khả năng nghề nghiệp của mình trong thực tiễn nghề nghiệp. 
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trường “mọc” lên như nấm, khoa, ngành đào tạo ngày càng nhiều mà vẫn thiếu lực lượng lao động lành nghề thì các Bộ, ngành liên quan và địa phương , doanh nghiệp cần đưa ra lời giải cho các câu hỏi rằng, ngành du lịch có đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài, lao động có kỹ năng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế tham gia hay không? Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương đã làm gì để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? Chúng ta đã làm gì để du lịch tương xứng với hai chữ “mũi nhọn”? 
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, văn hóa ứng xử của chính người dân ảnh hưởng tồn vong đến sự phát triển của du lịch cộng đồng. Du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao là vì sức hấp dẫn của nền văn hóa dân tộc, sự hiếu khách của người dân bản địa, sự ứng xử có văn hóa, hành động nhân văn, nghĩa tình của từng người dân đối với du khách, chứ không phải vì nước ta xa hoa, nhiều nhà cao tầng… Vì thế, phải đặc biệt chú trọng đến nguồn nhân lực từ cộng đồng, phải làm cho mỗi người dân trở thành một “đại sứ” du lịch, và với đất nước 100 triệu dân thì nhất định chúng ta không thể thiếu nguồn nhân lực du lịch. Đây cũng chính là một trong những lực lượng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của du lịch cộng đồng chứ không chỉ có nhân lực từ trong trường lớp đi ra. Thủ tướng cũng lưu ý, trong thực hiện chương trình đột phá về nguồn nhân lực, đưa du lịch phát triển thành ngành kinh mũi nhọn, phải chú trọng thực hiện ba chữ “C”. Đó chính là con người, cơ sở hạ tầng, và chiến lược đúng hướng. 

  … Nguồn nhân lực du lịch không chỉ ở các công ty du lịch. Đó còn là người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Chính những cộng đồng, người dân này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. (Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC)

 HOÀNG HẢI 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top