Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Chông gai” khi… làm phim thiếu nhi

Thứ Sáu 19/04/2019 | 10:30 GMT+7

VHO- Thiếu nhi là những chủ nhân tương lai và các em cũng có những nhu cầu phim ảnh phản ánh đời sống sinh hoạt và tinh thần của chính mình. Thế nhưng mảng phim thiếu nhi quá mờ nhạt, vì sao?

 Thời kinh tế thị trường thật khó tìm phim thiếu nhi tại các rạp. Công bằng mà nói, không phải các nghệ sĩ điện ảnh không quan tâm tới mảng đề tài thiếu nhi này nhưng tâm tuy có song lực lại bất tòng. Lý do đầu tiên phải đựợc nói thẳng ra là tiến độ quá chậm trong khi lợi nhuận đầy phập phù.

 Phim “Mặt trời, con ở đâu?”, bộ phim thiếu nhi hiếm hoi của năm 2018

Phim thiếu nhi hẳn phải có nhân vật thiếu nhi và tất nhiên đạo diễn rất cần những diễn viên thiếu nhi. Thế nhưng diễn viên thiếu nhi lại chẳng được đào tạo trong khi làm phim người lớn, chuyện tìm và chọn diễn viên dễ hơn nhiều vì diễn viên người lớn đã qua đạo tạo và sẵn sàng thu xếp công việc để nhận lời miễn là catsê cao. Đối với đạo diễn và nhà sản xuất thì làm phim thiếu nhi đầy mạo hiểm với đầy những thách thức. Làm việc với các diễn viên nhí thích thật vì các em hết sức trong sáng, lại không bị rào cản kỹ thuật diễn xuất, tình cảm và phản ứng rất thật nhưng cũng đồng thời tạo nên gánh nặng khác cho các đạo diễn. Các em thường ngẫu hứng, thích thì tham gia, tham gia nửa chừng thấy nản thì thôi. Đặc biệt, việc quay phim bị chi phối bởi giờ giấc học tập và sức khỏe của các em cộng với tính thất thường của “trẻ con” nên khởi quay có thể có ngày ấn định nhưng kết thúc thật mờ mịt. Không ít đạo diễn khi phim đang quay gặp phải các em “bỗng nhiên không thích lên phim nữa” hoặc gia đình bắt về đã phải vò đầu bứt ta nghĩ đủ mọi cách từ dụ dỗ, năn nỉ đến đe nẹt để làm cho xong.

Mảng kịch bản phim thiếu nhi hiện rất thiếu các tác giả chuyên viết về các em và chính vì không chuyên sâu nên nhân vật thiếu nhi toàn nói câu của người lớn. Trong vô số các bộ phim dành cho thiếu nhi, khán giả thường xuyên bắt gặp những nhân vật trẻ con nhưng nói giọng bà già bởi lời thoại của chúng do tác giả áp đặt. Chính vì thế mà phim thiếu nhi nhưng chính khán giả thiếu nhi cũng chẳng hề hứng thú vì các em thấy phim dành cho mình nhưng hoàn toàn xa lạ với lứa tuổi mình. Các tác giả nếu định chuyên tâm viết kịch bản phim thiếu nhi lúc này cũng chùn tay vì nghĩ viết ra liệu có nơi sử dụng?

Nhìn ở góc độ xã hội học, các mảng đề tài khác của phim đều có khán giả riêng như có người thích phim hình sự, người khác thích phim tâm lý xã hội, nhưng phim thiếu nhi cho đến lúc này dường như không có khán giả riêng. Khi phim thiếu nhi ra mắt, khán giả mảng phim này lại là lực lượng khắt khe nhất. Có đạo diễn phải thốt lên: “Với bất cứ một bộ phim nào, thách thức được đặt ra là làm thế nào để thoả mãn được những khán giả hay thay đổi và đặc quyền không ai có thể cướp đi được của chúng là quyền được nói. Trên các diễn đàn các em có thể chê bai thoải mái, không cần biết sự cố gắng hay nỗ lực của nhà làm phim hay diễn viên. Làm phim thỏa mãn được những khán giả tinh ý, tinh quái đã thế còn hay xăm soi, đòi hỏi là điều không dễ”.

Các nhà đầu tư khi làm phim hẳn phải nghĩ đến lợi nhuận và với những chông gai trên thì mấy ai dám liều lĩnh bỏ vốn làm phim thiếu nhi. Thế là phim dành cho thiếu nhi đã quá ít càng trở nên hiếm hoi bởi từ nhà đầu tư đến tác giả, đạo diễn đều quá ít ai chịu làm phim dành riêng cho các em. Phim chiếu rạp dành cho thiếu nhi thì gần như không có. Ngày trước ở Hà Nội còn có rạp Kim Đồng chuyên chiếu phim thiếu nhi nay chả thấy ở thành phố nào trên cả nước có những rạp chiếu phim dạng này. Và thế là các khán giả Việt nam nhỏ tuổi chỉ có thể trông đợi vào vài ba bộ phim hoạt hình nước ngoài chiếu rạp mỗi năm và các bộ phim dành cho tuổi ô mai phát sóng tràn ngập trên các kênh truyền hình nước ngoài dành riêng cho thiếu nhi.

Quan tâm tới phim thiếu nhi không thể chỉ trông chờ vào các nhà đầu tư hay sự nhiệt tình của các nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh mà cần hơn tới sự quan tâm của các cơ quan quản lý. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong kịch mục của điện ảnh nước nhà cần được sự ủng hộ và đầu tư thỏa đáng vì tương lai thế hệ trẻ. 

LÊ QUÝ HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top