Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bia đang bị xem nhẹ trong quản lý

Thứ Tư 24/04/2019 | 10:44 GMT+7

VHO- Rượu và bia khi quy về nồng độ cồn nguyên chất thì có cơ chế gây tác hại như nhau. Đây là căn cứ để Bộ Y tế giữ nguyên quan điểm cần có cơ chế kiểm soát bia và rượu như nhau trong Dự thảo lần 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Một bệnh nhân tự gây tai nạn sau khi uống rượu, bia được cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não

Ngày 22.4, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo “Xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia” nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo lần 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội để cho ý kiến lần hai trong kỳ họp thứ VII của Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 5.2019.

Không thể nói bia không hại như rượu

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh hiện nay, hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống, trong đó chưa có quy định về hạn chế quảng cáo bia. Cùng một lượng cồn nguyên chất thì bia, rượu vang và rượu mạnh đều gây tác hại tương đương nhưng pháp luật hiện hành chỉ cấm quảng cáo rượu vang và rượu mạnh với độ cồn từ 15% trở lên; chưa có quy định về quảng cáo, tài trợ hoặc trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp rượu bia.

Theo số liệu thống kê, số lượng bia tiêu thụ của Việt Nam gia tăng rất nhanh, thể hiện qua các con số: 4,05 tỉ lít năm 2017, thì năm 2018 đã tăng lên 4,67 tỉ lít. Như vậy, chỉ trong một năm số lượng bia tiêu thụ tăng hơn 600 triệu lít (năm 2016 con số này chỉ có 3,8 tỉ lít) đưa Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hằng năm cao nhất thế giới, trong khi các nước trên thế giới đang giảm dần.

Liên quan đến việc quảng cáo rượu, bia, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ nên thắt chặt quảng cáo rượu, còn bia thì không nên; ngược lại một số đại biểu Quốc hội lại đồng tình với việc phải thắt chặt quản lý quảng cáo bia được đề cập trong các lần Dự thảo. Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, rượu hay bia khi quy về nồng độ cồn nguyên chất đều có cơ chế tác động đến sức khỏe và các vấn đề khác của người sử dụng là như nhau; cần phải có biện pháp kiểm soát các sản phẩm bia, rượu để hạn chế bớt các tác hại. “Như WHO đã có hướng dẫn khi quy về nồng độ cồn nguyên chất, lượng rượu, bia tiêu thụ vào mỗi cá nhân như nhau và sẽ gây ra tác hại như nhau. Ví dụ, tài xế uống một lon bia hay một ly rượu vang 30ml hoặc một chén rượu mạnh 15 ml thì quy ra nồng độ cồn nguyên chất là như nhau, đều bị phạt và đều phải chịu nguy cơ gây ra các tác động đối với người tham gia giao thông. Nên không thể nói bia thì không có hại như rượu được và cần phải có cơ chế kiểm soát”, bà Trang giải thích.

Tại Dự thảo Luật lần 5 này, Ban soạn thảo tiếp tục bảo lưu quan điểm cần phải kiểm soát việc quảng cáo, tài trợ bia. Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Luật Cạnh tranh quy định những sản phẩm cùng cơ chế như nhau thì không được phân biệt đối xử. Như vậy, nói rằng bia không phải áp dụng bất cứ hạn chế nào về quảng cáo thương mại (so với rượu) là bia đang bị xem nhẹ quản lý về mặt khoa học cũng như bình đẳng trong tiếp cận quy định pháp luật. “Do đó cần phải xem xét để quản lý cho hợp lý chứ không thể buông lỏng đối với các quảng cáo, khuyến mãi hay tiêu dùng bia như hiện nay”, bà Trang nhấn mạnh.

Đẩy trách nhiệm uống rượu, bia cho người tiêu dùng?

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cảnh báo, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau. Sử dụng rượu bia được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Ngoài ra hậu quả còn gây tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xà hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác...

Dù vậy, bình quân mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 6,6l cồn/năm; trong đó nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia vẫn chiếm tỷ lệ cao. Theo bà Trần Thị Trang, trước đây chưa có các quy định về kiểm soát bia và nếu bây giờ chúng ta tiếp tục quan điểm bia không gây hại nhiều sẽ vô hình trung định hướng tiêu dùng cho người dân. Khi bia không được kiểm soát thì sẽ không mang tính cảnh báo về việc sử dụng; và trẻ em, thanh thiếu niên là những người hiểu biết chưa hoàn thiện sẽ cho rằng sử dụng bia sẽ an toàn hơn rượu. “Ở nhiều quốc gia trên thế giới đều coi sản phẩm rượu và bia là đồ uống có cồn và đặt trong cùng cơ chế kiểm soát pháp lý công bằng. Vì vậy, chúng ta cần tiếp thu những điểm này”, bà Trang nói.

Có mặt tại hội thảo, bà Sally Casswell (Đại học Massey, New Zealand, Chủ tịch Liên minh chính sách bia, rượu toàn cầu) khẳng định, lợi ích của các nhà sản xuất, kinh doanh rượu, bia xung đột sức khỏe và phúc lợi của người tiêu dùng. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là bảo vệ người tiêu dùng uống rượu bia càng ít càng tốt và từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã đẩy sang trách nhiệm của người tiêu dùng bằng các phong trào, khẩu hiệu “Uống có trách nhiệm” tại Việt Nam. “Khẩu hiệu này gây nhầm lẫn rằng uống thì cứ uống, uống ít không sao cả, học sinh hay tất cả mọi người đều có khả năng uống, nhưng người tiêu dùng uống sao cho có trách nhiệm. Cùng với các hoạt động tài trợ, từ thiện..., đây chính là hành động khơi dậy việc uống rượu bia”, bà Sally Casswell nhấn mạnh. 

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top