Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019: Không chấp nhận các vở diễn phá vỡ nguyên tắc, đặc trưng

Thứ Tư 24/04/2019 | 10:56 GMT+7

VHO- Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) tổ chức sẽ diễn ra tại Thanh Hóa từ 11-20.5, với 11 đơn vị nghệ thuật và dân ca kịch sẽ tham gia 16 chương trình.

Ngay từ quy chế tổ chức và chấm giải của Liên hoan đã thấy có những tiêu chí mới, đòi hỏi các đơn vị sẽ phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn tác phẩm dự thi. 

 Một cảnh trong vở tuồng “Trung thần”

 Quy định của Ban tổ chức, Liên hoan không hạn chế đề tài đối với vở diễn tham gia, khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hưởng ứng Nghị quyết Trung ương IV khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 
Siết chặt quy chế để nâng cao chất lượng 
Vở diễn tham gia Liên hoan là những vở diễn được dàn dựng từ năm 2016 đến nay. Chấp nhận những vở diễn được phục dựng với ê kíp sáng tạo mới nhưng đơn vị chưa tham gia các cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức. Các vở diễn không sử dụng kịch bản nước ngoài . 
Trong tiêu chí, chấm giải Liên hoan, BTC cũng đã quy định rõ các vở diễn có sự tìm tòi, sáng tạo mới về phương pháp nghệ thuật biên kịch, nghệ thuật đạo diễn, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, trang phục, xử lý kỹ thuật diễn xuất của diễn viên trên các nguyên tắc cơ bản, đặc trưng của loại hình nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch. Thể hiện rõ các chức năng cơ bản của văn học nghệ thuật là: nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Hội đồng nghệ thuật không cho điểm và xét giải đối với các vở diễn phá vỡ nguyên tắc, đặc trưng của nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch… 
Đối với nghệ sĩ biểu diễn phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn và tinh tế giữa hành động tâm lý, hình thể và tiếng nói; khắc họa rõ tình cảm, tâm lý, tính cách và hình tượng nhân vật mang tính chuyên nghiệp cao, gây được ấn tượng sâu sắc và cảm xúc tốt đẹp cho người xem. Diễn viên hát phải đúng và chuẩn các bài bản, không chênh phô, nói phải tròn vành rõ chữ và có sức truyền cảm; bộc lộ rõ khả năng “Thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” của diễn viên kịch hát. Có những tìm tòi sáng tạo trong vai diễn; xây dựng nhân vật độc đáo, đóng góp quan trọng cho thành công của vở diễn. 
Hội đồng nghệ thuật sẽ trao tặng một giải xuất sắc cho từng thành phần sáng tạo: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ có nhiều tìm tòi, sáng tạo mang hiệu quả cao. Số lượng huy chương Vàng cho vở diễn không vượt quá 35% tổng số vở diễn, số lượng giải thưởng cho diễn viên cũng không vượt quá 35% tổng số diễn viên có tên trong bản phân vai của các vở tham gia Liên hoan. 
Sẵn sàng vào cuộc 
Mặc cho cái nắng lên tới 40 độ, mặc cho nghệ thuật tuồng và dân ca kịch đang gặp vô vàn những khó khăn, hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của tuồng và ca kịch đã sẵn sàng “vào cuộc”. NSƯT Trương Hải Thọ, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cho biết: “Là đơn vị nghệ thuật của tỉnh đăng cai, chúng tôi tham gia với tinh thần học hỏi các đồng nghiệp. Thời gian qua, Nhà hát chúng tôi đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt trầm trọng tài năng trẻ nói riêng, lực lượng diễn viên trẻ kế cận nói chung. Chính vì vậy mà lực lượng nghệ sĩ của tuồng hiện nay còn rất mỏng. Chúng tôi mang theo nhiều nỗi lo về nghề khi tới Liên hoan...”. 
Thực trạng các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như tuồng, ca kịch trong cả nước ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công là vấn đề được cảnh báo từ lâu. “Liệu cơm gắp mắm” nội lực của đơn vị nên Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và một số đơn vị như Nhà hát NT hát bội TP.HCM, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Đoàn Ca kịch Quảng Nam chỉ tham gia một vở diễn. Các nhà hát tham gia hai vở gồm có: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát NT truyền thống Khánh Hòa, Nhà hát NT truyền thống Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế. 
Mỗi kỳ liên hoan hay cuộc thi toàn quốc là dịp những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu tuồng và cả dân ca kịch lại trăn trở với bao nỗi lo âu: Làm gì và làm như thế nào để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc lâu đời này? Cách tân thế nào để phù hợp tâm lý, thị hiếu của công chúng hôm nay mà không để mai một hoặc mất đi những đặc thù của truyền thống? Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 cũng không nằm ngoài những nỗi niềm đó. 
Vượt qua những nỗi lo âu, trăn trở về nghề để đến chia sẻ với đồng nghiệp những quan điểm làm nghệ thuật, để được học hỏi đồng nghiệp đó là ghi nhận đẹp trước thềm tổ chức Liên hoan. 

HÀ VƯƠNG 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top