Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Quảng Ninh khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch

Thứ Năm 25/04/2019 | 20:00 GMT+7

VHO- Ngày 25.4, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về Tình hình văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh năm 2018 đến nay và sơ kết 5 năm  thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tham gia đoàn công tác của Bộ VHTTDL có lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Gia đình, Văn phòng Bộ…

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, năm 2018, công tác văn hóa, thể thao du lịch của Quảng Ninh đều đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong lĩnh vực văn hóa, tỉnh đã triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tu bổ, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của hơn 613 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 140 di tích được xếp hạng.

Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị "về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn"; Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững". Bên cạnh đó, nâng cao năng lực tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành văn hóa và thể thao gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ du lịch, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, bảo tàng, thư viện....

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW và Nghị quyết 102-NQ/CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Nghị quyết 33, tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong triển khai thực hiện và đạt hiệu quả rõ nét ở cả 6 nhóm nhiệm vụ.

Trong đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm trong triển khai từ tỉnh đến cơ sở trong hệ thống chính trị và toàn xã hội đến nhân dân được nâng lên. Việc triển khai thực hiện nghị quyết tiến hành nghiêm túc, đồng thuận cao, bài bản và tích cực. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch với hệ thống các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể khả thi, có quyết tâm cao. Đặc biệt, nguồn lực ngân sách dành cho văn hóa- con người Quảng Ninh thỏa đáng, tương xứng với mức tăng thu ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được nguồn lực rất lớn từ người dân, doanh nghiệp trong tu bổ, tôn tạo, đầu tư cho văn hóa- con người. Quản lý nhà nước về văn hóa- con người luôn đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc.

Quảng Ninh là tỉnh khai thác hiệu quả các giá trị di tích, danh thắng phục vụ phát triển du lịch

Tỉnh Quảng Ninh có 613 di tích di sản, 490 cơ sở dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường; 89 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa- thể thao, 2 casino… và dù trên địa bàn luôn tiềm ẩn phức tạp nhưng hầu như không có vụ việc vi phạm nổi cộm. Việc bảo tồn, sưu tầm, phát huy giá trị di sản phi vật thể được quan tâm. Tỉnh đã sưu tầm, công nhận 363 di sản văn hóa phi vật thể để quản lý, phát huy; triển khai nhiều đề tài, dự án phục dựng, truyền dạy các di sản này cho thế hệ trẻ.

Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những địa phương thành công nhất trong việc khai thác hiệu quả các giá trị di tích, danh thắng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là phục vụ du lịch. Vịnh Hạ Long, Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Khu di tích đền Cửa Ông là những ví dụ. Hàng năm, các di tích văn hóa của Quảng Ninh thu hút từ 4-5 triệu lượt du khách, danh lam thắng cảnh thu hút 7-8 triệu lượt, doanh thu từ thu phí tham quan đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng/ năm. Con người Quảng Ninh đã được chăm lo khá toàn diện qua đầu tư cho giáo dục- đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa- thể thao. Giá trị, nhân cách, văn hóa đặc trưng của người Quảng Ninh được hình thành tương đối rõ nét, trở thành nguồn lực quan trọng, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế là chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống tuy được khôi phục nhựng chưa xây dựng triệt để thành bản sắc văn hóa đặc trưng, thành nguồn lực, sản phẩm cho phát triển du lịch.

Công tác xã hội hóa các hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa rộng khắp, việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa nhìn chung chưa phát triển, quy mô còn nhỏ, lẻ. Các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng; chưa gắn sản phẩm văn hóa với sản phẩm du lịch, làng nghề.

Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu. Đội ngũ văn nghệ sỹ trực tiếp sáng tác các tác phẩm văn hóa nghệ thuật đang già hóa, những người sáng tác trẻ ngày càng ít. Một số di sản văn hóa, di tích đặc biệt cần có nguồn lực đầu tư tu bổ nhưng lại chưa bố trí, thu hút được nguồn lực, đơn cử như Thương cảng Vân Đồn, di tích chiến thắng Bạch Đằng…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu kết luận buổi làm việc

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị Bộ VHTTDL sớm nghiên cứu, đề nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; hoạt động tín ngưỡng. Đề nghị Bộ VHTTDL thống nhất với Bộ Tài chính ban hành khung giá và giá các loại hình dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước. Hướng dẫn cụ thể cho tỉnh việc triển khai thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Nghiên cứu, đề xuất, tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, điều chỉnh kinh phí chương trình mục tiêu về văn hóa theo hướng tăng mức chi và có sự phân bổ phù hợp với từng vùng miền.

Trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết 102, Quảng Ninh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; hoạt động tín ngưỡng. Tăng nguồn lực hỗ trợ, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đối với khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp. Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nghệ nhân, những người hoạt động nghệ thuật. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình giáo dục kỹ năng sống; trang bị nhận thức, tư tưởng chính trị, lý tưởng sống, giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh, sinh viên, coi đây là mục tiêu nòng cốt trong xây dựng văn hóa- con người Việt Nam…

Lãnh đạo TCDL phát biểu góp ý về công tác quản lý, phát triển du lịch ở Quảng Ninh

Cũng trong buổi làm việc, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL phát biểu, đóng góp ý kiến với tỉnh Quảng Ninh trong đầu tư đồng bộ cho Khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái mới được công nhận nhằm thúc đẩy phát triển du lịch biên giới; đẩy mạnh công tác quản lý di sản gắn với phát triển du lịch; quan tâm, dành nhiều cơ chế đầu tư hơn nữa cho phát triển thể thao, đặc biệt là những vận động viên có thành tích cao nhiều năm liền trong các môn thể thao thế mạnh, đặc biệt là điền kinh; đầu tư xứng đáng cho các đoàn nghệ thuật, các nghệ sỹ tài năng của tỉnh; tăng cường hơn nữa công tác cải cách hành chính đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; thực hiện nghiêm công tác quản lý lễ hội, nâng cao vai trò của địa phương trong việc cấp phép, quản lý, xử lý vi phạm trong kinh doanh karaoke, vũ trường, quảng cáo; quan tâm đến phát triển gia đình, tế bào của xã hội, xóa bỏ bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; giải quyết mâu thuẫn bảo tồn và phát triển sao cho hài hòa, hiệu quả...

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu từ Bộ VHTTDL. Đồng thời, đề nghị Bộ VHTTDL ngoài các đề xuất trên, ủng hộ đề nghị Chính phủ cho Quảng Ninh có cơ chế đặc thù với thị trường khách du lịch Trung Quốc, cũng như thực hiện thí điểm một số nội dung liên quan đến hoạt động du lịch. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý văn hóa, du lịch, từ đây làm cơ sở đánh giá hiệu quả để xem xét nhân rộng trong cả nước.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công tác văn hóa, thể thao, du lịch mà tỉnh Quảng Ninh đạt được trong năm 2018 và 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, Nghị quyết 102. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý chặt chẽ, nghiêm khắc những vi phạm trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Với lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng cho rằng tác dụng của ngành này rất lớn đối với đời sống xã hội của tỉnh. “Chuyện gì xảy ra nếu Quảng Ninh 1 ngày không có khách du lịch?” Bộ trưởng đặt câu hỏi và đề nghị Quảng Ninh tăng cường hơn nữa việc thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là với thị trường gần, giàu tiềm năng như Trung Quốc. Đồng thời với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư chiến lược phải phát triển đa dạng các thị trường, các phân khúc; góp phần nâng cao đời sống người dân, thu hút người dân làm du lịch để cả người dân, doanh nghiệp nhỏ cũng có lợi; quản soát và khai thác hiệu quả hơn tour du lịch giá rẻ.

THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top