Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Phố đêm Cao Thắng ở TP Vinh (Nghệ An): Mới "vận hành" đã lâm vào cảnh đìu hiu

Thứ Sáu 20/12/2019 | 11:18 GMT+7

VHO- Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 3 tháng, nhưng chợ đêm Cao Thắng, TP Vinh, Nghệ An đã rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ do thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhiều khách bản địa cũng như du khách thập phương tỏ ra chán nản trước những quầy hàng ảm đạm, còn người bán hàng thì lâm vào cảnh… thở ngắn than dài.

Chợ đêm Cao Thắng mới hoạt động đã đìu hiu

 Thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng

Khi UBND TP Vinh xây dựng chợ đêm Cao Thắng kỳ vọng tạo điểm nhấn không gian đô thị, phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, tham quan cho cư dân đô thị và khách du lịch. Khuôn viên phố đêm Cao Thắng, TP Vinh có chiều dài khoảng 200m, từ sảnh của đình chính chợ Vinh đến ngã tư Quang Trung, Phan Đình Phùng và Trần Phú với hơn 114 gian hàng, phục vụ kinh doanh các ngành hàng như quà lưu niệm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, văn phòng phẩm, thời trang, đặc sản vùng miền… hoạt động từ 18h30 - 23h30 hằng ngày. Để xây dựng tuyến phố này UBND thành phố đã chi ra 7 tỉ 439 triệu đồng. Tuy nhiên, sau những ngày đầu khai trương nhộn nhịp, phố đêm Cao Thắng đang rơi vào tình cảnh đìu hiu, thưa thớt. Những mặt hàng được bày bán ở khu chợ đêm này lại khiến người dân và du khách thất vọng bởi không có gì đặc biệt.

Chị Nguyễn Thị Hoa, khách du lịch từ Hà Nội đến chợ Cao Thắng chia sẻ: Dạo quanh chợ đêm, giá cả các loại mặt hàng này cũng phải chăng và quần áo thì chủ yếu là hàng Trung Quốc. Tôi rất thất vọng bởi đến đây không mua được “đặc sản” của địa phương... mà chỉ toàn quần áo, giày dép và đồ thực phẩm mua đâu cũng có. Phố đi bộ này khá ngắn (chỉ 200 mét), không rộng rãi (36m), bố trí được ít gian hàng, đi nhanh hết. Không gian phố đêm còn khá đơn điệu, chưa có những chủ đề trang trí đặc sắc, tạo ra hiệu ứng về ánh sáng, cảnh quan gây ấn tượng.

Ông Nguyễn Văn Tình, thường xuyên đi bộ ra khu vực này kể từ ngày khai trương phố đêm cho biết: Nếu cứ tình trạng này thì chẳng ai đến đây nữa vì nhàm chán, bởi hàng hóa ở đây không có, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để thu hút người dân đến tham quan cũng không thấy. Ban tổ chức và các tiểu thương chưa có sự tìm hiểu, nghiên cứu về nhu cầu mua sắm của du khách phố đêm. Các đồ gia dụng, quần áo, hàng may mặc... cơ bản ban ngày người ta đã mua sắm, đủ nhu cầu rồi. Hàng hóa bán được chủ yếu là đồ chơi trẻ em giá rẻ, các món ăn đêm. Nếu không có sự cải thiện thì hiệu quả kinh tế của hoạt động từ phố đêm sẽ không cao. Về các món ăn, hầu như không có các món ăn truyền thống xứ Nghệ, những món ăn mang đặc sắc văn hóa xứ sở. Hệ thống dịch vụ, bán hàng hóa phụ trợ cho hoạt động phố đêm còn chưa đầy đủ, chưa phong phú.

Ngoài thưa thớt khách, tại chợ đêm còn diễn ra tình trạng nhiều hộ gia đình đăng ký gian hàng nhưng không trực tiếp kinh doanh mà cho người khác thuê lại lấy lời bởi theo quy định của UBND thành phố, các hộ kinh doanh chợ đêm Cao Thắng được miễn phí 3 tháng đầu. Chị Lê Thị Đào, hộ kinh doanh giày dép tại chợ đêm cho biết: Những ngày đầu do tâm lý hiếu kỳ nên lượng khách đổ về khu vực này khá đông, nhưng mấy tuần gần đây, khách thưa rồi vắng hẳn. Ban đêm, các hộ kinh doanh dọn hàng ra rồi dọn vào, chứ khách đi dạo là chính. Nhiều người nản quá nên không dọn hàng nữa.

Cần nhiều giải pháp để phố đêm không còn cảnh đìu hiu

Ông Tô Thanh Nhân, Trưởng Ban quản lý chợ Vinh thừa nhận, có tình trạng nhiều hộ đăng ký nhưng không hoạt động mà cho người khác thuê lại. Sau khi kết thúc đợt đăng ký, nhiều người vẫn có nhu cầu, nhưng tất cả 114 gian hàng đã có người đăng ký hết.

Lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An cũng thừa nhận: UBND TP Vinh đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị, tổ chức phố đêm Cao Thắng, với kì vọng tạo ra không gian thư giãn, mua sắm, tạo điểm nhấn cho nền kinh tế ban đêm, với bản sắc riêng của Vinh, của xứ Nghệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều điều băn khoăn và để đạt được mục tiêu nói trên, vẫn còn khoảng cách khá xa. Các mặt hàng bày bán quá đơn điệu, chưa có sản phẩm độc đáo, đặc trưng của vùng đất Nghệ An. Và điều quan trọng nhất là các hộ kinh doanh chưa có khái niệm làm du lịch nên khó thu hút được người dân đến tham quan, mua sắm. Phố đêm chưa có không gian sinh hoạt văn hóa dân gian, âm nhạc đường phố cho khách du lịch. Theo chúng tôi, cần nhiều giải pháp để phố đêm không còn cảnh đìu hiu, trước hết cần xác định chủ đề của phố đêm Cao Thắng, triển khai các giải pháp về kiến trúc, trang trí, để tạo ra một không gian riêng, ấn tượng. Cách bố trí các gian hàng, các mặt hàng, tổ chức các hoạt động của phố đêm đều thống nhất, hướng về một chủ đề, mục tiêu thống nhất. Cần tạo ra một không gian kinh tế - văn hóa riêng, đủ sức hấp dẫn lâu dài đối với người dân thành phố Vinh và phụ cận.

Trước thực trạng này, Trưởng Phòng kinh tế UBND TP Vinh, ông Trần Quang Lâm cho biết: Thành phố sẽ chấn chỉnh lại các quầy đăng ký bán không đúng ngành hàng. Cơ quan quản lý và đơn vị ký kết cần chấn chỉnh lại theo đúng những gì đã cam kết. Khi bố trí lô hàng, cần tập trung vào những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thành phố cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn điện; đồng thời nghiên cứu tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố. Hiện tại thành phố cũng đã thành lập tổ để kiểm tra, xử lý, đồng thời sẽ giao cho BQL chợ Vinh thu hồi và chịu trách nhiệm trước thành phố. Còn về mức phí sau 3 tháng thử nghiệm, ông Lâm cho biết hiện tại thành phố đang chờ văn bản quy định về mức thu phí kinh doanh lòng, lề đường của UBND tỉnh để áp dụng.

PHẠM NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top