Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

“Không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được...”

Thứ Tư 18/03/2020 | 10:59 GMT+7

VHO- Chuẩn mực đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là phương hướng đúng đắn, bảo đảm cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hiện vẫn còn nguyên giá trị.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm phải lấy đạo đức làm gốc trong đào tạo, rèn luyện cán bộ, đảng viên (Ảnh tư liệu)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người nói: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, có tài mới hoàn thành nhiệm vụ. Trong bài nói chuyện với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người căn dặn: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc rất quan trọng”. Đức và tài là hai mặt làm nên bản chất người cán bộ. Nhưng trong cuộc sống, không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Khẳng định như thế, Bác căn dặn: “Trước khi trao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ nên miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”.

Với nhận thức đúng đắn về vai trò của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự rèn luyện để có phẩm chất đạo đức cao quý của người cộng sản. Suốt thời gian bôn ba ở nước ngoài, “nằm gai, nếm mật” tìm đường giải phóng cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành người cộng sản có đạo đức sáng ngời. Người đã không ngừng giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng ấy cho lớp thế hệ cán bộ, đảng viên Việt Nam. Trong quá trình đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, kể từ lớp huấn luyện đầu tiên vào những năm 1925-1927 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến đạo đức của người cán bộ, đảng viên và coi đạo đức là gốc. Bài giảng đầu tiên của Người tại lớp huấn luyện này là bài “Tư cách người cách mạng” với 23 điều cụ thể về rèn luyện phẩm chất đạo đức cho người cán bộ cách mạng. Vào cuối năm 1940, trước khi về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở nhiều lớp huấn luyện các thanh niên yêu nước của tỉnh Cao Bằng tại Tĩnh Tây (Trung Quốc) để đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt cho việc xây dựng Việt Minh. Trong những bài giảng của mình cho lớp học này, nội dung rèn luyện phẩm chất đạo đức người cán bộ cách mạng luôn được nhấn mạnh.

Nội dung đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục cho cán bộ, đảng viên là cơ sở để các lớp cán bộ cách mạng Việt Nam rèn luyện, phấn đấu. Nhờ vậy, khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam có số lượng đảng viên rất ít, nhưng sau 15 năm đã phát triển lên 5.000 đảng viên, nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ đã thức tỉnh triệu triệu người cùng giác ngộ cách mạng, đứng lên tự giải phóng mình, lập nên một kỳ tích vẻ vang - Cách mạng tháng Tám 1945 - dân tộc Việt Nam đã đập tan hai tầng xiềng xích là thực dân Pháp và phát xít Nhật; lật nhào chế độ quân chủ, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc.

Sau hai năm Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Người đã chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cách phòng tránh và sửa chữa những sai trái trong đạo đức, phong cách của người cán bộ, đảng viên nảy sinh, phát triển từ khi Đảng cầm quyền. Người cho rằng khuyết điểm lớn nhất của người cán bộ, đảng viên là chủ nghĩa cá nhân. Nó là “Một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh nguy hiểm”. Đó là bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa, óc lãnh tụ, kéo bè kéo cánh...

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bài viết này của Bác gần như đó là một bản Di chúc dành cho cán bộ, đảng viên, thể hiện ba nội dung quan trọng: Nâng cao đạo đức cách mạng là nhân tố bảo đảm thắng lợi, tạo lòng tin của quần chúng với Đảng; chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong Đảng và ở mỗi con người, cần quét sạch để nâng cao đạo đức cách mạng; nêu lên những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả để thực hiện cuộc đấu tranh nhằm quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều quan trọng là phải vạch rõ căn nguyên sâu xa của những khuyết điểm, sai lầm mà cán bộ, đảng viên mắc phải và tìm ra phương sách sửa chữa.

Hiểu được những sai lầm, khuyết điểm về mặt đạo đức của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh xử lý một cách bình tĩnh, khoa học, kiên quyết và triệt để, nhưng đầy tính nhân ái. Người kiên trì giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ có lòng bao dung, nhân ái, chí công, vô tư, sống vì mọi người, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân mình, rũ sạch chủ nghĩa cá nhân, thấm nhuần đạo đức cách mạng.

Chuẩn mực đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là phương hướng đúng đắn, bảo đảm cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hiện vẫn còn nguyên giá trị.

Cho đến hôm nay, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu, song cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm mà nguyên nhân là do mặt trái của nền kinh tế thị trường. Trong đó có những hạn chế, khuyết điểm trầm trọng về đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những hạn chế, khuyết điểm này biểu hiện bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp, dưới nhiều tệ nạn như: quan liêu, vô trách nhiệm, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân..., gây ra những hậu quả vô cùng lớn. Trong đó, điều đáng lo ngại là tâm trạng hoang mang trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Trước tình hình đó, thái độ của Đảng và Nhà nước ta đối với những tệ nạn, căn bệnh nói trên là kiên quyết chữa trị. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương, khoá VIII và các Nghị quyết tiếp theo của Đảng, cũng như văn kiện của Quốc hội, của Chính phủ thể hiện khá đầy đủ ở tầm vĩ mô về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay là: “Coi trọng cả đức và tài, đức là gốc”. Đảng ta cũng đã nhấn mạnh các biện pháp giáo dục, răn đe, xử lý những cán bộ thoái hoá biến chất, khen thưởng những cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có phẩm chất đạo đức tốt, có hành động dũng cảm chống lại những hiện tượng làm băng hoại đạo đức xã hội.

Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đổi mới đất nước, chúng ta lại càng cần phải thực hiện tốt hơn nữa quan điểm lấy đạo đức làm gốc trong giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước những đòi hỏi cấp bách của xã hội, yêu cầu bức xúc của nhân dân, việc xây dựng, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm ngăn chặn, xử lý và đẩy lùi những hiện tượng tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác. 

 Người cho rằng khuyết điểm lớn nhất của người cán bộ, đảng viên là chủ nghĩa cá nhân. Nó là “Một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh nguy hiểm”. Đó là bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa, óc lãnh tụ, kéo bè kéo cánh...

 NGUYỄN VĂN CÔNG

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top