Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Có nhiều cách để tác phẩm không bị “xếp kho” bởi dịch bệnh

Thứ Sáu 10/04/2020 | 11:08 GMT+7

VHO- Sinh năm 1969, chỉ với 6 năm hoạt động sáng tác kịch bản sân khấu, tác giả Lê Thế Song đã trở thành một gương mặt nổi bật với khối lượng kịch bản kỉ lục, được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng và đã nhận được nhiều giải thưởng lớn tại các Liên hoan sân khấu CNTQ…

 Mảng đề tài tâm đắc của anh là dân gian, dã sử… một mảng đề tài tưởng như khó “chào hàng” nhưng lại được các nhà hát và các đoàn nghệ thuật sân khấu cả nước đón nhận dàn dựng.

Tác giả Lê Thế Song

 P.V: Thưa ông, vì sao ông lại lựa chọn viết kịch bản chuyên nghiệp cho sân khấu truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật chèo trong khi rất nhiều hình thức sân khấu khác có thể mang lại nhuận bút hay thù lao cao hơn?

- Tác giả Lê Thế Song: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nơi có chiếu chèo nổi tiếng Làng Ngò. Tuổi thơ tôi thấm đẫm trong câu hát chèo của các cụ, các ông bà và những hình mẫu nhân vật trong các tích chèo cổ, đó là lý do tôi lựa chọn sân khấu truyền thống, đặc biệt là chèo như một điều hiển nhiên. Trong quá trình 15 năm làm truyền thông với công việc sáng tác kịch ngắn, tiểu phẩm, ca khúc đồng hành cùng các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế như: YWAM (Mỹ); Oxfam Hongkong; Oxfam Anh; Quỹ Nhi đồng Anh (Save the Children UK); Allianz-Mision (Đức); Healthright International (Mỹ); ADB và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Bỉ COHED, Cục Phòng chống HIV/AIDS…, có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình tinh hoa văn hoá của các dân tộc trên cả nước, tôi càng thấy chèo là một nghệ thuật thuần Việt, rất cần được bảo tồn, phát triển. Năm 2011, tôi và vợ tôi, thạc sĩ Xuân Hồng cùng quyết định thi vào Khoa Biên kịch kịch hát dân tộc của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (sau 8 năm mới có một lớp được tổ chức). Được các thầy đầu ngành của sân khấu truyền thống rèn dũa, tôi đã nắm được trình thức và lề lối sáng tác kịch bản để rồi tự tin viết kịch bản cho sân khấu chèo. Sau đó, tôi cũng mạnh dạn tham gia các bộ môn nghệ thuật kịch hát khác như cải lương, tuồng, dân ca và viết cả kịch bản kịch nói, kịch bản lễ hội…

Rất nhiều tác phẩm của ông đã giành được giải thưởng cao. Phần lớn trong số đó là mảng đề tài văn học dân gian, dã sử, một mảng đề tài mà thường bị coi là không mới. Điều gì khiến tác phẩm của ông lại trở nên “đắt hàng”?

- Mảng đề tài văn học dân gian Việt Nam trong chèo vô cùng quý giá, đơn cử như Nhà hát Chèo Việt Nam dựng lại vở Quan Âm Thị Kính đã trở thành hiện tượng khi có rất nhiều khán giả hào hứng mua vé đến xem. Có thể thấy trong một vở chèo các cụ đã rất giỏi khi tạo nên những mảng trò cực hay và nó có thể đứng độc lập như Thị Màu lên chùa, Xã trưởng - Mẹ Đốp… Tôi đã nghiên cứu về các vở chèo cổ rất kỹ, học lề lối trình thức sắp xếp trò cũng như tư duy sáng tác chèo chú trọng tới đặc trưng ước lệ, tư duy huyền thoại, tư duy thơ để sáng tác kịch bản của mình. Ngay cả khi viết đề tài hiện đại thì chất dân gian vẫn thấm đẫm trong vở diễn. Tôi vẫn nhớ thầy Trần Đình Ngôn đã nhắc chúng tôi phải học cách làm thơ lục bát và văn biền ngẫu, những yếu tố quan trọng cần thiết khi sáng tác chèo. Theo tôi, có ba yếu tố quan trọng là trò, tích và tính nhân văn, đó là những thứ để khán giả chấp nhận và đón nhận tích cực.

Vở “Cây tre thần” (tác giả kịch bản Lê Thế Song) dựng trên sân khấu Lệ Ngọc

 Gắn bó với sân khấu, điều ông trăn trở nhất về nghề là gì?

- Bạn biết là hiện nay sân khấu đang gặp khó khăn, các nhà hát ở các tỉnh, trung ương không thể sáng đèn liên tục. Ngay các nhà hát lớn như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương VN mỗi năm chỉ có thể dựng 3 vở là cùng. Và không phải vở diễn nào dựng ra cũng có thể ăn khách. Là một tác giả, tôi thừa nhận rằng sân khấu đang không theo kịp với xu hướng và thị hiếu khán giả hôm nay. Ngay như hình thức thể hiện chúng ta cũng đã bị lỗi nhịp khi tất các các hình thức, công nghệ và truyền thông phát triển quá nhanh. Chỉ cần vào Google, YouTube, Zalo… là đã có nhiều cái để xem. Tác giả sân khấu không thiếu người có tâm huyết, nhưng kịch bản viết ra không được sử dụng, bởi số lượng vở diễn được dàn dựng ngày càng giảm đi mỗi năm. Tác giả bươn chải với cuộc sống mưu sinh và bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố khiến tác phẩm thiếu lửa, thiếu hấp dẫn. Tôi cho rằng mình là người may mắn khi vợ tôi, thạc sĩ Xuân Hồng, con của cố tác giả cải lương Hoàng Luyện (người được truy tặng Giải thưởng Nhà nước) luôn ủng hộ. Cô ấy là người thẩm định kịch bản đầu tiên của tôi và sẵn sàng góp ý, đóng góp và thậm chí tranh luận để tôi điều chỉnh và hoàn thiện tác phẩm. Sống trong một gia đình nghệ sĩ, tôi được thừa hưởng kho sách quý của bố vợ với những tác phẩm lớn như Nắng Tháng Tám, Bà mẹ bên sông Hồng, Chử Đồng Tử…, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cách bố cục, kết cấu kịch bản. Hiện hai vợ chồng tôi đang theo học lớp Thạc sĩ Nghệ thuật của ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Hậu thuẫn và hậu phương như vậy thì không có lý do gì mà tôi không vững bước để theo con đường sáng tác.

Lâu nay nhiều tác giả vẫn luôn “ấm ức” về việc đạo diễn “phá” kịch bản đến nỗi khi duyệt vở không nhận ra được đứa con tinh thần do mình sáng tác, ông có gặp trường hợp này ?

- Quả thực đây là vấn đề nhiều tác giả gặp phải, nhưng tôi có cách làm riêng nên ngay cả với những đạo diễn nổi tiếng là khó tính, tôi cũng không phải chịu cảnh “ấm ức” này. Tôi cho rằng tác phẩm sân khấu sẽ khác với tư duy của tác giả khi viết kịch bản văn học và việc chỉnh sửa cho phù hơp là điều đương nhiên. Tất cả các tác phẩm của tôi sau khi gửi cho các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, tôi vẫn tiếp tục làm việc với đạo diễn trên sàn diễn. Chúng tôi cùng trao đổi để tìm ra được tiếng nói chung cho phù hợp nhất.

Theo ông, muốn cho nghệ thuật sân khấu truyền thống đến được với khán giả thì phải làm thế nào?

Vấn đề cốt lõi sống còn cho một đơn vị nghệ thuật đó là xây dựng được tác phẩm có đời sống bằng những đêm diễn, và điều quan trọng là chất lượng kịch bản, không bột khó gột nên hồ. Hiện nay, sân khấu đang bị áp lực bởi sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Hình thức dàn dựng sân khấu vẫn không khác gì hàng chục năm trước, đó là một thực tế. Điều quan trọng theo tôi chính là sân khấu đang thiếu khâu quảng bá. Tôi rất thích cách tiếp thị sân khấu tư nhân của NSND Lệ Ngọc. Chị Lệ Ngọc thẩm định kịch bản rất kỹ, đồng thời lựa chọn đạo diễn, diễn viên cộng tác cũng rất cẩn trọng. Khi vở diễn ra mắt được quảng bá rất đẹp trên web, có traler giới thiệu. Ngay như vở Cây tre thần, nếu không vì dịch Covid-19, thì sân khấu Lệ Ngọc đã thực hiện 50 suất diễn hợp đồng tại TP.HCM và lưu diễn tại Anh, Canada…

Trong điều kiện hoạt động sân khấu khó khăn bởi dịch bệnh, mọi hoạt động nghệ thuật biểu diễn đều tạm dừng. Theo tôi, trong cái khó sẽ ló cái khôn, các nhà hát và các đoàn nghệ thuật cũng nên tính tới cách làm online, xây dựng các trích đoạn hấp dẫn giới thiệu trên các kênh YouTube, Zalo, Facebook… để tiếp cận khán giả. Từ những trích đoạn ngắn hấp dẫn, khán giả sẽ tìm tới nhà hát để xem trọn một tác phẩm. Mặt khác, Đài Truyền hình VN và các kênh truyền hình, phát thanh cũng cần tính tới việc thu lại toàn bộ chương trình, tác phẩm để giới thiệu cho khán thính giả cả nước. Không đến được rạp hát xem thì khán giả có thể xem sân khấu qua các nhà đài, tác phẩm sẽ không chịu cảnh bị “xếp kho” vì dịch bệnh. 

THUÝ HIỀN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top