Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giải pháp chống mất cắp cổ vật tại di tích: Phải gắn “chíp” trách nhiệm

Thứ Sáu 24/04/2020 | 11:36 GMT+7

VHO- Như tin đã đưa, chỉ chưa đầy một tháng, từ giữa tháng 3 tới nửa đầu tháng 4.2020, trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) liên tiếp xảy ra 4 vụ mất trộm cổ vật tại các di tích: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, đình Đại Định (xã Tam Hưng), chùa Dư Dụ (xã Thanh Thuỷ) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Con số 26 cổ vật bị kẻ gian lấy đi tại 4 di tích này không khỏi khiến bất cứ ai cũng phải giật mình.

 Chùa Bối Khê bị kẻ gian đột nhập lấy đi một bức tượng Phật Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen

Vấn đề đặt ra là, đâu là kẽ hở trong công tác quản lý, bảo vệ để dẫn đến tình trạng đạo chích tung hoành như vậy?

Quản lý lỏng lẻo

Gần 30 cổ vật, hiện vật bị kẻ gian lấy trộm khỏi di tích một lần nữa gây nên nhiều điều lo lắng, cảnh báo về câu chuyện quản lý, bảo vệ cổ vật, di vật ở các di tích. Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Trần Đình Thành nói, ngay trong bối cảnh cả xã hội đang gồng mình chiến đấu với dịch Covid-19 thì chỉ trên địa bàn một huyện lại để xảy ra tình trạng mất nhiều hiện vật ở di tích đến vậy. Thực tế đó rất đáng báo động. Cục Di sản văn hóa sẽ có văn bản gửi Hà Nội về vấn đề này, đồng thời đã liên hệ với lực lượng Công an đề nghị vào cuộc. Cần phải có biện pháp mạnh và quyết liệt để giải quyết vụ việc bởi đây như một hồi chuông tiếp tục cảnh báo vấn nạn mất cắp cổ vật tại di tích mà Cục Di sản văn hóa đã lên tiếng bấy lâu nay.

Theo Phó Cục trưởng Trần Đình Thành, vấn đề cảnh báo thực trạng “chảy máu”, mất cắp cổ vật tại di tích đã liên tục được Cục Di sản văn hóa nhắc nhở các địa phương, bằng nhiều hình thức. Trên thực tế, tại nhiều địa phương đã tăng cường các biện pháp để tổ chức bảo vệ cổ vật, hiện vật giá trị. Một số di tích đã đưa các cổ vật đặc biệt giá trị vào hậu cung, hoặc có các thùng, két để bảo vệ. Bên cạnh đó là các biện pháp phân công, tăng cường trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng liên tục được tăng cường. “Để bảo vệ cổ vật, hiện vật tại di tích có nhiều hình thức. Tuy nhiên, để phòng kẻ gian trên thực tế vẫn là một vấn đề nan giải, đòi hỏi các địa phương, BQL các di tích luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Quản lý lỏng lẻo chính là kẽ hở khiến cho các hiện vật quý, giá trị bị lấy cắp khỏi các di tích…”, ông Thành nhấn mạnh.

Hàng ngàn di tích, cơ sở thờ tự trong cả nước là nơi lưu giữ hàng ngàn cổ vật, di vật quý, nhưng cũng ở những chốn linh thiêng như đình, đền, chùa này lại trở thành địa chỉ nhòm ngó của kẻ gian trộm cắp cổ vật, di vật. Câu chuyện chỉ riêng ở huyện Thanh Oai từ giữa tháng 3 tới nửa đầu tháng 4 có tới 26 cổ vật, hiện vật bị kẻ gian lấy đi tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, đình Đại Định, chùa Dư Dụ và chùa Từ Châu là minh chứng cho thấy hệ quả khó lường từ việc lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ những cổ vật. Đáng nói, Pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê đã bị mất cắp tới lần… thứ ba, sau khi được hoàn trả nguyên vẹn ở hai vụ mất trộm trước.

Trước thực trạng đáng báo động này, Sở VHTT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Oai báo cáo về việc mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu kiểm tra, có biện pháp xử lý kịp thời, rà soát công tác trông coi, bảo vệ, bảo quản tại các di tích, tránh tiếp tục để xảy ra tình trạng đáng tiếc. Trước tình hình kẻ gian trộm cắp cổ vật, hiện vật, đồ thờ tự tại các di tích trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo UBND các xã Tam Hưng, Thanh Thuỷ, Liên Châu tiến hành xác minh, lấy lời khai của người trình báo, người có liên quan; rà soát đối tượng khả nghi trên địa bàn, lập hồ sơ trình báo Công an huyện. Phòng VHTT huyện Thanh Oai cũng đã đề xuất UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các di tích trên địa bàn; đề nghị lực lượng Công an có biện pháp tăng cường điều tra, bảo vệ các cổ vật, hiện vật, đồ thờ tự tại các di tích; UBND, BQL di tích các xã có biện pháp bảo vệ hiện vật, cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích.

Theo Trưởng phòng VHTT huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, do dịch Covid-19 nên di tích đóng cửa, chỉ có nhà sư trông coi khiến an ninh, an toàn có phần lỏng lẻo. Mặt khác, hiện nay việc cắt cử trông coi tại di tích cũng gặp nhiều khó khăn. Các di tích ngày càng xuống cấp nên an ninh, an toàn cũng không đảm bảo. Trách nhiệm bảo vệ, bảo quản di tích và hệ thống di vật thuộc về chính quyền địa phương, được ghi rõ theo quyết định phân cấp của lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Ông Trần Đình Thành cho rằng, đối với các di tích đình, đền, chùa thì hệ thống cửa chỉ là hình thức, vấn đề là chính quyền địa phương và BQL di tích phải làm hết trách nhiệm để trông coi di tích và các hiện vật bên trong. Nếu các yếu tố an ninh an toàn không đảm bảo thì phải báo cáo lên cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để xử lý. Nguyên tắc này được áp dụng không chỉ ở các di tích mà còn ở cả hệ thống các thiết chế văn hóa khác, có tài sản thì trách nhiệm là phải trông coi. Không thể để sự đã rồi, cứ để mất mát rồi lý giải vì thế này, thế kia.

 Tượng Quan Thế Âm ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) bị mất cắp hai lần. Với sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, pho tượng đã được truy tìm lại nhưng đã bị hư hỏng một số bộ phận

Tăng cường trách nhiệm

Theo TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, những con số cổ vật, di vật bị mất cắp trên thực tế còn lớn hơn nhiều, bởi nhiều vụ chúng ta chưa biết, chưa thống kê. Ví dụ, Pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay cao gần 2m bao gồm cả bệ ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) cũng bị mất hai lần. May mắn là lực lượng chức năng đã truy tìm lại được. Là chuyên gia hàng đầu về cổ vật, TS Phạm Quốc Quân phân tích, Luật Di sản văn hóa thực thi gần 20 năm nay, nhưng việc quản lý, bảo vệ di tích, di sản còn không ít bất cập. Hà Nội có gần 6.000 di tích thì chỉ một số ít di tích quốc gia như ở Long Biên, Mê Linh, Hai Bà Trưng làm được việc đăng ký cổ vật. Khi đăng ký, cổ vật trong trường hợp bị trộm cắp sẽ có cơ sở pháp lý để được trao trả. Nhiều nơi, người dân khẳng định di vật, cổ vật thuộc về di tích nhưng lại không có cách nào chứng minh.

Hồ sơ hóa, đăng ký cổ vật cũng là giải pháp cần thiết mà Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành nhấn mạnh. Để bảo vệ các cổ vật, hiện vật quý ở di tích thì chỉ thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo thôi chưa đủ, tiến tới là các dự án đầu tư có phương án bảo vệ hiện vật. Đặc biệt là việc kiểm kê di tích tại các địa phương. Qua đó, những hiện vật được đăng ký, kiểm kê sẽ có các số liệu, hình ảnh… tạo cơ sở tìm lại khi bị thất thoát hay đánh cắp. “Những hiện vật tại di tích càng trải qua thời gian càng trở nên có giá trị, trở thành đối tượng nhòm ngó của đạo chích. Nhiều di tích vừa hồ sơ hóa hiện vật, vừa có thiết bị báo trộm…, vậy mà kẻ gian vẫn lấy cổ vật được. Nên nếu quản lý lỏng lẻo, không tiến hành các biện pháp như hồ sơ hóa, đi cùng các giải pháp phân công phối hợp, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị chức năng thì sẽ rất khó nói những gì sẽ xảy ra”, ông Thành nói. Các chuyên gia cũng đề cập đến một bất cập khác, đó là hệ thống di tích ở ta nhiều nơi còn chưa được đầu tư lắp đặt camera, báo động nên cổ vật, hiện vật luôn trong trạng thái phấp phỏng lo đạo chích ghé thăm.

Một lần nữa, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật thì câu chuyện trách nhiệm về quản lý của chính quyền địa phương lại được đặt ra cấp thiết hơn. Di tích, di vật thuộc về cộng đồng, yêu cầu chính quyền địa phương và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ. Nhưng thực tế lâu nay, nhiều nơi chưa chú trọng vấn đề này. Nguyên nhân một phần do ý thức, phần khác do chưa hiểu biết thấu đáo trách nhiệm giữ gìn di sản. 

 ANH THU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top