Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giáo dục lòng yêu nước qua mô hình sa bàn

Thứ Hai 15/06/2020 | 11:03 GMT+7

VHO- Tiết học thực hành an toàn giao thông của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào đầu tuần qua rộn ràng và háo hức hơn mọi khi, vì ngoài những kiến thức về an toàn giao thông, các em còn được xem và nghe giới thiệu mô hình sa bàn bản đồ Việt Nam vừa được xây dựng trong khuôn viên trường.

Sa bàn bản đồ Việt Nam được thiết kế trong khuôn viên trường Trà Tập

 Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, thầy đã ấp ủ từ rất lâu ý tưởng xây dựng các mô hình giao thông, sa bàn bản đồ Việt Nam với mong muốn sẽ giáo dục pháp luật giao thông, tình yêu biển đảo một cách đơn giản và hiệu quả nhất cho các em học sinh miền núi xa xôi. Ý tưởng này đã được các thầy cô, hội đồng Nhà trường, cơ quan chức năng liên quan cùng các Mạnh Thường Quân ủng hộ hết sức từ tinh thần đến vật chất để có thể trở thành hiện thực.

Biến ý tưởng về mô hình giao thông thành hiện thực

Gắn bó với học trò miền núi nhiều năm trời, thầy Phương hiểu được những khó khăn, hạn chế của các em trong việc tiếp cận với thực tế giao thông so với những khu vực khác. Dù cơ sở hạ tầng đã được xây dựng đến các thôn bản, nhưng để nắm bắt tình hình giao thông ở khu vực thành thị, qua đó hiểu về Luật Giao thông đường bộ là khá khó khăn đối với các em nhỏ ở miền núi. Chính vì thế, khi trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập được xây dựng vào thời điểm 2016-2018, Nhà trường đã quy hoạch không gian để biến ý tưởng về mô hình giao thông thực tế thành hiện thực, đặt ngay tại sân trường để nâng cao hiểu biết cho học sinh.

Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư được Nhà nước hỗ trợ, cùng với nguồn xã hội hóa, nhà trường đã tiến hành xây dựng mô hình giao thông với các hạng mục như: Đường bê tông, hệ thống biển báo, hệ thống đèn tín hiệu, đường một chiều, hai chiều, vòng xuyến, con lươn, vỉa hè đi bộ... Từ ngày có mô hình này, những tiết học về an toàn giao thông trở nên thú vị hơn rất nhiều. Các bạn nhỏ được trực tiếp nhìn, xử lý các tình huống một cách thực tế thay vì những kiến thức chung chung, mơ hồ. “Ngay cả người lớn, bảo nhớ hết các biển báo tín hiệu giao thông đã là rất khó, huống chi trẻ nhỏ lại ở sâu vùng xa, nên mô hình này sẽ giúp các em nắm vững hơn về pháp luật giao thông. Ban đầu, nhà trường sẽ hướng dẫn các em những điều cơ bản nhất như đi đúng làn đường theo tín hiệu đèn, dần dần sẽ giảng dạy sâu hơn những kiến thức an toàn giao thông cho các em. Muốn các em tuân thủ an toàn giao thông thì phải tuyên truyền, giáo dục ngay từ khi các em còn nhỏ và bản thân người lớn cũng làm phải làm gương, nên từ khi xây dựng mô hình, tất cả các giáo viên vào, ra sân trường cũng phải tuân theo đúng luật giao thông để làm gương cho các em. Chẳng hạn như gặp đèn đỏ thì phải dừng, gặp biển báo giảm tốc độ phải đi chậm lại…”, thầy Phương cho biết.

Giáo dục lòng yêu nước qua mô hình sa bàn Việt Nam

Bên cạnh mô hình giao thông, từ đầu năm 2020, cũng từ nguồn xã hội hóa, nhà trường bắt tay vào nghiên cứu và xây dựng sa bàn bản đồ Việt Nam đặt trong khuôn viên nhà trường. Về ý tưởng để xây dựng sa bàn, thầy Phương cho biết, khi nghe, đọc được những thông tin về tình hình biển đảo, thầy và tập thể giáo viên Nhà trường đều mong muốn tìm kiếm những hình thức để có thể tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam, lòng yêu quê hương đất nước một cách đơn giản, hiệu quả sao cho các em có thể hiểu và tiếp cận vấn đề một cách dễ dàng nhất.

Mô hình sa bàn bản đồ Việt Nam có diện tích 120m2, được thiết kế đúng hình dáng đất nước và những mô phỏng về Biển Đông, các hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, Trường Sa, Hoàng Sa… Tranh thủ thời điểm học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19, các thầy cô đã cùng góp của, góp công để chung sức hoàn thiện công trình, đồng thời tu sửa, chỉnh trang lại cảnh quan trường, lớp... Tất cả vừa kịp hoàn thành vào cuối tháng 4 vừa qua, ngay khi các em quay trở lại trường sau đợt nghỉ dài.

Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập có 22 lớp với 478 học sinh, trong đó điểm trường chính có 11 lớp, 321 học sinh, đa số các em là người dân tộc Ca Dong. Chính vì thế, việc đặt sa bàn bản đồ Việt Nam ngay khuôn viên trường cũng là cách để các em có thể tiếp cận trực quan nhất những thông tin, hình ảnh về đất nước, đường biên giới, biển đảo Việt Nam mọi lúc, mọi nơi. Sa bàn được thiết kế để ngay cả ban đêm cũng có thể quan sát được.

“Tranh thủ lúc ra chơi, những buổi chiều sau giờ học, các em học sinh, thầy cô ở lại nội trú cùng ra sân trường chơi thể thao, thư giãn, chăm sóc khuôn viên trường… Những lúc như thế, các em có thể trực tiếp xem và hỏi thầy cô về những điều các em nhìn thấy trên sa bàn. Nhờ đó, các em sẽ tiếp thu kiến thức lịch sử, địa lý dễ dàng hơn”, cô Tú Điển, một giáo viên trong trường chia sẻ.

Thật sự thì nhiều em học sinh mới chỉ được nghe nói về biển, đảo chứ chưa hình dung được cụ thể các quần đảo nằm ở đâu. Vì thế, khi xây dựng sa bàn, bản đồ Việt Nam được thiết kế với kích thước lớn khoảng 9m để các em dễ dàng quan sát. “Đơn giản thế này, khi đang chơi trên sân trường, nhìn vào sa bàn, có em sẽ hỏi thầy cô Hoàng Sa, Trường Sa nằm ở đâu? Quảng Nam quê mình ở đâu? Các thầy cô sẽ có thể giảng dạy ngay cho các con rằng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mình là nơi này, Quảng Nam mình nằm ở đây trên bản đồ Việt Nam nè các con”, thầy Phương nói. Thông qua hình thức tuyên truyền trực quan sẽ khơi dậy trong các em tình yêu đối với quê hương, đất nước, hiểu thêm về chủ quyền biển đảo và nâng cao ý thức tự tôn dân tộc.

Điều thú vị là ở ngôi trường Tiểu học Trà Tập này, hai năm qua, các thầy cô cũng chung tay trồng rau, nuôi lợn với mục đích nâng cao chất lượng bữa ăn cho các học trò nghèo vùng miền núi xa xôi Quảng Nam. Từ năm học 2018-2019, thầy Phương đã dùng tiền túi của mình mua 12 con lợn giống để tập thể giáo viên cùng nhau chăm bẵm. Số tiền thu được từ việc xuất bán lứa lợn đầu tiên được các thầy cô dùng để gây thêm lứa mới, số còn dư góp vào quỹ mua thực phẩm cải thiện bữa ăn cho học trò. Cùng với đó, các thầy cô còn trồng thêm rau sạch để cung cấp cho bữa ăn của các em. Số tiền lẽ ra để mua rau trong phần ăn mà các em được hỗ trợ sẽ được dùng để mua thêm thịt, cá bổ sung chất dinh dưỡng cho học sinh. 

KHÁNH CHI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top