Phòng, chống dịch covid-19 khi "mỗi nơi một kiểu”, các chuyên gia đề nghị: Phải có chỉ lệnh mới

VHO- Về giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, các chuyên gia bày tỏ quan ngại khi nhiều địa phương, cơ quan đang triển khai các biện pháp rất khác nhau. Đề nghị phải có chỉ lệnh mới, để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt “hệ thống phòng thủ”...

Phòng, chống dịch covid-19 khi

Ngay khi xut hin dch Covid-19 trong cng đồng, vi s h tr đắc lc ca nhiu cơ quan B, ngành Trung ương, s quyết tâm ca chính quyn TP Đà Nng, dch nơi đây đang dn được kim soát. Binh chng Phòng hóa- B Quc phòng tiến hành kh khun, tiêu độc, góp phn phòng chng dch trên địa bàn qun Sơn Trà Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ngày 18.8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Quan ngại khi nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vaccine là tín hiệu tích cực ban đầu, chưa thể giúp thế giới đẩy lùi ngay được đại dịch trong một sớm một chiều. Về tình hình dịch bệnh trong nước, Ban Chỉ đạo khẳng định các biện pháp ứng phó với ổ dịch ở Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Trong những ngày gần đây đã nổi lên ổ dịch ở tỉnh Hải Dương với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận ở quán “Thế giới bò tươi”. Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán từ khoảng ngày 25-27.7 cùng chủng virus ở Đà Nẵng. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện đã ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc Covid-19, và trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngay từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế cũng đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch… Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là hiện hữu và phải đặc biệt lưu ý, tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương, nhất là những đô thị lớn, nơi tập trung đông người, mật độ dân số cao.

Bày tỏ quan ngại khi nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tránh để dịch bệnh xâm nhập, diễn biến phức tạp. Chia sẻ nhận định trên, ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, ổ dịch ở Hải Dương xuất phát từ không gian mở (nhà hàng), rất khó kiểm soát người đến, người đi… do vậy cần tiến hành đánh giá cụ thể, rút ra bài học để các địa phương thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh tại những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh cao. Bên cạnh các giải pháp y tế, cần triển khai các biện pháp cộng đồng phù hợp, giảm áp lực cho ngành y tế. Cho rằng vừa qua Bộ Y tế đã triển khai rất hiệu quả các biện pháp về đào tạo, hỗ trợ, chi viện nhân lực kỹ thuật cao cho địa phương, ông Vinh đề nghị cần tiếp tục phát huy thực hiện tốt giải pháp này, tiến hành rà soát lại, củng cố đội ngũ các “tổ đặc nhiệm” để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống phát sinh.

Phòng, chống dịch covid-19 khi

 Lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương làm việc với người dân để truy vết các trường hợp F1, F2 Ảnh: BÁO HẢI DƯƠNG

Phải siết chặt “hệ thống phòng thủ”

Về giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, các chuyên gia quan ngại khi các địa phương, cơ quan đang triển khai các biện pháp rất khác nhau. Đề nghị phải có chỉ lệnh mới, để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt “hệ thống phòng thủ”, không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng, đặc biệt là các địa điểm xung yếu như bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung các nhóm yếu thế… đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện. Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài… vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.

Bên cạnh các biện pháp “định vị mềm” nêu trên để nâng cao hiệu quả truy vết những trường hợp nghi ngờ, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm triển khai biện pháp “định vị cứng” của một số nước tiên tiến đã áp dụng cho một số đối tượng có nguy cơ cao như đeo vòng điện tử... Ban Chỉ đạo đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ an toàn cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch (như bác sĩ, công an, quân đội,…); kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh lại tính quyết định của thành công trong phòng, chống dịch bệnh là sự vào cuộc của mọi người dân. Nhiều trường hợp tuân thủ đầy đủ các quy định khai báo, cách ly sau khi đi về từ vùng dịch. Các cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm nhiều trường hợp về từ vùng dịch nhưng không khai báo, không thực hiện cách ly. Một số địa phương đã chủ động có các biện pháp chỉ đạo mới, cần thiết trong phòng, chống dịch.

 

 Vaccine được sử dụng ở nước ngoài, khi nhập về, Việt Nam không thử nghiệm trên động vật nhưng chắc chắn vẫn phải thử nghiệm trên người để đảm bảo hiệu lực an toàn. Thông thường, quy trình kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí một vài năm trước khi được tiêm chủng rộng rãi.

(Chuyên gia TRẦN ĐẮC PHU, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam)

TR.MẠNH-Đ.NAM-P.V

Ý kiến bạn đọc