Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Chuyện kỳ thú về biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì (Bài 4): Bật mí...bí ẩn về biệt thự Cote 600

Thứ Hai 24/08/2020 | 11:57 GMT+7

VHO-  Hơn 80% phế tích các công trình biệt thự nghỉ dưỡng còn lại trên núi Ba Vì tập trung ở điểm cao 600m. Hầu hết đều có tường xây bằng đá, dày tới 50cm. Thời gian đã phủ rêu phong, cỏ dại cộng thêm mưa nắng dãi dầu khiến các phế tích ẩn giữa màu xanh đại ngàn càng thêm huyền bí.

 Phế tích sân bay của quân đội Pháp tại cote 600, Vườn Quốc gia Ba Vì

Qua khảo sát cho thấy, những chủ nhân người Pháp đã bắt dân chúng khai thác các loại đá ong, đá hoa nhiều màu có sẵn trên núi Chẹ và các gò đồi ở Sơn Trung, Sơn Đông, Triều Đông để xây dựng biệt thự. Việc vận chuyển vật liệu lên điểm cao này chủ yếu sử dụng sức người.

Khu nghỉ mát Quân sự cote 600 được xây dựng thế nào?

Từ năm 1923, người Pháp đã có ý định xây dựng trạm nghỉ hè tại điểm cao 600. Tháng 10 năm 1923, một nhân viên viên trắc địa của Pháp được cử đến dãy núi này để vẽ bản đồ phân giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có khó khăn về việc tìm nguồn nước cũng như sự chật hẹp của cao độ 600 nên kế hoạch xây dựng bị gác lại. Bản đồ và những thông tin liên quan đến điểm cao 600 được lưu giữ tại Phủ Công sứ Sơn Tây.

Năm 1936, ý tưởng xây dựng trạm nghỉ hè ở điểm cao 600 được tái lật lại khi người Pháp có kế hoạch xây dựng Trung tâm quân sự tại đây. Bác sĩ Gravelat, Giám đốc Cơ quan Y tế Quân đội thuộc Tập đoàn Quân sự Đông Dương được cử đến núi Ba Vì để khảo sát các điều kiện về khí hậu, môi trường. Căn cứ vào báo cáo của Gravelat, tướng Buhrer, Chỉ huy cao cấp thuộc Tập đoàn quân sự Đông Dương đã quyết định chọn điểm cao này để xây dựng khu nghỉ mát.

Thống sứ Bắc Kỳ luôn dành sự ưu ái cho quân đội, nên đã ký quyết định cho phép quân đội làm tuyến đường 7km từ phía sông Đà đến điểm cao 600 và yêu cầu chính quyền tỉnh Sơn Tây và Cơ quan Quản lý rừng Bắc Kỳ tạo điều kiện để có thể sớm triển khai kế hoạch xây dựng khu nghỉ mát.

Tuy nhiên, dự án làm đường sau đó đã bị huỷ bỏ do có quá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Phương án mới được tỉnh Sơn Tây đưa ra là làm tuyến đường hẹp, ít nguy hiểm, đi từ khu Đá Chông đến điểm cao 600 theo hướng Tây. Một đại đội lính Lê dương đã được điều đến điểm cao 400 để triển khai việc mở đường. Số lính này được bố trí ở tạm trên đất của ông Borel và trực tiếp quản lý 200 phu làm đường người bản sứ. Khu vực này độ dốc cao, nhiều vách đá lộ lởm chởm nên công việc mất rất nhiều thời gian.

Cùng với việc triển khai dự án khu nghỉ mát, công việc tìm kiếm nguồn nước, vấn đề nan giải hàng chục năm qua liên quan khu nghỉ mát núi Ba Vì, cũng được đẩy mạnh.

Tháng 10 năm 1942, các công trình nghỉ dưỡng tại cote 600 bắt đầu được khởi công xây dựng trên vị trí mỏm núi phía Bắc. Từ ý tưởng xa hoa ban đầu, các bản thiết kế đã được điều chỉnh quy mô do kinh phí bị cắt giảm. Hơn 40 tù nhân được đưa lên núi để sản xuất cát từ đá, sỏi tự nhiên tại chỗ. Loại cát này được gọi là cát nghiền hay cát nhân tạo, đảm bảo các yêu cầu về cơ lý, hóa thay thế cát tự nhiên phục vụ xây dựng. Công việc rất nặng nhọc do việc sản xuất hoàn toàn thủ công, những người tù phải dùng hết sức kéo những bánh mài để nghiền vụn đá ra, quần quật cả ngày cũng chỉ tạo được 1-2 mét khối cát. Vôi được mua tại các lò ở Quốc Oai. Ngói sản xuất tại Sơn Tây và các vùng lân cận. Thời điểm này, thương hiệu gạch Satic khá nổi tiếng, người Pháp đã chọn gạch Satic để xây dựng các công trình biệt thự trên núi Ba Vì. Phía quân đội lùng sục ở Phủ Quốc Oai bắt thợ, thông qua chính quyền địa phương, điểm tên, chỉ mặt từng thợ giỏi, có kinh nghiệm trong việc xây nhà bằng đá để đưa vào danh sách thợ xây chính. Số thợ này bị ép lên núi Ba Vì cùng với vài trăm thợ phụ là các tù nhân và người dân trong tỉnh Sơn Tây.

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng sau hơn một năm xây dựng, phần lớn các công trình trong quy hoạch tại cao độ 600 đã dần hoàn thiện.

Các công trình đáng để "khoe"

Hầu hết các biệt thự nghỉ dưỡng được bố trí trên các chỏm đồi thoáng đãng hoặc nằm nép vào sườn đồi, ẩn mình dưới những tán cây râm mát, có thiết kế đơn giản gồm: một phòng khách, hai phòng ngủ, phòng tắm và vệ sinh, khu bếp, khu giặt-phơi-sân thượng.

Khu trung tâm nghỉ dưỡng nằm ở mặt đường chính, hầu hết có diện tích lớn. Các công trình giải trí dành cho sĩ quan được bố trí biệt lập trên một quả đồi, gồm hai tòa nhà, tòa lớn có diện tích khoảng 1.500m2, tòa nhỏ hơn rộng chừng 800m2, được chia thành nhiều phòng nhỏ bao gồm: Phòng khách, phòng giải trí, phòng ăn, phòng ngủ cho các sĩ quan, đoàn tùy tùng với đầy đủ tiện nghi phục vụ cho việc vui chơi, giải trí.

Cách trung tâm khu nghỉ mát cote 600 chừng 2km là sân bay quân sự của Pháp. Con đường dẫn đến sân bay băng qua những dãy núi thấp nằm gối nhau, có độ dốc không quá lớn. Trên đoạn đường này có hai ụ pháo nằm ngay vệ đường, chiều cao 2m, chiều rộng 75cm, được thiết kế vừa một nòng pháo, hướng về phía các tỉnh Hoà Bình và Phú Thọ. Phía sau ụ pháo là toà nhà pháo binh được xây dựng nép vào vách núi, khuất trong tán rừng rậm rạp. Công trình này được xây dựng bằng đá đen đặc biệt, tường dày 50cm, có nhiều phòng nhỏ là nơi ở của lính pháo binh Pháp và kho chứa vũ khí.

Từ ụ pháo đi thêm 1km sẽ đến sân bay ở cao độ 635. Được xây dựng năm 1937, sân bay dã chiến này có sức chứa 5 máy bay trực thăng. Tại đây, người Pháp cho xây dựng 1 hầm quan sát nhô lên mặt đất khoảng 1m, có các lỗ châu mai, phía trong thiết kế giống như một mê cung, có nhiều lối nhỏ dẫn đến các phòng và bố trí lối thoát hiểm.

Từ trung tâm hành chính quân sự tại cote 600, theo con đường uốn lượn đi qua sườn các quả đồi nằm kề nhau như bát úp lên đến độ cao khoảng 650m là nơi toạ lạc dinh thự rộng khoảng 375m2 của một vị tướng cao cấp trong quân đội. Được xây dựng vào năm 1937, dinh thự có nhiều phòng nhỏ, bên dưới là khu chuồng ngựa với tường dày để giữ ấm cho vật nuôi. Phía trước là một sân cỏ rộng hàng ngàn mét vuông phục vụ cho sở thích cưỡi ngựa cũng như tổ chức các hoạt động thể thao khác của viên tướng này.

Đối diện với dinh thự này là ba toà nhà lớn rất có thể là nơi nghỉ dưỡng của các gia đình sĩ quan cao cấp trong quân đội Pháp. Cách ba ngôi nhà vài chục mét về phía Tây là một công trình kiên cố được xây dựng năm 1943. Nhìn xa, công trình này trông giống như một lô cốt khổng lồ vươn lên mặt đất khoảng 2m, lưng tựa vào đỉnh Ngọc Hoa, phía trước có tầm nhìn thẳng xuống sông Đà và một phần thành phố Sơn Tây. Mặt bằng phía trên được chia thành nhiều phòng nhỏ, bố trí khoa học, bao gồm: Phòng khách lớn có lò sưởi, phòng họp, phòng ăn và một phòng bán nguyệt dùng để chơi đàn và giải trí. 

Bài cuối: Từ Trại hè cote 800 đến nơi ở ẩn của ông chủ xưởng MEMO và giấc mơ "đánh thức ký ức"

Bài & ảnh: CHU THU HẰNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top