Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Nguồn nhân lực cao cấp trong khách sạn: Còn thiếu và yếu

Thứ Sáu 28/08/2020 | 12:02 GMT+7

VHO- Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức Hội thảo khoa học phát triển nhân lực cấp cao quốc gia trong lĩnh vực khách sạn.

 Nhân lực trong khách sạn cao cấp cung vẫn chưa đáp ứng cầu

Dự Hội thảo có các đại biểu là lãnh đạo các Cục, vụ, viện, các trường đào tạo nghề du lịch thuộc Bộ VHTTDL, nhà khoa học, lãnh đạo quản lý khu du lịch, khách sạn thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhiều lao động chưa được đào tạo chính quy

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng phát triển nguồn nhân lực cấp cao trong lĩnh vực khách sạn và đưa ra các “kế sách” phát triển nguồn nhân lực này trong thời gian tới. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng nhân lực cấp cao trong lĩnh vực khách sạn của các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung hiện nay thiếu và yếu.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thúy Hường, quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang (Bộ VHTTDL) cho rằng: Nguồn nhân lực về du lịch có chuyên môn, kỹ năng cao ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển. Theo đó, với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, yêu cầu mỗi năm cơ sở đào tạo du lịch phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng lao động tương tự. Hiện nay, cả nước có khoảng 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng số lao động cả nước, trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch cấp cao.

TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cũng cho rằng tại Việt Nam trong số các ngành kinh doanh du lịch thì kinh doanh khách sạn có tốc độ phát triển nhanh nhất, đạt doanh thu cao nhất (chiếm khoảng 70%) trong tổng doanh thu du lịch. Số cơ sở lưu trú du lịch khách sạn, nhà nghỉ, khách sạn nghĩ dưỡng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch tăng mạnh.

Tính đến hết năm 2019, cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với 650.000 buồng phòng, tăng hơn 2.000 cơ sở lưu trú và tăng hơn 100.000 buồng, phòng so với năm 2018. Trong đó, cơ sở lưu trú từ 4–5 sao là 454 cơ sở với hơn 100.281 buồng, phòng. Tốc độ, quy mô phát triển về số lượng, quy mô đã góp phần đưa hệ thống khách sạn Việt Nam ngang tầm với các nước phát triển du lịch trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt cơ sở lưu trú du lịch quy mô lớn được đầu tư tập trung ở các trung tâm du lịch và khu vực ven biển ở Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Hội An (Quang Nam), TP Hồ Chí Minh.

 Nhiều ý kiến được đưa ra tại Hội thảo

Đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu

Theo TS Phạm Trung Lương, việc đào tạo nhân lực cấp cao trong lĩnh vực khách sạn hiện nay còn “thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển khách sạn” là một thực tế dễ nhìn thấy. Thực tế hiện nay, cơ cấu về trình độ nguồn nhân lực về du lịch ở Việt Nam có sự phân cấp và sự chênh lệch rất lớn, trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng đang chiếm khoảng 51%, trình độ dưới sơ cấp chiếm 40%, trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9%. Sự thiếu hụt về nhân lực cũng như hạn chế về trình độ nên rất nhiều chuỗi khách sạn cao cấp ở Việt Nam hiện nay vẫn phải thuê lao động, các chuyên gia nước ngoài quản lý.

TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Nhân lực cấp cao trong lĩnh vực khách sạn ở nước ta “thiếu về lượng và yếu về chất” là do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân cơ bản là đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu cấp cao. Mặc dù giáo dục Việt Nam tuy đã có những cải cách nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa thể cạnh tranh với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cũng như phát triển vượt trội. Thực chất chúng ta học hỏi kinh nghiệm, các mô hình giáo dục phổ thông cũng như đại học của nhiều quốc gia trên thế giới, song việc áp dụng cũng còn chắp vá, hạn chế, không hợp lý trong điều kiện còn thiếu sự thống nhất về chính sách trong cả hệ thống giáo dục. Một bộ phận sinh viên khi bước vào bậc đại học mà vẫn chưa hình dung được nghề nghiệp tương lai mình lựa chọn là gì, thiếu định hướng rõ ràng. Khi ra trường, doanh nghiệp tuyển dụng lại phải tiếp tục đào tạo lại một lần nữa nhưng độ sâu với nghề thì không có. Bên cạnh đó, phần lớn các chương trình đào tạo chuyên sâu, đào tạo nâng cao nhân lực nhân viên, bồi dưỡng nhân lực cấp cao lại tự phát, chưa phải là chiến lược có chiều sâu, lâu dài. Thậm chí nhiều chương trình đào tạo nhân lực cấp cao khách sạn chỉ mang tính hình thức, chưa hiệu quả.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực cấp cao, hay còn gọi là “nhân tài” theo TS Nguyễn Tuấn Anh đó là tình trạng “chảy máu chất xám”. Đây cũng là điều dễ thấy ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam chúng ta. Bởi nguồn nhân lực tiềm năng, có năng lực là những nhân tài sẽ có nhiều cơ hội làm việc và định cư ở nước ngoài. 

 XUÂN HƯỚNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top