Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Giảm nghèo từ ứng dụng công nghệ 4.0 – Bài 1: Khi sản phẩm được “lên sàn” thương mại điện tử

Thứ Bảy 29/08/2020 | 14:45 GMT+7

VHO- Cây dược liệu vốn là một trong những thế mạnh địa phương của xã Lạng San, huyện Nà Rì, tỉnh Bắc Kạn. Tận dụng lợi thế này, đồng bào dân tộc nơi đây chỉ biết trồng và bán cho người dân xung quanh huyện, tỉnh. Nhưng khi áp dụng công nghệ 4.0, đầu ra sản phẩm của bà con đã khởi sắc khi vươn xa tới nhiều địa phương trên toàn quốc.

Động lực từ sự nghèo, đói của bộ mẹ

Chuyện về những người phụ nữ dân tộc thiểu số tại HTX Dược liệu Bảo Châu áp dụng công nghệ 4.0 để đưa sản phẩm dược liệu “lên sàn” là điển hình thú vị cho những người dân vùng sâu vùng xa đang loay hoay với bài toán kinh tế, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Một ngày của chị Ma Thị Miên (sinh năm 1989), Phó giám đốc HTX Dược liệu Bảo Châu (thôn Phiêng Bang, xã Lạng San, huyện Nà Rì, tỉnh Bắc Kạn) 5 năm trước đây chủ yếu xoay quanh việc đi hái thuốc, chế biến thuốc và đưa thuốc ra các chợ để bán cho bà con xung quanh. Nhà có truyền thống làm nghề đông y nên anh Hoàng Văn Luân (sinh năm 1987) – chồng chị Miên đã nhìn thấy tiềm năng kinh tế từ nguồn cây dược liệu tự nhiên – lợi thế của địa phương là cây cà gai leo, giảo cổ lam, ba kích, hà thủ ô… Năm 2014, hai anh chị bàn nhau và thành lập HTX Dược liệu Bảo Châu do anh Luân làm Giám đốc để phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường.

Anh Hoàng Văn Luân bên hình ảnh gia đình khi được mời tọa đàm về phát triển kinh tế tại Hà Nội. Ảnh: Q.Hoa

Tuy nhiên, dù có ông ngoại và bố làm nghề đông y, bản thân anh Luân cũng được đi học tại Viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh (Hà Nội), mở phòng khám, nhưng câu chuyện làm giàu không hề suôn sẻ. Bắt đầu là việc trồng cây dược liệu, đầu tư khai hoang bao nhiêu thì mưa lũ, thời tiết đã khiến cây dược liệu mất mùa, khiến anh thiệt hại tới 60 triệu đồng. Năm thứ 2, cơn lũ lịch sử cũng cuốn trôi tất cả niềm hy vọng phát triển kinh tế của gia đình. Nhưng không nguôi ý chí, anh bàn với vợ và gia đình mạnh dạn “cắm” sổ đỏ để vay vốn tiếp tục đầu tư lần thứ ba.

Anh Luân cho biết, từ khi còn nhỏ, gia đình anh trong diện hộ nghèo, nên cái nghèo cái đói luôn bủa vây và ám ảnh anh tới bây giờ, tuy vậy bố mẹ anh luôn động viên các con học tập. Đó cũng là động lực để anh không nản chí, “quá tam ba bận” đầu tư trồng cây dược liệu, phát triển thế mạnh của địa phương và gia đình. Năm đó, tỉnh Bắc Kạn cũng có chính sách thúc đẩy trồng cây dược liệu nên đã giúp anh về kỹ thuật bón, giống cây trồng, cộng với kiến thức anh tự nghiên cứu, học hỏi nên đã “trời” đã không phụ công chăm sóc, hy vọng của anh và mang đến mùa bội thu dược liệu. Không chỉ bán nguyên liệu, anh Luân còn tạo ra các sản phẩm trà, cao gai leo, giảo cổ lam điều trị bệnh gan. Nhưng lúc đó anh chị chưa biết gì đến quản trị sản xuất, truyền thông sản phẩm hay phân phối thị trường nên sản phẩm làm ra chỉ mang ra chợ truyền thống để bán vói lượng tiêu thụ rất ít, khiến cho vốn đã ít lại càng ít, không thể quay vòng.

Sản phẩm “lên sàn”, doanh thu tăng gấp bội

Tới năm 2017, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, anh chị được tiếp cận với nguồn vay lãi suất thấp, và câu chuyện bắt đầu có chuyển biến khi HTX đầu tư vào mở rộng công nghệ sản xuất, các sản phẩm đáp ứng với các tiêu chuẩn về thuốc, nguyên liệu dược liệu. Thế nhưng nếu chỉ đổi mới, phát triển sản xuất, mà không đi kèm với mở rộng thị trường, đối tác kinh doanh thì sản phẩm chỉ loanh quanh ở chợ truyền thống hoặc trưng bày ở các cuộc họp, hội nghị trong tỉnh, khó tiếp cận khách hàng mới. Điều này dẫn đến thu nhập của chị em trong hợp tác xã chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng/người.

Chị Ma Thị Miên sơ chế dược liệu

Chị Ma Thị Miên, Phó giám đốc HTX cho hay, HTX có 25 thành viên đều là người dân tộc Tày và Dao, trong đó có 23 người là nữ nên chủ yếu là làm nông nghiệp truyền thống, vụ mùa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khả năng tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật, internet còn khá hạn chế. May mắn đã mỉm cười với HTX khi được chọn là 1 trong 10 HTX được tham gia dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo và áp dụng công nghệ 4.0” do Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện vào giữa năm 2019.

Trong khuôn khổ chương trình, chị Miên và các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số khác được tham gia tâp huấn với các chuyên gia trong và ngoài nước về cách thức áp dụng công nghệ thông tin để làm quen và sử dụng. Các chị được các chuyên gia truyền thông, marketing đã hướng dẫn các chị lập và tham gia mạng xã hội như Facebook, Zalo để chào hàng, quảng bá giới thiệu sản phẩm, được hướng dẫn cách viết nội dung quảng cáo sao cho hay, hấp dẫn người tiêu dùng, thị hiếu khách hàng. Chương trình cũng giúp đưa sản phẩm của Dược liệu Bảo Châu lên sàn thương mại điện tử Sendo, Shoppe, Voso.vn, từ đó, dần dần sản phẩm bán ra của HTX tăng 60% và doanh thu tăng 40%.

“Cơ hội sản phẩm được đưa ra thị trường nhiều hơn, đối tượng khách hàng cũng đa dạng hơn. Trước đây sản phẩm Bảo Châu chỉ quảng cáo bằng truyền miệng của người dân trong tỉnh, mà chủ yếu là các cán bộ; nhưng mà bây giờ, sản phẩm của chúng tôi được đến với khách hàng ở nhiều địa phương hơn, nhiều lứa tuổi, người dân cũng mua nhiều. Trước đây mỗi ngày bán được khoảng 100 lọ cao thì bây giờ mỗi ngày tôi bán được gấp đôi, hoặc hơn nữa”, chị Ma Thị Miên chia sẻ.

Việc nâng cao chất lượng và ứng dụng internet đã giúp tăng doanh thu cho HTX

Anh Luân cho biết, nhà anh cách trung tâm 22km, cách thành phố tới 100km nên trước kia việc giao hàng cũng khá khó khăn, nhưng nay không còn trở ngại khi anh biết cài các app giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh để nhân viên giao hàng đến tận nhà anh lấy. Sản phẩm của anh đã đến được với nhiều người dân ở các tỉnh xa như Đà Nẵng, Hải Dương, Thái Nguyên… HTX còn cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp lớn như Thái Dương, ĐK Pharma…

Nhờ áp dụng nhiều giải pháp cùng lúc, tăng được doanh số bán hàng, thu nhập của 25 thành viên HTX Dược liệu Bảo Châu cũng gia tăng, ở mức 4 – 8 triệu đồng/người/tháng. Anh Hoàng Văn Luân cho rằng, việc tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0 với bà con dân tộc thiểu số là khá khó khăn, nhưng học thì sẽ làm được, nó sẽ giúp bà con bán hàng nhanh hơn, nhiều hơn.  Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là vốn sản xuất. Anh mong rằng sắp tới anh tiếp tục được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất hơn nữa, cho ra đời những sản phẩm mới, góp phần thúc đẩy đời sống, kinh tế của bà con. Anh Luân cho hay, từ nay đến cuối năm anh sẽ bán thêm sản phẩm mới là thuốc trị xương khớp, dạ dày và đái tháo đường; kế hoạch năm 2021, các sản phẩm này sẽ được bào chế thành viên uống…

Sự tham gia và vào cuộc trong ứng dụng công nghệ 4.0 đã thay da đổi thịt cho vùng đất có nhiều tiềm năng về cây trồng dược liệu, đồng thời làm thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh của người dân vùng cao. Sự thành công của HTX Dược liệu Bảo Châu và dự án cho thấy hướng đi phù hợp cho công tác giảm nghèo bền vững có thể áp dụng cho nhiều vùng khác trên cả nước.

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top