Kon Tum​​​​​​​: Hơn 7,5 tỉ đồng tôn tạo, phát huy giá trị di tích

VHO- Theo Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016 - 2020, Sở này được bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa là 7,516 tỉ đồng. Kinh phí này được sử dụng vào 3 dự án: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa (5,4 tỉ đồng); Dự án tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa (1,116 tỉ đồng) và Dự án phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn (1 tỉ đồng).

Kon Tum​​​​​​​: Hơn 7,5 tỉ đồng tôn tạo, phát huy giá trị di tích - Anh 1

 Dự án chống xuống cấp tu bổ di tích lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh được đầu tư 2,7 tỉ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020

Cụ thể, đối với dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tổng vốn được cấp là 5,4 tỉ đồng, Sở VHTTDL đã dành 4,7 tỉ đồng để đầu tư các dự án gồm: 2,7 tỉ đồng đầu tư dự án chống xuống cấp tu bổ di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô), hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2018; 1 tỉ đồng cho dự án chống xuống cấp tu bổ di tích Địa điểm chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) và 1 tỉ đồng đầu tư dự án chống xuống cấp tu bổ di tích Măng Đen (huyện Kon Plông). Đối với kinh phí 700 triệu còn lại, Sở VHTTDL triển khai Dự án sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn văn hóa phi vật thể dân tộc Brâu (150 triệu đồng) và 550 triệu đồng dùng để phục dựng, bảo tồn lễ hội tiêu biểu của dân tộc Brâu, Xơ Đăng và Gia Rai.

Đối với Dự án tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, giai đoạn 2016 - 2020 tổng kinh phí được cấp là 1,116 tỉ đồng. Riêng Dự án phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 là 1 tỉ đồng, được sử dụng Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho đoàn nghệ thuật biểu diễn và hỗ trợ Trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, Kon Tum là một tỉnh còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế. Mặt khác, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa để lồng ghép vào nguồn vốn của chương trình rất khó thực hiện do mức sống người dân còn thấp. Hiện nay với nguồn ngân sách còn hạn hẹp với nguồn thu ngân sách địa phương chưa thể cân đối để đầu tư các công trình văn hóa để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân địa phương và trong khu vực. Nhu cầu đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhiều di tích lịch sử mang tầm vóc quốc gia đều đã xuống cấp như Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh; Di tích lịch sử ngục Kon Tum; Di tích lịch sử Chiến thắng PleiKần, Ngọc Hồi. Nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nói chung, lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng rất hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu công tác bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống một cách đầy đủ và đồng bộ…

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc