Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nhìn từ cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc- 2020: Để hun đúc lửa nghề cho nghệ sĩ trẻ

Thứ Hai 07/12/2020 | 11:15 GMT+7

VHO-  Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc 2020 đã kết thúc sau gần 10 ngày diễn ra sôi nổi. 24 tấm huy chương cùng nhiều giải thưởng của Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã được trao cho những tài năng trẻ xuất sắc, những “truyền nhân” sáng giá cho sân khấu Cải lương.

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao huy chương Vàng cho các diễn viên

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã dự và phát biểu động viên các nghệ sĩ trẻ tại Lễ bế mạc.

Sự tham gia đông đảo của đội ngũ diễn viên trẻ

“Sau gần 10 ngày đua tài hào hứng và sôi nổi của các nghệ sĩ, Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc - 2020 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, cuộc thi chưa quy tụ được đầy đủ các đơn vị nghệ thuật có bề dày hoạt động trong cả nước tham gia, thực sự là điều đáng tiếc, đòi hỏi nhiều hơn nữa sự quan tâm và điều kiện thuận lợi để phát hiện, đào tạo, giữ chân được diễn viên trẻ yên tâm làm nghề và phát triển tài năng. Điều đáng chú ý tại cuộc thi lần này đó là số lượng đông đảo của đội ngũ diễn viên trẻ, cũng như sự có mặt của các đơn vị ngoài công lập”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

NSƯT Lê Chức, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho rằng, Cuộc thi là một “bức tranh toàn cảnh” đa dạng và phong phú về đề tài, chất liệu sáng tạo, có đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, có đề tài khai thác từ những điển tích, từ văn học và từ thực tế của cuộc sống đương thời và có cả chất liệu nước ngoài. “Tính chuyên nghiệp trong các yếu tố tổng hợp của nghệ thuật sân khấu nói chung và Cải lương nói riêng luôn bộc lộ rất rõ trong mỗi bài thi, từ cấu trúc câu chuyện, những mâu thuẫn, xung đột nội tâm nhân vật và cả hình thái đối đầu về quyền lực và quyền lợi, về lòng trung quân ái quốc, yêu nước thương nòi, kiên trung với lý tưởng cách mạng, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, đánh mất niềm tin… điều đó còn thể hiện trách nhiệm công dân - nghệ sĩ trước cuộc sống”, NSƯT Lê Chức nói. Cùng với tài năng của cá nhân diễn viên trẻ thì thấy rõ sự phối hợp đồng bộ giữa bàn tay dàn dựng của đạo diễn, dàn nhạc được thể hiện nổi trội ở 6 tiết mục giành giải cao nhất, đó là: Nguyễn Thị Luận (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; vai Diệu trong trích đoạn Thời con gái đã xa); Nguyễn Hoài Thanh (Nhà hát Thế giới trẻ, Trường ĐH SK-ĐA TP.HCM, vai Hồ Nguyệt Cô trong trích đoạn Người Cáo); Nguyễn Thị Thủy (Nhà hát Cải lương Việt Nam, vai Đát Kỷ trong trích đoạn Khát vọng Đát Kỷ); Nguyễn Thị Kỷ (Huyền Trân) (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, vai Trần Thị Dung trong trích đoạn Dấu ấn giao thời); Nguyễn Thị Thu Mỹ (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Long An, vai Mị Cơ trong trích đoạn Mưu kế Mị Cơ); Nguyễn Phước Dư (Khánh Dư) (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, vai Trần Bình Trọng trong trích đoạn Khí tiết Trần Bình Trọng).

 Một trích đoạn được trao huy chương Vàng tại Cuộc thi

Làm gì để tiếp tục tỏa sáng sau khi trở về

Ghi nhận ở cuộc thi lần này đã có một lực lượng diễn viên trẻ là sinh viên của Trường Đại học SK-ĐA Hà Nội và TP.HCM cùng một số đơn vị theo mô hình xã hội hoá tham gia. Nhưng cũng là điều đáng tiếc khi thiếu vắng lực lượng diễn viên trẻ ở một số đơn vị nghệ thuật công lập như: Nhà hát Cải lương Hà Nội, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Cải lương Nam Định, Đoàn Cải lương Thái Bình, Đoàn Cải lương Quảng Ninh, Đoàn Cải lương Kiên Giang, Đoàn Cải lương Tây Ninh, Đoàn Cải lương Kiên Giang, Đoàn Cải lương Bến Tre. Điều này phản ánh thực tế là một số đơn vị nghệ thuật đang thiếu trầm trọng lực lượng diễn viên trẻ kế cận và không có nổi một thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi.

Cuộc thi lần này cũng cho thấy sân khấu cải lương vẫn tồn tại và được gìn giữ, phát triển bởi những người trẻ có tài năng và nhiệt huyết. Những đêm diễn thành công là nhờ một phần vào sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả TP Cà Mau, tạo hưng phấn cho nghệ sĩ trẻ biểu diễn hết mình. Hơn thế, fanpage của Cục Nghệ thuật biểu diễn có hơn 20.000 lượt truy cập theo dõi các buổi livestream đã cho thấy sự nhiệt tình với nghệ thuật cải lương của công chúng.

Điều băn khoăn lớn nhất của những người trong ngành cũng như chính nhà tổ chức đó là làm sao những người có thanh sắc, tài năng sau cuộc thi trở về có cơ hội để tiếp tục tỏa sáng. Theo dõi sát tất cả các cuộc thi tài năng trẻ gần đây của sân khấu, NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định: “Để giải quyết vấn đề không đơn giản. Các nhà quản lý phải nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn mới có được những định hướng chiến lược. Đó không phải công việc ngày một ngày hai. Thậm chí, muốn thu hút nhân tài, chúng ta cũng cần nâng cao đời sống anh chị em nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật, cần có chế độ đãi ngộ thích đáng, giao quyền tự chủ để tuyển người, đưa vào định biên… Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là phần ngọn, quan trọng hơn vẫn là tác phẩm hay, có sức sống trong xã hội, từ đó nâng cao về cơ bản vị trí cũng như mức sống cho nghệ sĩ để họ được diễn nhiều, diễn liên tục, thù lao từ những đêm diễn phải xứng đáng với công sức lao động…”.

Quả thực, thu nhập từ các đêm diễn chính là điều kiện tiên quyết để kích thích sự hưng phấn, hun đúc lửa nghề của nghệ sĩ. Khi các em được tôn vinh trên sân khấu, sống hết mình với các nhân vật, sống trong sự yêu mến của khán giả, tự có được thương hiệu nghệ thuật riêng, đó mới là lực hút đủ mạnh để người tài đến với sân khấu. Hiện nay, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật vẫn bị khống chế chi tiêu, khống chế nhân sự, thậm chí không cho phép ký hợp đồng với các cá nhân, đây là điều rất bất hợp lý. Có thể thấy ngành nghệ thuật đang đứng trước hàng loạt những khó khăn, bất cập về chế độ, chính sách. Để tháo gỡ những khó khăn này, cần phải có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ nhiều cơ quan, các cấp có thẩm quyền, sự linh hoạt, năng động ở từng địa phương và của chính các đơn vị nghệ thuật.

 Muốn thu hút nhân tài, chúng ta cần nâng cao đời sống anh chị em nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật, cần có chế độ đãi ngộ thích đáng, giao quyền tự chủ để tuyển người, đưa vào định biên…

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là phần “ngọn”, quan trọng hơn vẫn là tác phẩm hay, có sức sống trong xã hội, từ đó nâng cao về cơ bản vị trí cũng như mức sống cho nghệ sĩ để họ được diễn nhiều, diễn liên tục, thù lao từ những đêm diễn phải xứng đáng với công sức lao động…

(NSND TRỊNH THUÝ MÙI, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)

 THÚY HIỀN; ảnh: THỦY DƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top