Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Amy Novogratz - người xây quỹ đầu tư nuôi trồng thủy sản bền vững lớn nhất thế giới

Thứ Ba 15/12/2020 | 09:55 GMT+7

VHO- Amy Novogratz đã chiến đấu chống lại khối u não gây chết người để xây dựng quỹ đầu tư nuôi trồng thủy sản bền vững lớn nhất thế giới. Bà trở thành một trong những nhà đầu tư trong danh sách Impact 50 - những người tạo tác động đáng chú ý nhất, nỗ lực tạo thay đổi bằng tiền của mình. 

Amy Novogratz trong căn gác mái ở New York vào tháng tám. 1/3 vốn của quỹ Aqua-Spark có trụ sở tại Hà Lan đến từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

NĂM NGOÁI, AMY NOVOGRATZ MỜI MỘT NGƯỜI QUẢN LÝ trang trại nuôi trồng rong biển, một chủ trại nuôi hàu, chủ công ty thức ăn nhanh làm từ da cá hồi khử nước, lãnh đạo công ty thu mua hàng tạp hóa, một chủ nhà hàng và một phóng viên đến dự bữa tiệc tối trên căn gác mái ở Manhattan của bà.

Khi những vị khách thưởng thức món cá hồi chấm hồng Bắc Cực chần nghệ tây với cà chua leo giàn và xốt pistachio, bà đứng lên giải thích về xuất xứ của loài cá: Matorka, một trang trại ở Grindavík, Iceland, nuôi cá không kháng sinh trên cạn trong các bể sử dụng năng lượng địa nhiệt.

Năm 2016, khi quỹ Aqua-Spark của Novogratz đầu tư 2,5 triệu USD vào trang trại này, Matorka chỉ sản xuất 50 tấn cá mỗi năm. Vào thời điểm diễn ra bữa tiệc tối đó, Matorka đã bán được 3.000 tấn, khách hàng của họ gồm cả đầu bếp nổi tiếng Nobu Matsuhisa và dịch vụ giao hàng tạp hóa FreshDirect của Mỹ. Khi Covid-19 bùng phát và nguồn doanh thu từ nhà hàng của Matorka cạn kiệt, Aqua-Spark đã hỗ trợ khoản tài trợ bắc cầu 750.000 USD.

Novogratz cho biết: “Thương hiệu hiện đã khôi phục tốt.” Bà dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 6.000 tấn vào năm 2022 – một “đích đến thành công thực sự, thời điểm mà bạn có thể kiểm soát sản xuất, hiểu biết thị trường và khách hàng của bạn, thực sự theo dõi được mọi thứ.”

Bản thân Novogratz, 45 tuổi, cũng đạt đến thành công thực sự trong thời gian này. Mười năm trước, bà bị chẩn đoán có khối u não mà bác sĩ cảnh báo có thể khiến bà tử vong. Ca phẫu thuật đầy rủi ro kéo dài 20 giờ đồng hồ đã cắt bỏ khối u nhưng lại khiến bà gặp vấn đề về thăng bằng và khả năng vận động – ngoài ra bà còn mù một mắt do tai nạn thời thơ ấu.

Hiện nay, bà và chồng, Mike Velings, 50 tuổi, điều hành AquaSpark, quỹ hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững có trụ sở tại Hà Lan, thu hút 148 triệu USD từ 190 nhà đầu tư ở 29 quốc gia. Những nhà đầu tư đó bao gồm ImpactAssets, một quỹ tư vấn cho nhà tài trợ có trụ sở tại Bethesda, Maryland (quỹ này cho phép các cá nhân đưa các khoản đóng góp của họ vào các khoản đầu tư tạo tác động có sinh lời trước khi phân phối tiền cho các tổ chức từ thiện) và công ty Louis Dreyfus, công ty hàng hóa khổng lồ do tỉ phú Margarita Louis-Dreyfus điều hành.

Bản thân Novogratz cũng có những mối quan hệ đáng chú ý. Chị gái Jacqueline là nhà sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu tư mạo hiểm tạo tác động tiên phong Acumen và kết hôn với Chris Anderson, người đứng đầu TED Talks. Anh cả Michael là tỉ phú, nhà giao dịch quỹ đầu cơ vĩ mô đã trở thành nhà đầu tư tiền mã hóa nổi tiếng.

Tháng sáu vừa qua, cổ phần của Aqua-Spark trong 19 công ty thuộc danh mục đầu tư của họ được định giá 180 triệu USD. Năm 2019, Aqua-Spark công bố tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 21,75% – con số rất ấn tượng, nhất là khi biết họ phải trả khoản phí ròng hằng năm 1% và 20% lợi nhuận của họ thuộc về một công ty quản lý vì lợi nhuận do Novogratz và Velings sở hữu 60%. (Quỹ của vợ chồng họ và các nhân viên sở hữu 40% còn lại.)

Bất chấp đại dịch, Novogratz dự kiến IRR năm nay sẽ vượt qua 20%. (Các nhà đầu tư Hoa Kỳ được công nhận có thể đầu tư với khoản tiền tối thiểu là 118.000 USD). Xét về giá trị tiền bạc, Aqua-Spark là công ty không có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trị giá 265 tỉ USD trên toàn thế giới (ngành nuôi trồng thủy sản hiện cung cấp hơn một nửa lượng thủy sản được sản xuất cho con người.)

Tuy nhiên, với tư cách là quỹ đầu tư đầu tiên và lớn nhất trên thế giới dành riêng cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, họ đang có ảnh hưởng lớn. Ví dụ, vào năm 2015, trong khoản đầu tư đầu tiên, Aqua-Spark đã rót 3,4 triệu USD vào Calysta, công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon chuyên sản xuất bột cá mới. Calysta sử dụng vi sinh lên men có nguồn gốc từ phụ phẩm của quá trình sản xuất khí đốt tự nhiên, để sản xuất thức ăn cho cá tốt hơn với môi trường so với các sản phẩm làm từ cá hoặc đậu nành trên thị trường.

Tiền của Aqua-Spark đã giúp chi trả cho một nhà máy thử nghiệm, từ đó giúp Calysta thu hút thêm 150 triệu USD đầu tư, bao gồm các khoản đầu tư từ Cargill và BP Ventures. Họ đang xây dựng nhà máy ở Trung Quốc có thể sản xuất 20.000 tấn thức ăn mỗi năm – một yếu tố tiềm năng làm thay đổi cuộc chơi đối với thị trường thức ăn cho cá toàn cầu trị giá 40 tỉ đô la Mỹ.

“Khi tôi gặp Novogratz và Velings, tôi nói quá trình đó có thể mất 10 năm,” đồng sáng lập và CEO Alan Shaw của Calysta nhớ lại. “Họ thực sự tin tưởng.”

Với cách tiếp cận phù hợp với mục tiêu lâu dài, Aqua-Spark vẫn chưa bán một cổ phiếu nào. Họ hi vọng các công ty trong danh mục đầu tư của mình sẽ trả cho tất cả nhân viên mức lương đủ sống và ưu tiên tính minh bạch cho các kết quả khoa học. Họ đầu tư vào một số trang trại, nơi phải giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh và hóa chất, đồng thời hạn chế xả thải gây ô nhiễm.

Nuôi trồng thủy sản “được coi là một ngành công nghiệp rất bẩn, đầy dịch bệnh. Họ đã thay đổi tư duy đó và khiến ngành này trở thành một mục tiêu có thể đầu tư được,” Lisa Kleissner, nhà đầu tư tạo tác động nổi tiếng, có mặt trong hội đồng quản trị của Aqua – Spark, cho biết.

Novogratz là người thứ sáu trong số bảy anh chị em. Cha họ, vị đại tá quân đội Hoa Kỳ luôn muốn con mình thức dậy lúc sáu giờ sáng vào cuối tuần. Sau khi học ngành sân khấu tại đại học New York, bà làm việc ở thủ đô Washington, nghiên cứu các chính sách ảnh hưởng đến các bà mẹ tuổi thiếu niên, sau đó làm việc với anh rể của mình, người điều hành TED Prize, giải thưởng hằng năm được trao cho cá nhân đưa ra được ý tưởng thay đổi thế giới.

Nhờ đó, vào mùa xuân năm 2010, Novogratz có chuyến đi kết hợp các bài giảng về bảo tồn đại dương và lặn biển trên con tàu nghiên cứu ở Galápagos. Trong chuyến đi đó, bà gặp Velings, doanh nhân khởi nghiệp liên tục người Hà Lan, người đã khởi nghiệp kinh doanh từ năm 18 tuổi. Mối quan hệ của họ nảy nở trong bảy tháng sau đó, nhưng Novogratz bắt đầu có những cơn động kinh đáng lo ngại.

Đến tháng 10, bà được chẩn đoán u não. Sau cuộc phẫu thuật, Velings đã cầu hôn bà ngay trên giường bệnh. Bà đồng ý nhưng nói rằng mình cần thời gian để lấy lại nhịp sống – bà phải học cách đi lại. Trong vòng vài tháng, Novogratz đã trở lại làm việc tại TED.

Hiện giờ, bà thừa nhận rằng lúc đó “còn quá sớm.” Bà chia sẻ: “Tôi không biết làm thế nào để ngừng thúc đẩy. Đó là đặc trưng con người tôi.” Cuối cùng, bà kể, một hội nghị TEDx được lên lịch tại Doha, Qatar, đã khiến bà chững lại. “Tôi thậm chí còn không thể đi trên cát, vậy mà tôi lại đồng ý dẫn dắt các hội thảo trên sa mạc. Thật là điên rồ.”

Bà mua vé đến Hà Lan, nơi bà và Velings bắt đầu xây dựng cuộc sống và công ty cùng nhau. Họ chọn nuôi trồng thủy sản vì ít nhà đầu tư quan tâm đến thị trường lớn và đầy khó khăn này. Một số trang trại cá đã làm trầm trọng thêm vấn nạn đánh bắt quá mức trong tự nhiên khi họ sử dụng cá trong tự nhiên làm thức ăn.

Các hoạt động canh tác bền vững hơn (trong phạm vi hoạt động của họ) thì lại “đang bán sản phẩm cho các thị trường cao cấp cực kỳ nhỏ với giá cao” và ít tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài, Novogratz cho biết. Cả hai đã gặp gỡ hàng chục nhà đầu tư tiềm năng ở thung lũng Silicon và châu Âu và đang chuẩn bị một đợt ra mắt huy động vốn chính thức vào tháng 9.2013.

Thời điểm đó, bi kịch lại xảy ra. Novogratz sinh con đầu lòng vào tháng 7.2013 và đứa trẻ qua đời chỉ một tháng sau đó. Việc ra mắt đã bị hoãn lại – nhưng không lâu. Cuối năm 2014, Novogratz sinh đứa con thứ hai (bà và Velings hiện có ba đứa con khỏe mạnh), và cặp đôi đã nhận được cam kết trị giá hơn tám triệu đô la Mỹ từ 26 nhà đầu tư. Họ đã trang trải chi phí hoạt động ban đầu bằng 4 triệu USD tiền riêng của họ.

Hai vợ chồng họ đặt mục tiêu sẽ có từ 60–80 công ty trong danh mục đầu tư của Aqua-Spark, gấp hơn ba lần danh sách hiện tại của họ. Ban đầu, họ lo lắng rằng có thể không có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhận đầu tư; hiện tại, họ đang tích cực theo dõi ít nhất 1.550 doanh nghiệp. Novogratz vẫn nỗ lực để tìm kiếm các doanh nghiệp có triển vọng.

Bà leo thang dây ở Việt Nam và đi bộ trên giàn cho cá ăn trên vùng nước có nhiều cá sấu ở Mozambique: “Đôi khi tôi lùi bước, nhưng trong phần lớn trường hợp, tôi đều tự thúc đẩy bản thân mình vượt qua khó khăn.”

Mặc dù đại dịch khiến họ không thể thực hiện các chuyến thẩm định thực tế như vậy, Novogratz và Velings không nản lòng. Họ thực hiện thẩm định từ xa. “Mọi thứ đằng sau chúng tôi đang thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước,” bà nói.

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 90, tháng 11.2020 

Forbes Việt Nam

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top