Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nghị định số 144/2020/NĐ- CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Đâu là những điểm mới?

Thứ Hai 21/12/2020 | 11:33 GMT+7

VHO- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ- CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực từ ngày 1.2.2021. So với Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã có nhiều sửa đổi. Vậy đâu là những điểm mới?

 Sau khi Nghị định chính thức có hiệu lực, hoạt động nghệ thuật biểu diễn sẽ vừa thông thoáng, vừa chặt chẽ hơn

Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, gồm 5 chương và 31 điều với nhiều nội dung được cho là đã đơn giản hóa thủ tục trong việc cấp phép.

1. Không còn thủ tục “cấp phép”

Nghị định 144 bỏ hoàn toàn thuật ngữ “cấp phép” vốn gây dị ứng về sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động văn hóa văn nghệ, thay vào đó là khái niệm “văn bản chấp thuận”. Một số thủ tục cấp phép theo Nghị định cũ cũng đã được loại bỏ như: Cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; Cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam; Cấp phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn; Cấp phép thi người đẹp, người mẫu và cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu… Theo đó, các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật chỉ cần có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm chấp thuận văn bản biểu diễn trong khuôn khổ hợp tác quốc tế ở Trung ương; UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về sự kiện diễn ra trên địa bàn theo hướng giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm.

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là Nghị định 79 quy định phải có cấp phép riêng đối với ca khúc trước năm 1975 và ca sĩ hải ngoại thì Nghị định 144 hoàn toàn không còn nhắc tới các khái niệm “tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam” (hay được gọi “ca khúc trước 1975”), người biểu diễn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (ca sĩ hải ngoại).

2. Phân cấp rõ ràng về quản lý nhà nước

Việc phân cấp, phân quyền cấp phép tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, các cuộc thi là một trong những nội dung gây nhiều tranh luận thời gian qua đã được Nghị định 144 quy định cụ thể hơn theo hướng cấp Trung ương không “ôm đồm”. Theo đó, Điều 10 quy định về thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật: Bộ VHTTDL chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương; UBND cấp tỉnh chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn quản lý, không thuộc trường hợp do Bộ VHTTDL chấp thuận. Đồng thời, trước khi tổ chức biểu diễn, đơn vị tổ chức có trách nhiệm thông báo tới UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện nơi tổ chức biểu diễn theo quy định.

 Từ ngày 1.2.2021, cá nhân muốn dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế không nhất thiết phải đoạt danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp ở trong nước

3. Sẽ thu hồi giải thưởng, danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc nếu vi phạm

Một trong những điểm thay đổi lớn trong Nghị định 144 là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có quyền thu hồi danh hiệu, giải thưởng của các cuộc thi nhan sắc. Điều 18 của Nghị định này quy định rõ: Cơ quan nhà nước có thẩm yêu cầu thu hồi danh hiệu, giải thưởng bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan khi phát hiện một trong các trường hợp như danh hiệu, giải thưởng được trao tại cuộc thi, liên hoan không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo; cuộc thi vi phạm quy định cấm trong trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Khi có văn bản của cơ quan quản lý có chức năng các tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan phải thu hồi danh hiệu, giải thưởng, đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng… Nghị định cũng nêu rõ, trường hợp việc thu hồi không được thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy kết quả cuộc thi, liên hoan sau 5 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu thu hồi và đăng tải thông tin hủy kết quả cuộc thi, liên hoan trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 4. Bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật

Nghị định 144 đã bỏ quy định cấm tổ chức, cá nhân biểu diễn sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Cụ thể là quy định hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật không còn trong Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định các hành vi sau đây bị cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nghị định bỏ cấm hát nhép nhưng không có nghĩa khuyến khích việc hát nhép. Ngược lại, trách nhiệm kiểm soát lúc này thuộc về người đứng đầu lãnh đạo cơ quan quản lý, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật. Đặc biệt, khán giả có thể sử dụng quyền người tiêu dùng sản phẩm văn hóa của mình để yêu cầu cơ quan quản lý xử lý với các ca sĩ hát nhép. Khán giả chấp nhận hay tẩy chay ca sĩ hát nhép thì đó là quyền của công chúng.

5. Thi người đẹp quốc tế không cần danh hiệu trong nước

Tại Điều 19 của Nghị định 144, các điều kiện, thủ tục tổ chức đưa người mẫu, người đẹp dự thi ở nước ngoài cũng thông thoáng hơn. Các cá nhân muốn ra nước ngoài dự thi, người đẹp, người mẫu không phải đoạt danh hiệu nào ở một cuộc thi người đẹp trong nước, chỉ cần có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi. 

  KHI NÀO DỪNG HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN?

- Vi phạm quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn (quy định tại Điều 3 Nghị định này).

- Không thông báo hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.

- Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp.

 CÁC HÀNH VI BỊ CẤM TRONG HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

1. Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

3. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

 ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT

- Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.

- Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

- Có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Bộ VHTTDL hoặc UBND cấp tỉnh.

 

 THUÝ HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top