Bảo tồn và phát huy nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

VHO- Sau nhiều lần tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Lễ hội văn hóa và du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh) lần thứ III năm 2020 dự kiến sẽ diễn ra vào dịp cuối tháng 1.2021.

Bảo tồn và phát huy nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng - Anh 1

 Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, đặc sản của Tây Ninh

Sự kiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Tôn vinh các nghệ nhân đang thực hành gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo của nghề truyền thống, đồng thời tạo điểm đến cho du khách có dịp khám phá và thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Tây Ninh nói chung và món bánh tráng phơi sương nói riêng. Theo BTC, không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa, lễ hội còn hướng đến thúc đẩy phát triển ngành chế biến, sản xuất bánh tráng phơi sương từng bước trở thành thương hiệu quốc gia. Tại lễ hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ giới thiệu đến công chúng và du khách những đặc sản nổi tiếng, các thương hiệu ẩm thực đặc sắc và đa dạng của vùng đất Tây Ninh. Qua đây, quảng bá thế mạnh và tiềm năng du lịch của địa phương, góp phần phục hồi dần thị trường du lịch trong nước.

Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động triển lãm đặc sản làm từ bánh tráng, biểu diễn cách làm bánh tráng phơi sương và muối ớt; trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được làm từ các loại hoa và trái cây, sản phẩm làng nghề truyền thống; khu ẩm thực và giới thiệu của các công ty lữ hành… Đến xứ Trảng những ngày này, chúng tôi có dịp gặp bà Nguyễn Thị Nhiều ngụ khu phố Lộc Du, một trong những nghệ nhân ưu tú của nghề nướng bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Tham gia thực hành di sản từ năm 18 tuổi, đến nay bà đã gắn bó với nghề gần 45 năm. Được truyền nghề từ chính mẹ ruột của mình nên bà hiểu rõ từng công đoạn và quy trình để tạo ra được chiếc bánh ngon, mềm và dẻo. Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nhiều, nướng bánh là một trong các khâu của nghề làm bánh tráng phơi sương, nghệ thuật trong nướng bánh là người nướng phải nhanh tay, khéo léo xoay trở cho bánh chín và phồng đều cả hai mặt, không để cho bánh bị vàng, hai lớp bánh không bị bong tróc, sau đó mang đi phơi sương.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nhiều tâm sự, nướng bánh là công đoạn rất quan trọng, nó quyết định màu sắc đặc trưng của bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Trong quá trình nướng, không được để bánh quá chín hay quá phồng, chỉ nướng sơ trên mặt lửa cho đến khi thấy bánh nổi các hạt bong bóng nhỏ trên mặt bánh và ngả sang màu trắng đục thì dừng lại ngay. Bánh nướng xong mang đi phơi sương từ lúc 9 đến 10 giờ đêm, hoặc 2-3 giờ sáng để sương xuống làm cho bánh vừa đủ mềm dẻo rồi xếp từng bánh, cho vào bọc và cột kín miệng, để tránh không khí lọt vào sẽ làm bánh bị cứng và không còn độ dẻo. Để làm được những việc này, người làm thức khuya dậy sớm, tranh thủ lấy đủ sương, phải canh đủ độ sương rồi mang vào cho bánh đạt chất lượng.

Cái cực nhất của nghề nướng bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là phải ngồi nhiều giờ bên trã lửa đỏ rực, nóng rát mặt. Hiện mỗi ngày bà nướng khoảng 2.000 chiếc bánh, từ lúc 6 giờ sáng đến 5 giời chiều. Nghề này tuy không nặng nề nhưng rất nhọc công, vì thế ai chịu cực thì mới gắn bó được với nó. Nghề này tuy không giàu, nhưng “hễ nổi lửa lên là có gạo nấu”, cũng chính cái nghề truyền thống này đã giúp bà có được cuộc sống ổn định, chăm lo cho các con ăn học thành nghề ổn định.

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc